Với học sinh tiểu học, việc áp dụng các phương pháp giảng dạy nói chung và giảng dạy tiếng Anh nói riêng có sự khác biệt so với trẻ ở lứa tuổi mầm non hay mẫu giáo. Hệ thống ngôn ngữ của trẻ tiểu học đã tương đối hoàn thiện. Ngoài ra, khả năng tự học, tự nhận thức và trí tưởng tượng của trẻ cũng đã phát triển phong phú hơn. Tuy nhiên, học sinh tiểu học chưa có năng lực tập trung cao, dễ bị xao lãng và cảm thấy nhàm chán. Do vậy, phụ huynh nên áp dụng các phương pháp dạy chương trình tiếng Anh tiểu học phù hợp cho con trẻ.
I. Học sinh tại Việt Nam – Vấn đề khi học chương trình tiếng Anh tiểu học
Hiện tại, tiếng Anh là một trong các môn học chính trong chương trình phổ thông tiểu học được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Tuy nhiên, trẻ em tại giai đoạn này thường gặp nhiều vấn đề trong quá trình học tiếng Anh.
Đầu tiên, không dễ dàng để kiểm soát khả năng tập trung của trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ thường “cả thèm chóng chán”, khó tập trung và chỉ thực sự hào hứng với những điều trẻ cảm thấy thú vị, vui nhộn. Các cuốn sách ngữ pháp đặc kín chữ hay lượng bài tập về nhà chất đống không phải là điều có thể thu hút sự chú ý của trẻ trong một thời gian dài.
Bên cạnh đó, trẻ chưa thực sự có nhiều cơ hội để thực hành tiếng Anh, đặc biệt với người bản ngữ. Ngoại trừ học sinh tại các trường quốc tế – có cơ hội được tiếp xúc và giao tiếp với giáo viên bản địa, đa số học sinh tại Việt Nam chưa có môi trường luyện tập và giao tiếp tiếng Anh thực sự.
Ngoài ra, nhiều trẻ em vẫn còn tâm lý e sợ, ngại ngùng khi sử dụng tiếng Anh. Tiếp xúc với một ngôn ngữ mới, có hệ thống âm tương đối khác biệt so với tiếng mẹ đẻ, không tránh khỏi việc trẻ cảm thấy rụt rè trong giao tiếp thường ngày. Trẻ cũng dễ dàng có tâm lý so sánh khi bạn bè trong lớp phản xạ tiếng Anh nhanh chóng và thông thạo hơn mình. Chính những điều này khiến trẻ ngại ngần, không chủ động vận dụng ngoại ngữ, dần dần sẽ khiến tâm lý của trẻ trơ lỳ mỗi khi nhắc đến tiếng Anh.
II. Phương pháp hỗ trợ học sinh tiểu học tự học tiếng Anh tại nhà hiệu quả
1. Xây dựng các hoạt động học tiếng Anh giúp kích thích sự tò mò và thích thú của trẻ
Giáo trình là công cụ học tập, không phải toàn bộ bài giảng. Một buổi học vui nhộn và sôi động sẽ giúp trẻ hào hứng học tập và ghi nhớ kiến thức lâu hơn là những giây phút chỉ ngồi nghe – chép – nhắc lại lời giáo viên một cách đầy thụ động.
Các hoạt động học tập tiếng Anh vô cùng đa dạng và dễ dàng ứng dụng, cụ thể:
- Các trò chơi vui học tiếng Anh: Bingo, Crossword (Giải ô chữ), Hangman (Trò chơi treo cổ), Food Game (Trò chơi đồ ăn), Hot Seat (Chiếc ghế nóng),…
Đọc thêm: Học từ vựng tiếng anh cấp 1 hiệu quả qua các trò chơi vui nhộn
- Các bài hát học tiếng Anh: Học tiếng Anh qua các bài hát không còn là hoạt động lạ lẫm. Khi áp dụng phương pháp này, phụ huynh nên chọn lọc và phân chia bài hát theo từng chủ đề cụ thể, bám sát theo chương trình học trên trường phổ thông. Cha mẹ có thể tham khảo thêm bài viết “Học tiếng anh qua bài hát – Lợi ích và những lời khuyên hữu ích” để nắm rõ hơn cách thức giúp trẻ học tiếng Anh qua các bài hát vui nhộn.
- Học tiếng Anh qua vẽ tranh hoặc lắp ghép hình ảnh: Một số trẻ em ưa thích các hoạt động nhẹ nhàng, yên tĩnh hơn. Do đó, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ học tiếng Anh thông qua hoạt động vẽ tranh hoặc ghép hình. Từ vựng tiếng Anh thuộc nhóm chủ đề động vật, rau củ quả, màu sắc,… sẽ phù hợp để áp dụng các phương pháp này.
2. Tận dụng mọi cơ hội để khuyến khích trẻ sử dụng tiếng Anh
Như đã đề cập trong phần I, vấn đề các học sinh tiểu học thường gặp phải là cảm giác tự ti, ngại ngần khi nói và giao tiếp bằng tiếng Anh. Sĩ số học sinh đông đúc trên trường lớp khiến trẻ không có nhiều cơ hội để giao tiếp, đặc biệt khi thời gian học tiếng Anh tại các trường tiểu học chỉ có hạn. Ngoài ra, việc giao tiếp 1 – 1 giữa phụ huynh và con trẻ sẽ giúp trẻ thoải mái và bớt lo sợ hơn khi phải sử dụng tiếng Anh trước nhiều người.
Cha mẹ nên xây dựng thói quen nói tiếng Anh cho trẻ hàng ngày, ngay từ những hoạt động sinh hoạt đơn giản nhất. Khi trẻ vừa thức dậy, chào buổi sáng, ăn sáng, khi trẻ từ lớp học trở về nhà, đi chơi cùng gia đình,… mọi hoạt động đều là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ kích thích khả năng ngôn ngữ cho trẻ.
3. Học cách nói tiếng Anh trước gương
Đây là phương pháp rèn luyện khả năng nói vô cùng hiệu quả, không chỉ các học sinh tiểu học mà với bất kỳ đối tượng ở mọi lứa tuổi.
Cha mẹ gợi ý cho trẻ đứng trước gương, lựa chọn từng chủ đề tiếng Anh thích hợp và khuyến khích trẻ quan sát bản thân trong khi nói. Lưu ý rằng, với con trẻ ở độ tuổi tiểu học, cha mẹ nên lựa chọn những chủ đề gần gũi hoặc các câu hỏi đơn giản như Giới thiệu sở thích của bản thân, Miêu tả một con vật yêu thích, Miêu tả trang phục đang mặc,…
Trong quá trình trẻ thực hành nói, phụ huynh có thể trực tiếp sửa các lỗi phát âm trẻ mắc phải. Ngoài ra, cha mẹ có thể quay video hoặc ghi âm lại đoạn nói của trẻ để theo dõi quá trình học tập và cải thiện.
Có thể thấy, con trẻ ở lứa tuổi tiểu học còn gặp nhiều vấn đề khi làm quen và tiếp xúc với một ngôn ngữ mới. Hy vọng với các phương pháp được gợi ý trên đây, các nội dung chương trình tiếng Anh tiểu học sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng với con trẻ.