Khởi nghiệp ở Trung Quốc: Sự suy thoái bất ngờ

BioBAY từng là một trung tâm khởi nghiệp công nghệ nổi tiếng nằm ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). “Công viên khởi nghiệp” này từng nổi lên mạnh mẽ cùng với các tên tuổi khởi nghiệp lừng lẫy trong lĩnh vực công nghệ sinh học, dược phẩm và các lĩnh vực tiên tiến khác. Giờ đây, khu vực này phần lớn bị bỏ hoang. Bài viết mới đây trên tờ Financial Times (FT) đang nhận được nhiều sự chú ý từ dư luận thế giới khi miêu tả quang cảnh ngành khởi nghiệp tại Trung Quốc cùng những ý kiến, bình luận thẳng thừng từ chính những người trong ngành về hiện trạng giới khởi nghiệp tại xứ tỉ dân. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra tại thị trường khởi nghiệp Trung Quốc.

Theo FT, hàng chục doanh nghiệp ở BioBAY đã đóng cửa hoặc buộc phải di dời bởi sự suy thoái diện rộng trên toàn ngành. Vô số văn phòng bị bỏ trống, “đắp chiếu” chờ thanh lí trang thiết bị. Như một bãi phế liệu mới, hằng ngày, những người thu gom thiết bị cũ đến tìm mua nhằm chuyển đến các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, v.v.. Danh thiếp và tờ rơi quảng cáo dịch vụ thanh lí văn phòng được dán khắp các tòa nhà phủ đầy bụi.

Bất chấp việc hàng tỉ đô la Mĩ tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau vẫn đang  đổ vào thị trường này, số lượng các công ti khởi nghiệp được thành lập lại giảm đáng kể. Thẩm Đống (còn được biết tới với tên tiếng Anh Desmond Shum), một doanh nhân Hong Kong nổi tiếng và cũng là tác giả của cuốn hồi kí Red Roulette đình đám, nhận xét rằng chính sự siết chặt giám sát của chính phủ Trung Quốc đã khiến các công ti khởi nghiệp lao đao khi khó hay thậm chí không thể chuyển tiền ra nước ngoài hơn. Các giao dịch tài chính, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến đầu tư và gây quĩ hiện đang được giám sát chặt chẽ trên toàn quốc.

FT đã nói chuyện với 11 giám đốc điều hành các hệ sinh thái khởi nghiệp Trung Quốc — từ các quĩ nhà nước đến các công ti tư nhân — tất cả họ đều chỉ ra một bức tranh ảm đạm về ngành này. “Nếu chỉ năm năm trước đây, những người lạc quan nhất tại Trung Quốc là các nhà đầu tư mạo hiểm và doanh nhân khởi nghiệp, thì bây giờ, chẳng ai còn nhìn thấy họ nữa”, một người trong số họ tiết lộ.

Những nhân vật “biểu tượng” như Mã Vân (tên tiếng Anh: Jack Ma) của Alibaba hay Mã Hoá Đằng (tên tiếng Anh: Pony Ma) của Đằng Tấn (tên tiếng Anh: Tencent) đã từng truyền cảm hứng cho vô số công ti khởi nghiệp tại Trung Quốc và trên cả thế giới nay cũng không còn giữ được ngọn lửa ấy cho toàn ngành. Còn nhớ giá trị của Alibaba và Đằng Tấn từng lên tới 1,5 nghìn tỉ đô la Mĩ (tương đương đồng) vào quí IV năm 2020. Thế nhưng, đà tăng trưởng đó đã bị phá vỡ khi chính phủ Trung Quốc hủy bỏ đợt chào bán công khai lần đầu của Tập đoàn Mã Nghĩ (tên tiếng Anh: Ant Group) — một công ti liên kết của Alibaba — vào tháng 11/2020, ngay trước khi công ti này chuẩn bị ra mắt chỉ vài ngày. “Sự biến mất” của Mã Vân cùng với sự kiểm soát mạnh mẽ dành cho lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã gây chấn động khắp ngành, tạo nên bầu không khí sợ hãi và bất ổn.

Kể từ đó, niềm tin vào bối cảnh khởi nghiệp của nước này đã suy yếu. “Chẳng có lí do gì để khởi nghiệp nữa. Khi không có cơ hội, tại sao chúng ta phải chấp nhận rủi ro?” một doanh nhân có trụ sở tại Thượng Hải chia sẻ với FT.

