Thử tưởng tượng, vào một buổi sáng thứ Hai nhộn nhịp, cả văn phòng đang tất bật chuẩn bị cho một cuộc họp bất ngờ với khách hàng quan trọng sẽ diễn ra vào sáng hôm sau. Không khí căng thẳng với tiếng điện thoại reo liên hồi, mọi người liên tục trao đổi và tất bật đi lại xung quanh. Một vị quản lý đang cố gắng hết sức để điều phối nhóm của ông ta đi đúng hướng. Đột nhiên, một nhân viên đứng dậy, tuyên bố từ chức và bước thẳng ra ngoài, để lại sự sững sờ của đồng nghiệp và sự hỗn loạn ngay phía sau. Chào mừng bạn đến với thế giới của “nghỉ việc trả thù”!
Đã qua rồi cái thời của những lá đơn, email từ chức rụt rè mở đầu bằng lời cảm ơn và xin lỗi được lặng lẽ đặt trên bàn làm việc của quản lý hay lén gửi sau giờ làm. Ngày nay, những cuộc ra đi hoành tráng đang trở thành một xu hướng mới. Với sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh và mạng xã hội, mọi người đều có thể tạo ra những nội dung “chấn động” như vậy. Nhiều khi “những sự ra đi hoành tráng” này còn được… phát trực tiếp để đạt hiệu quả tuyên truyền tối đa. Không chỉ là nghỉ việc đơn thuần, người trẻ ngày nay coi đó là một hành động thể hiện cái “tôi,” quyền tự kiểm soát, một tuyên bố cá nhân và hơn cả là thực thi công lý cho chính mình trước những bất mãn với công việc, cấp trên và công ty.
Vì sao xảy ra hiện tượng này?
Theo các nhà xã hội học và tâm lý học, nguồn cơn của hiện tượng này là sự thất vọng của các nhân sự trẻ đối với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Sự khác biệt về định nghĩa “chuyên nghiệp” ở các thế hệ không đồng nhất và sự đề cao tính truyền thống của môi trường làm việc đa thế hệ tạo ra sự bất mãn ở người trẻ. Đại diện cho thế hệ công nghệ đầu tiên, thế hệ Z lớn lên với sự sành sỏi trong khai thác thông tin điện tử, tính tiên phong, đề cao bản sắc cá nhân, họ không dễ dàng chấp nhận bị “đồng hóa” để phải bình thường hóa những sự bất công trong môi trường công sở. Hình ảnh làm việc kiệt sức, vật lộn đối mặt với các khó khăn trong công việc của các thế hệ trước thôi thúc họ lên tiếng, phản ứng lại sự độc hại của môi trường làm việc truyền thống. Sự thiếu rõ ràng thường thấy trong lộ trình thăng tiến hay sự không minh bạch phổ biến trong chính sách tiền lương cũng thường là những lí do thúc đẩy các phản ứng mạnh mẽ ở thế hệ Z khi bản chất thế hệ của họ không cho phép sự sẵn lòng chịu đựng những điều họ cho là vô lý.
*Nguồn ảnh: HRIS – EMSC*
Trong một cuộc khảo sát năm 2024 do UKG Group thực hiện, kết quả cho thấy là có đến 83% nhân viên thế hệ Z cho biết họ thường xuyên trải qua tình trạng kiệt sức khi làm việc. Đáng chú ý hơn, hơn một phần ba trong số họ thừa nhận rằng họ đã nghĩ tới và cảm thấy sẵn sàng bỏ việc bất cứ lúc nào để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Những con số này vẽ nên một bức tranh rõ ràng: những thành viên trẻ nhất của lực lượng lao động đang không cảm thấy hạnh phúc, họ kiệt sức, bất mãn và thà rời đi chứ không chịu đựng. Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng, chẳng riêng gì thế hệ Z mới cảm thấy như vậy! Báo cáo Xu hướng cân bằng cuộc sống và công việc năm 2025 của Glassdoor cho thấy có 65% nhân viên thuộc nhiều thế hệ đều cho biết họ cảm thấy bị mắc kẹt trong mô hình làm việc 8 tiếng truyền thống (hay còn gọi là mô hình 9-to-5). Điều khác biệt duy nhất có lẽ là trong khi các thế hệ lớn tuổi hơn chỉ biết càu nhàu bên những ly bia hoặc trút giận lên những người thân thiết, thế hệ Z lựa chọn hành động — công khai và không khoan nhượng.
*Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên*
Không giống như các thế hệ trước, những người thường coi công việc là một bài kiểm tra sức bền, thế hệ Z có một góc nhìn khác. Họ nhắm tới sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và chẳng ngại ngần đòi hỏi điều đó. Chẳng có nghĩa lí gì khi làm một công việc khiến cho ta khổ sở, không được đền đáp xứng đáng hay thậm chí là bị đối xử bất công. Thế hệ Z có nhiều lựa chọn hơn — làm việc tự do, thời vụ hay thậm chí là bắt đầu công việc kinh doanh riêng. Họ chẳng ngần ngại thử.
Mạng xã hội đóng một vai trò lớn trong phong trào này. Các nền tảng nội dung thời thượng như TikTok, YouTube hay Instagram ngày này không chỉ là không gian giải trí mà trở thành các trung tâm tư vấn nghề nghiệp, tọa đàm về nơi làm việc, thậm chí là sân khấu để thông báo từ chức công khai. Lấy ví dụ, Ben Askins, một nhà sáng tạo nội dung với hơn 371 nghìn người theo dõi, đã mô tả “nghỉ việc trả thù” như một hành động gây rối có chủ ý — thể hiện thái độ phản đối sự bất công, ép buộc doanh nghiệp phải chú ý, lo ngại và không thể bỏ qua. Để thể hiện quyền tự chủ, những người lao động trẻ tự quyết định chuyện mình có muốn tiếp tục làm công việc nào đó, ra đi lúc nào. Nếu không được lắng nghe, không được trân trọng, thậm chí nếu bị bóc lột, công ty sẽ bị trả thù. Đây là một cách đảo ngược tình thế, giúp đảm bảo rằng các nhà tuyển dụng phải ngẫm nghĩ về sự ra đi của họ và thức tỉnh những nhân viên khác chung công ty.
Những tác động từ “nghỉ việc trả thù”
Tất nhiên, không phải ai, ngay cả những người thuộc thế hệ Z, cũng cho rằng “nghỉ việc trả thù” là một động thái khôn ngoan. Tuy nhiên, những cá nhân có cá tính mạnh đang thúc đẩy xu hướng này lan tỏa khắp nơi. Các chuyên gia nghề nghiệp cảnh báo rằng dù cho xu hướng này có thể mang lại cảm giác thỏa mãn trong khoảnh khắc, nhưng nó có thể gây ra những hậu quả lâu dài. Điều này cần được thế hệ trẻ suy nghĩ thấu đáo.
Với mạng lưới tuyển dụng có sự kết nối cao như hiện nay, một ấn tượng xấu sẽ có thể bám theo hồ sơ việc làm của một người và phần nào ngăn cản các cơ hội tuyển dụng sau đó. Một hành động bị đánh giá tiêu cực trong mắt các nhà tuyển dụng như “nghỉ việc trả thù” sẽ gây ra khó khăn cho chính người lao động khi được yêu cầu giải thích trong các cuộc phỏng vấn xin việc. Ngoài ra, sự nghỉ việc đột ngột có thể khiến người lao động bị áp các hình thức kỉ luật do làm ảnh hưởng tới công việc chung và lợi ích của công ty, điều đó cũng sẽ khiến cho người lao động bị rơi vào thế khó trước tình huống bất ổn tài chính nếu không có kế hoạch dự phòng. Trong một số trường hợp, các rắc rối pháp lý cũng có thể đi kèm khiến cho người lao động phải chịu các chi phí hầu tòa cũng như khó có thể giành được lợi thế khi vi phạm hợp đồng lao động.
