Du học Anh tiếp tục bị “thất sủng” tại châu Âu do Brexit

Tại diễn đàn của Hiệp hội các Trường Kinh doanh Vương quốc Anh (Chartered Association of Business Schools – CABS), nhiều lãnh đạo học viện đã đồng tình rằng Brexit (việc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland rời Liên minh châu Âu) đã có ảnh hưởng lớn đến sự suy giảm số lượng sinh viên châu Âu nhập học tại Anh. Trước năm 2016, Anh là điểm đến ưa thích của hàng chục ngàn sinh viên từ Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, sau Brexit, xu hướng này đã thay đổi khi sinh viên EU dần chuyển sang các quốc gia khác trong khu vực châu Âu, đặc biệt là những quốc gia có mức học phí thấp hơn và hệ thống giáo dục linh hoạt hơn như Đức, Hà Lan và Pháp.

Brexit đã đánh dấu sự chấm dứt mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và các nước EU, không chỉ về mặt kinh tế, chính trị mà còn trong lĩnh vực giáo dục đại học. Trong khi Anh vẫn là một trong những trung tâm giáo dục hàng đầu thế giới, việc rời khỏi EU đã khiến sinh viên EU không còn được hưởng các lợi ích về học phí và hỗ trợ tài chính như trước đây, dẫn đến sự thay đổi lớn về lựa chọn điểm đến du học.

Tác động lâu dài của Brexit lên giáo dục Anh

Kể từ khi diễn ra cuộc bỏ phiếu Brexit vào năm 2016, số lượng sinh viên EU theo học tại các trường đại học Anh đã giảm đáng kể. Theo Higher Education Statistics Agency (HESA), số lượng sinh viên EU nhập học tại các trường đại học Anh giảm gần 50% từ năm 2016 đến năm 2021. Một nghiên cứu của Universities UK cho thấy năm 2016 là thời điểm then chốt khi các trường báo cáo nhiều trường hợp sinh viên EU từ chối nhập học do lo ngại về tương lai và các điều kiện mới sẽ được áp dụng sau Brexit. Thêm nữa, họ cũng lo ngại bị kỳ thị hoặc đối xử không công bằng trong bối cảnh “chủ nghĩa dân tộc” và các chính sách nhập cư cứng rắn ngày càng gia tăng tại Vương quốc Anh.

Ông Simon Collinson, Chủ tịch CABS và cựu Hiệu trưởng Viện Kinh doanh của Đại học Birmingham, cảnh báo rằng xu hướng giảm số lượng đơn đăng ký từ sinh viên EU có thể còn tiếp tục trong những năm tới. Ông Collinson nhận định rằng sau Brexit, một “phản ứng văn hóa” đã xuất hiện và làm xấu đi hình ảnh của Vương quốc Anh trong mắt người dân EU. Trong một bài phát biểu với Times Higher Education, ông đã đề cập đến việc “kì thị người nước ngoài” tại Anh đã gia tăng đáng kể, khiến sinh viên, giảng viên và các chuyên gia quốc tế phải lo ngại. 

Các quy định nhập cư ngày càng khắt khe

Việc siết chặt các quy định nhập cư của Anh đối với công dân EU sau Brexit là một lý do quan trọng khiến nhiều sinh viên và giảng viên từ EU chuyển hướng sang các quốc gia khác. Theo UK Council for International Student Affairs (UKCISA), sinh viên EU, giảng viên, và nhà nghiên cứu hiện phải đối mặt với các rào cản mới về visa và định cư tại Anh.

Trước Brexit, sinh viên EU được tự do học tập và làm việc tại Anh mà không cần visa. Tuy nhiên, từ năm 2021, sinh viên EU phải xin thị thực du học và chứng minh khả năng tài chính — một yêu cầu đầy thách thức. Mất quyền lợi học phí tương tự sinh viên Anh cũng là một yếu tố lớn. Trước Brexit, sinh viên EU trả mức học phí nội địa, khoảng 9 nghìn bảng Anh mỗi năm, nhưng sau Brexit, học phí cho sinh viên EU đã tăng lên mức quốc tế, dao động từ 10 đến 30 nghìn bảng Anh mỗi năm, tùy ngành và trường học.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh viên mà còn tác động đến các giảng viên từ EU, nhiều người trong số họ đã lựa chọn chuyển đến các quốc gia khác nơi môi trường học thuật thân thiện và ít hạn chế hơn. Một cuộc khảo sát của Universities UK cho thấy các quy định nhập cư khắt khe đang khiến các trường đại học Anh gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài quốc tế, bao gồm cả sinh viên và giảng viên xuất sắc.