Làn sóng bán tháo dâng cao

Ngày càng nhiều công ti khởi nghiệp Trung Quốc bán tháo vốn chủ sở hữu, trong khi các quĩ đầu tư mạo hiểm (tiếng Anh: venture capital, VC) tranh giành để thu hồi vốn đầu tư. Cả thị trường đang mang mùi “thất bại” nồng nặc.

Tạp chí Tài Tân (tên tiếng Anh: Caixin) đưa tin vào tháng 8/2024 rằng Shenzhen Capital Group—một quĩ đầu tư mạo hiểm do nhà nước sở hữu—đã đệ đơn kiện 41 lần kể từ năm 2023, trong đó có 35 vụ nhắm vào các công ti khởi nghiệp không đáp ứng được thời hạn niêm yết.

Một nhà đầu tư có trụ sở tại Bắc Kinh chia sẻ với FT rằng ngành khởi nghiệp đã trở thành “mảnh đất săn nợ” vì hiện nay các nhà đầu tư tập trung vào việc thu hồi tài sản. “Chúng tôi biết rằng rất ít công ti khởi nghiệp có thể trả hết nợ, nhưng chúng tôi vẫn cần phải đi săn nợ để cho các đối tác thấy rằng chúng tôi đang cố gắng đòi lại tiền của họ”, một giám đốc điều hành tại một công ti đầu tư mạo hiểm ở Bắc Kinh thừa nhận.

Các công ti khởi nghiệp hiện phải đối mặt với các yêu cầu tài chính chặt chẽ hơn, chẳng hạn như thế chấp tài sản cá nhân khi huy động vốn. Ngay cả các quĩ đầu tư mạo hiểm cũng đang điều tra tài sản cá nhân của những người sáng lập, bao gồm cả bất động sản nắm giữ và tiền gửi ngân hàng, trước khi đồng ý đầu tư.

Dòng vốn đầu tư mạo hiểm từng dồi dào đang giảm dần. “Trước đây, các quĩ quốc tế, đặc biệt là từ Mĩ, đổ xô đến Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội. Bây giờ chúng tôi bị đối xử như những người mắc bệnh phong”, một công ti khởi nghiệp than thở.

Ba giám đốc điều hành giấu tên chia sẻ với FT rằng các quĩ đầu tư nhà nước hiện chiếm khoảng 80% vốn khả dụng trên thị trường khởi nghiệp của Trung Quốc, trong khi vốn tư nhân và nước ngoài đang giảm dần. Các nhà quản lí quĩ đầu tư cũng đang chịu áp lực phải hạn chế mức lương và cắt giảm phí quản lí, càng làm hạn chế lĩnh vực này.

Một số quĩ đang thu hẹp qui mô. Ví dụ, Source Code Capital đã sa thải 50 trong số 150 nhân viên của mình vào năm 2023, trong khi những công ti lớn như Hồng Sam (tên tiếng Anh: HongShan — tiền thân là Sequoia Capital China) và Hillhouse Capital cũng đã thu hẹp qui mô văn phòng tại Trung Quốc.

Các công ti khởi nghiệp cũng đang sa thải nhân viên, cắt giảm lương hoặc áp dụng các điều kiện làm việc khắc nghiệt để tránh phải trả tiền trợ cấp thôi việc. “Ngành này từng giống như một con khỉ đột nặng 5 tấn. Bây giờ chúng tôi chỉ còn như một con tinh tinh”, một chuyên gia kinh tế tại Thượng Hải cho biết.

“Con tàu lớn” bị đắm

Ngay cả các ngành chủ chốt, chẳng hạn như công nghệ sinh học, cũng đang phải vật lộn để đảm bảo được nguồn tài trợ. IT Juzi — một cơ sở dữ liệu đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc — đã báo cáo rằng nguồn tài trợ cho các công ti khởi nghiệp công nghệ sinh học và dược phẩm đã giảm 60%, từ mức đỉnh điểm là 133 tỉ nhân dân tệ vào năm 2021 xuống mức thấp hơn nhiều vào năm 2023.