*Nguồn ảnh: Cafe F*
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự ra đi của các nhân sự trẻ cũng tác động mạnh tới các công ty, họ thực sự làm nổi bật những vấn đề thực sự tại nơi làm việc, buộc các công ty phải xem xét kỹ hơn cách họ đối xử với nhân viên. Đối với các doanh nghiệp, trả thù bằng cách nghỉ việc nên được xem là một lời cảnh tỉnh. Khi nhân viên cảm thấy buộc phải rời đi một cách gây rối, đó thường là dấu hiệu cho thấy có những vấn đề sâu xa hơn đang diễn ra. Các công ty muốn giữ chân nhân tài của họ cần lắng nghe — thực sự lắng nghe — lực lượng lao động của họ.
Điều này có nghĩa là thúc đẩy một văn hóa ưu tiên phúc lợi của nhân viên, cung cấp các lộ trình thăng tiến nghề nghiệp rõ ràng và biến sức khỏe tinh thần thành một phần trung tâm của các chính sách tại nơi làm việc. Điều đó có nghĩa là hiểu rằng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống không chỉ là một từ thông dụng mà là một yếu tố quan trọng trong sự hài lòng trong công việc. Quan trọng nhất, điều đó có nghĩa là nhận ra rằng nhân viên trẻ tuổi hơn sẽ không chấp nhận được những điều kiện mà những người đi trước của họ đã phải chịu đựng.
Giáo dục cần phải làm gì?
Trong khi “trả thù” bằng cách nghỉ việc xuất hiện trên các tiêu đề, nó cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về cách chúng ta chuẩn bị cho những người trẻ tuổi cho lực lượng lao động. Giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc trang bị cho nhân viên tương lai những kỹ năng họ cần để giải quyết những thách thức nơi làm việc một cách mang tính xây dựng.
Các trường học và trường đại học phải vượt ra khỏi đào tạo kỹ thuật và kết hợp các bài học về khả năng phục hồi, giải quyết xung đột và giao tiếp chuyên nghiệp. Nếu những người lao động trẻ tuổi cảm thấy được trao quyền để giải quyết các vấn đề nơi làm việc thông qua đàm phán thay vì những cuộc ra đi quyết liệt, các doanh nghiệp có thể thấy sự luân chuyển nhân sự ít gây rối hơn. Ngoài ra, giáo dục về kiến thức tài chính có thể giúp nhân viên đưa ra các quyết định nghề nghiệp sáng suốt thay vì cảm thấy bị dồn vào đường cùng để nghỉ việc một cách bốc đồng.
Các nhà tuyển dụng cũng có thể đầu tư vào giáo dục tại nơi làm việc. Các chương trình cố vấn, đào tạo lãnh đạo và hỗ trợ sức khỏe tinh thần đều có thể giúp nhân viên cảm thấy được trân trọng và lắng nghe hơn, giảm mong muốn sử dụng đến trả thù bằng cách nghỉ việc. Trong một kỷ nguyên mà con đường sự nghiệp linh hoạt hơn bao giờ hết, các cơ hội học tập liên tục có thể giúp người lao động cảm thấy gắn bó thay vì bị mắc kẹt.
Sự phổ biến của trả thù bằng cách nghỉ việc không chỉ là những khoảnh khắc lan truyền và kịch tính tại nơi làm việc mà đó là dấu hiệu của một sự thay đổi rộng lớn hơn trong cách chúng ta nhìn nhận công việc. Các thế hệ trẻ đang định nghĩa lại ý nghĩa của việc có một sự nghiệp, ưu tiên phúc lợi cá nhân hơn lòng trung thành với công ty.
Đối với những người lao động thuộc thế hệ Thiên niên kỉ và thế hệ X đang quan sát từ bên ngoài, có điều gì đó để rút ra từ phong trào này. Mặc dù những cuộc ra đi đầy kịch tính có thể không phải là phong cách của mọi người nhưng nguyên tắc đằng sau chúng rất đáng xem xét: công việc không nên là thứ hút cạn niềm vui trong cuộc sống.
Vì vậy, dù bạn là một người quản lý đang cố gắng giữ chân nhân viên hay một nhân viên đang đặt câu hỏi về bước đi tiếp theo của mình, “trả thù” hay “trả đũa” bằng cách nghỉ việc đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng nơi làm việc đang phát triển. Liệu các công ty sẽ phát triển cùng với nó hay họ sẽ bị bỏ lại trong bụi mù của một thế hệ không ngại rời đi?