Sự sụt giảm đáng kể về số lượng sinh viên EU

Đại học Lancaster là ví dụ điển hình về tác động của Brexit. Theo Hiệu trưởng Viện Quản lý của trường, số lượng đơn đăng ký từ sinh viên EU cho năm học 2022 đã giảm hơn 20%, phản ánh xu hướng trên toàn quốc. Theo HEPI, khoảng một phần ba sinh viên quốc tế hiện ít có khả năng chọn Anh làm điểm đến du học do chi phí học tập và sinh hoạt tăng cao, cùng với các vấn đề liên quan đến Brexit.

Một báo cáo từ Hội đồng Anh (British Council) năm 2021 cho thấy tỷ lệ sinh viên EU đăng ký vào các trường đại học Anh giảm 37% ngay trong năm đầu tiên áp dụng các quy định mới. Đáng chú ý, sinh viên từ các nước như Pháp, Đức, và Ý, vốn từng lựa chọn Anh, nay chuyển hướng sang các quốc gia EU khác.

Học phí và chi phí sinh hoạt cao tại Anh cũng là yếu tố khiến sinh viên EU không chọn đến Anh. Theo The Complete University Guide, chi phí sinh hoạt cho sinh viên quốc tế ở đây trung bình vào khoảng 12.000 đến 15.000 bảng Anh mỗi năm, chưa kể đến học phí. Trong khi đó, tại các nước như Đức, học phí được miễn cho cả sinh viên quốc tế, và chi phí sinh hoạt thấp hơn đáng kể.

Sự cạnh tranh từ các quốc gia châu Âu khác

Cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Anh, Vince Cable, nhiều lần cảnh báo rằng việc tăng học phí và các quy định visa mới sau Brexit sẽ làm giáo dục Anh mất sức hút so với các nước EU như Đức, Pháp, và Tây Ban Nha. Đức đã trở thành một điểm đến hấp dẫn nhờ chính sách giáo dục miễn phí, không phân biệt quốc tịch.

Erasmus+ cũng chỉ ra rằng nhiều sinh viên châu Âu đã chuyển hướng sang các chương trình trao đổi tại các nước như Hà Lan và Pháp. Các trường đại học Hà Lan, với chương trình dạy bằng tiếng Anh và học phí thấp, thu hút đông đảo sinh viên EU, trong đó nhiều người từng dự định học tại Anh trước Brexit. Điều này cho thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các quốc gia EU trong việc thu hút sinh viên quốc tế.

Chuyển hướng sang các khu vực ngoài EU

Để bù đắp sự sụt giảm sinh viên EU, nhiều trường đại học Anh đã điều chỉnh chiến lược, tập trung thu hút sinh viên ngoài EU. Chiến dịch GREAT của Anh quảng bá giáo dục mạnh mẽ tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, và Nigeria. Chương trình học bổng Chevening và Học bổng Khối thịnh vượng chung cũng được mở rộng, nhằm hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế và duy trì sức hút của giáo dục Anh trên toàn cầu.

Số lượng sinh viên châu Á, đặc biệt từ Ấn Độ, đã tăng đáng kể. Theo UKCISA, số sinh viên Ấn Độ tại Anh đạt 139.539 trong năm học 2022-2023, vượt số sinh viên Trung Quốc. Ngoài Ấn Độ, các nước như Nigeria và Pakistan cũng đóng góp vào sự tăng trưởng này.

Không thể phủ nhận Brexit đã mang lại những thay đổi sâu rộng cho giáo dục đại học Anh. Và trong khi Anh vẫn giữ vị thế là một trung tâm giáo dục hàng đầu thì sự sụt giảm số lượng sinh viên EU đặt ra thách thức lớn, buộc các trường đại học phải điều chỉnh chiến lược và tập trung vào sinh viên ngoài EU. Tuy nhiên, việc phục hồi số lượng sinh viên EU như trước Brexit có thể sẽ là một nhiệm vụ đầy khó khăn trong tương lai gần.

Tải xuống MIỄN PHÍ ngay
Bộ tài liệu học tốt tiếng Anh độc quyền của Language Link Academic (cập nhật 2020)!

Kiểm tra tiếng Anh miễn phí ngay cùng chuyên gia khảo thí đến từ Anh Quốc
& nhận những phần quà hấp dẫn!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vì sao không nên quá tin tưởng các bảng xếp hạng đại học thế giới khi chọn trường để du học?

Tin tổng hợp 23.12.2024

Các bảng xếp hạng đại học, đặc biệt là các bảng xếp hạng QS World Univer ity Ranking , Time Higher Education (THE) và [...]

Những lối tắt trong phát triển: Cẩn thận “lợi bất cập hại”!

Tin tổng hợp 23.12.2024

Sự hấp dẫn của các con đường tắt luôn khó cưỡng lại Dù là trong ự phát triển cá nhân, tiến bộ xã hội hay tăng [...]

Giáo dục trên bàn nghị sự G20: Giải pháp cho những thách thức toàn cầu năm 2024

Tin tổng hợp 19.12.2024

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2024, dưới ự chủ trì của Brazil, giáo dục đã trở thành một trong [...]
Previous Next

Đăng ký tư vấn ngay!