Các công ti khởi nghiệp Trung Quốc, đang phải đối mặt với những khó khăn về nguồn tài trợ bên ngoài, đang ngày càng vay tiền từ bạn bè và gia đình hoặc tích lũy nợ để duy trì hoạt động kinh doanh của họ.

Một số đang chuyển sang thương mại điện tử xuyên biên giới, hy vọng sẽ noi theo thành công của các công ti như Shein và Temu, những công ti tận dụng năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc. Tuy nhiên, các qui định hải quan chặt chẽ hơn của Mĩ đang khiến các công ti khởi nghiệp này khó mở rộng ra quốc tế hơn.

Người máy, trí tuệ nhân tạo (AI) và xe điện, những ngành công nghiệp được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ mạnh mẽ, cũng đang thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, các công ti khởi nghiệp trong các lĩnh vực này phải đối mặt với những trở ngại đáng kể. Người máy còn lâu mới thay thế được sự khéo léo của con người; AI vẫn không có lãi và phụ thuộc vào chip bán dẫn và thị trường xe điện quá đông đúc, buộc các nhà sản xuất phải tìm kiếm người mua ở nước ngoài để giải quyết tình trạng sản xuất quá mức.

Các quĩ đầu tư mạo hiểm phát triển mạnh ở Trung Quốc trong những năm 2010 hiện đang chuyển hướng sang các thị trường nước ngoài. Hồng Sam, Hillhouse Capital, 5Y Capital, ZhenFund, DCM Ventures và các quĩ khác đang chuyển hướng tập trung sang Mĩ và châu Âu. Đối với những “người bị bỏ lại phía sau” như doanh nhân Trung Quốc, con đường phía trước quá đỗi mịt mờ: “Chúng tôi giống như một con tàu Titanic đang chìm, động lực khởi nghiệp ở đây đã chết”.

Những lời khuyên

Nhìn chung, sự suy thoái của các đơn vị khởi nghiệp tại Trung Quốc là kết quả của nhiều nguyên nhân, như sự siết chặt kiểm soát của chính phủ (giống với chia sẻ của ông Thẩm Đống bên trên), sự sụt giảm nguồn tiền tài trợ từ quốc tế và các thách thức kinh tế khác (như sự suy thoái toàn cầu hậu đại dịch COVID-19, chiến tranh kinh tế Mĩ – Trung). Để giải quyết được tình trạng này, điều cần thiết nhất là sự nới lỏng về qui định pháp luật từ chính phủ. Chính phủ Trung Quốc có thể tìm ra một hướng điều chỉnh ôn hoà và thiện chí hơn để vẫn duy trì được yêu cầu về tính minh bạch mà vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, giảm thiểu sự không chắc chắn và khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nhân. Việc nới lỏng các hạn chế đối với việc chuyển vốn, đặc biệt là đối với các công ti khởi nghiệp huy động vốn quốc tế, cũng sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc thúc đẩy các chính sách thân thiện với đổi mới sáng tạo tương tự như khuôn khổ qui định của Liên minh châu Âu (EU) đối với công nghệ tài chính có thể cho phép các công ti công nghệ có nhiều không gian hơn để thử nghiệm một cách an toàn.

Thêm vào đó, VC có thể được phục hồi thông qua nguồn tài trợ do nhà nước hậu thuẫn và các ưu đãi về thuế dành cho các nhà đầu tư tư nhân. Chính phủ có thể trực tiếp hỗ trợ các công ti khởi nghiệp sáng tạo thông qua quan hệ đối tác công – tư, chia sẻ rủi ro đầu tư với các nhà đầu tư mạo hiểm. Việc cung cấp các khoản giảm thuế cho các khoản đầu tư vào các ngành có tiềm năng cao, như AI, công nghệ sinh học và năng lượng sạch, sẽ giúp chuyển hướng vốn vào các lĩnh vực quan trọng. Việc khuyến khích các quan hệ đối tác vốn mạo hiểm quốc tế cũng sẽ đa dạng hóa các nguồn vốn. Hơn nữa, các quỹ do nhà nước hậu thuẫn có thể cung cấp nguồn tài trợ phù hợp cho các khoản đầu tư tư nhân, đảm bảo rằng các công ti khởi nghiệp triển vọng có thể tiếp cận được vốn.

