Các nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng việc giới thiệu đa ngôn ngữ cho trẻ nhỏ từ sớm sẽ giúp trẻ thông minh, linh hoạt trong xử lý vấn đề, tăng khả năng tập trung, làm giàu vốn kiến thức cũng như kỹ năng cảm xúc. Có thể nói việc giới thiệu ngoại ngữ sớm là nền tảng cho sự thành công trong tương lai, cả trong môi trường học đường lẫn ngoài công việc xã hội của trẻ.
Không thể bỏ lỡ “thời kì nhạy cảm”
Theo nhà giáo dục, tiến sỹ Maria Montessori, người sáng lập phương pháp Montessori được áp dụng rộng rãi và thành công tại các trường học trên toàn cầu, trẻ nhỏ có những giai đoạn nhạy cảm đặc biệt trước những kích thích từ môi trường xung quanh: đó là khi trẻ mới bắt đầu học nói, trẻ thực sự có nhu cầu giao tiếp và tìm hiểu về những điều quanh bé, tìm cách diễn đạt và làm giàu vốn từ, đó cũng là giai đoạn trẻ tò mò, hiếu kỳ, thích quan sát và bắt chước những gì bé va chạm từ môi trường xung quanh.
Do đó việc học tập, thu nạp các kiến thức về ngôn ngữ, khái niệm, hình ảnh, quan niệm, lối sống và tác phong được thực hiện tự nhiên, nhanh chóng, dễ dàng nhưng vững chắc, lâu bền, hiệu quả nhất.
Ở thời kỳ này, trẻ học ngoại ngữ hay học tiếng mẹ đẻ đều dễ và nhanh chóng như nhau, và hoàn toàn không bị nhầm lẫn giữa các ngôn ngữ như mọi người vẫn lầm tưởng.
Chẳng hạn, trẻ 3 tuổi có thể tạo được vốn 2000 từ ngoại ngữ cơ bản khi được tiếp cận thường xuyên. Sau thời kỳ nhạy cảm này, khả năng lĩnh hội ngoại ngữ của trẻ giảm dần, bởi khi đó tính cách của trẻ đã được định hình, những trở ngại về tâm lý, các khái niệm và lối tư duy đã ăn sâu trên một nền tảng ngôn ngữ chính sẽ khiến khả năng tiếp thu ngoại ngữ của trẻ giảm sút rất nhiều.
Do đó, cha mẹ không nên bỏ qua thời kỳ nhạy cảm – thời điểm vàng để giúp con tiếp xúc sớm và lĩnh hội ngoại ngữ. Đặc biệt, việc giới thiệu ngoại ngữ này càng thực hiện sớm thì càng ít khó khăn và mất ít công sức.
Trẻ tiếp xúc ngoại ngữ: cần sớm và cần đúng
Ở thời kỳ nhạy cảm của trẻ, việc cho trẻ bắt đầu tiếp xúc với ngoại ngữ từ sớm là rất cần thiết, tuy nhiên, cha mẹ và giáo viên phải tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ.
Theo Montessori, cách tiếp cận và kích hoạt não bộ “học” ngoại ngữ với trẻ tiền học đường một cách tích cực và hiệu quả nhất là thông qua trò chơi vận động, kể chuyện, bài hát, đóng kịch thủ vai hay nghệ thuật thủ công.
Những hoạt động này kích thích sự hiếu kì, mong muốn tham gia, khơi gợi sự phấn khích tinh thần qua các trò chơi, do đó, trẻ nỗ lực tìm cách giao tiếp trong ngoại ngữ mới để có thể gia nhập và chung vui cùng nhóm bạn.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia giáo dục Gavan Iacono – Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục Language Link Việt Nam – cho rằng việc dạy tiếng Anh cho trẻ qua các hoạt động giải trí như âm nhạc, vận động, nghệ thuật, thủ công…không chỉ giúp trẻ giải tỏa căng thẳng mà còn giúp trẻ tiếp thu được những kiến thức ngôn ngữ bổ ích.
Một số nghiên cứu đã chứng minh việc học bằng hình thức này giúp trẻ nhớ hơn 80% những gì đã học trong một năm sau đó!