Ngoài ra, các chương trình giáo dục và cố vấn khởi nghiệp có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các trung tâm đổi mới khu vực trên khắp Trung Quốc, đặc biệt là bên ngoài Bắc Kinh và Thượng Hải. Các chương trình ươm tạo toàn diện hơn có thể kết nối các công ti khởi nghiệp với những nhà cố vấn giàu kinh nghiệm, trong khi hỗ trợ cho các doanh nhân thất bại, chẳng hạn như luật phá sản dễ dàng hoặc mạng lưới an toàn tài chính, sẽ khuyến khích việc chấp nhận rủi ro và nỗ lực thứ hai trong việc xây dựng doanh nghiệp. Sự thay đổi trong thái độ văn hóa đối với thất bại là rất quan trọng để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp kiên cường hơn.

Thu hút nhân tài quốc tế và thúc đẩy chuyển giao kiến ​​thức cũng sẽ tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của Trung Quốc. Cung cấp thị thực nhanh, trợ cấp và quyền thường trú cho các chuyên gia nước ngoài trong các lĩnh vực như AI và công nghệ sinh học có thể giúp thu hẹp khoảng cách kỹ năng. Tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và ngành công nghiệp sẽ đẩy nhanh quá trình thương mại hóa nghiên cứu học thuật. Quan hệ đối tác quốc tế với các trường đại học sẽ mang lại những ý tưởng mới và chuyên môn công nghệ cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Trung Quốc, góp phần vào tăng trưởng dài hạn.

Các trường đại học nổi tiếng đào tạo ra những doanh nhân khởi nghiệp đình đám tại Trung Quốc

  1. Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University) (Bắc Kinh): Nổi tiếng với các ngành kĩ sư, kinh doanh;
  2. Đại học Bắc Kinh (Peking University) (Bắc Kinh): Nổi tiếng với các ngành nghiên cứu sâu và cải tiến môi trường;
  3. Đại học Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University) (Thượng Hải): Nổi tiếng với các ngành công nghệ;
  4. Đại học Phúc Đán (Fudan University) (Thượng Hải): Nổi tiếng với các ngành kinh doanh;
  5. Đại học Chiết Giang (Zhejiang University) (Hàng Châu, Chiết Giang): Nổi tiếng với các ngành kinh doanh;
  6. Đại học Khoa học Kĩ thuật Trung Quốc (University of Science and Technology of China) (Hợp Phì, An Huy): Nổi tiếng với các ngành công nghệ, nghiên cứu khoa học;
  7. Đại học Nam Kinh (Nanjing University) (Nam Kinh, Giang Tô): Nổi tiếng với hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên;
  8. Đại học Tứ Xuyên (Sichuan University) (Thành Đô, Tứ Xuyên): Nổi tiếng với các ngành kinh doanh;
  9. Đại học Khoa Kĩ Hoa Trung (Huazhong University of Science and Technology) (Vũ Hán, Hồ Bắc): Nổi tiếng với các ngành công nghệ;
  10. Đại học Vũ Hán (Wuhan University) (Vũ Hán, Hồ Bắc): Nổi tiếng với hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên.

 

Tải xuống MIỄN PHÍ ngay
Bộ tài liệu học tốt tiếng Anh độc quyền của Language Link Academic (cập nhật 2020)!

Kiểm tra tiếng Anh miễn phí ngay cùng chuyên gia khảo thí đến từ Anh Quốc
& nhận những phần quà hấp dẫn!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vì sao không nên quá tin tưởng các bảng xếp hạng đại học thế giới khi chọn trường để du học?

Tin tổng hợp 23.12.2024

Các bảng xếp hạng đại học, đặc biệt là các bảng xếp hạng QS World Univer ity Ranking , Time Higher Education (THE) và [...]

Những lối tắt trong phát triển: Cẩn thận “lợi bất cập hại”!

Tin tổng hợp 23.12.2024

Sự hấp dẫn của các con đường tắt luôn khó cưỡng lại Dù là trong ự phát triển cá nhân, tiến bộ xã hội hay tăng [...]

Giáo dục trên bàn nghị sự G20: Giải pháp cho những thách thức toàn cầu năm 2024

Tin tổng hợp 19.12.2024

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2024, dưới ự chủ trì của Brazil, giáo dục đã trở thành một trong [...]
Previous Next

Đăng ký tư vấn ngay!