Sự hấp dẫn của các con đường tắt luôn khó cưỡng lại. Dù là trong sự phát triển cá nhân, tiến bộ xã hội hay tăng trưởng kinh tế, việc bỏ qua nỗ lực để đạt được kết quả nhanh hơn dường như luôn rất lôi cuốn. Tuy nhiên, lịch sử và dữ liệu đã chỉ ra rằng phát triển bền vững đòi hỏi sự kiên nhẫn, hành động có chủ đích và cam kết với các chiến lược dài hạn. Những con đường tắt thường dẫn đến việc chất lượng bị giảm sút, chi phí xã hội và môi trường tăng cao, cũng như tạo ra các hệ thống yếu kém, không thể chịu đựng lâu dài.
Nền tảng của phát triển bền vững
Cốt lõi của phát triển là xây dựng các hệ thống vững chắc, dù đó là giáo dục, cơ sở hạ tầng hay quản trị. Các chuyên gia phát triển đều cho rằng tiến bộ đòi hỏi sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bền vững môi trường. Jeffrey Sachs, nhà kinh tế học nổi tiếng và tác giả của “The End of Poverty”, nhấn mạnh: sự kết hợp giữa các yếu tố này cần có thời gian để thấm nhuần. Theo ông, “mỗi yếu tố cần có thời gian để bén rễ”.
Những nỗ lực vội vàng thường làm suy yếu các nền tảng này. Theo Viện McKinsey Global, các dự án cơ sở hạ tầng thiếu kế hoạch cụ thể lãng phí khoảng 1,2 nghìn tỉ đô la Mỹ mỗi năm trên toàn cầu. Nhiều thất bại như vậy bắt nguồn từ sự thiếu tầm nhìn trong thiết kế, quản trị và tích hợp cộng đồng. Chẳng hạn, các dự án đô thị hóa gấp gáp ở một số quốc gia châu Phi đã dẫn đến các “thành phố ma” – những khu đô thị rộng lớn bị bỏ hoang do quy hoạch kém và nhu cầu không đủ.
Một ví dụ từ Việt Nam là sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Những năm gần đây, chính phủ đã đầu tư mạnh mẽ vào mạng lưới đường cao tốc nhằm kết nối các vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, các dự án cần phải đối mặt với những thách thức lớn về chất lượng và thời gian thực hiện. Một số tuyến cao tốc, như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đã bị chậm trễ gần một thập kỷ do thiếu vốn, thay đổi nhà thầu, và quy hoạch kém. Điều này minh họa tầm quan trọng của việc chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư lâu dài để đảm bảo hiệu quả bền vững.
Ngược lại, các dự án dài hạn thành công luôn nhấn mạnh vào giai đoạn chuẩn bị kỹ lưỡng. Sự chuyển mình của Singapore thành trung tâm tài chính toàn cầu là một ví dụ điển hình. Vào những năm 1960, quốc gia này đã ưu tiên đầu tư vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và quản trị. Ngày nay, Singapore nằm trong số những nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, nhờ vào sự kiên nhẫn và việc lập kế hoạch rõ ràng, chi tiết.
Chi phí của những con đường tắt trong phát triển
Chất lượng bị giảm sút
Một trong những ảnh hưởng rõ ràng nhất của việc đi tắt là chất lượng bị giảm sút. Có thể dễ dàng nhìn thấy điều này khi chúng ta xem xét các dự án xây dựng. Dù ở bất cứ trường hợp nào, sự phát triển cần phải có nền tảng vững chắc và thời gian để mọi thứ “chín muồi”. Như việc xây dựng một công trình, việc “đi tắt” dù giúp đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhưng cái giá là sự sụt giảm khó kiểm soát chính xác của chất lượng, dẫn tới các thảm hoạ thương tâm.
Đơn cử như sự cố sập tòa nhà Rana Plaza tại Bangladesh vào năm 2013. Được xây dựng mà không tuân thủ các quy định an toàn, tòa nhà này đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.100 người và làm hàng ngàn người khác bị thương. Thảm kịch này phơi bày một xu hướng đáng lo ngại trong ngành may mặc toàn cầu: ưu tiên tốc độ và hiệu quả chi phí hơn sự an toàn và chất lượng. Hay ở Ý, sự sụp đổ của cầu Morandi tại Genoa năm 2018 khiến 43 người thiệt mạng và gây phẫn nộ trên diện rộng. Các cuộc điều tra cho thấy sự thiếu bảo trì và kiểm tra lâu dài, kết quả của các biện pháp cắt giảm chi phí nhằm tiết kiệm ngắn hạn. Những thảm kịch này nhấn mạnh cái giá con người phải trả khi theo đuổi phát triển nhanh mà không có các biện pháp bảo đảm phù hợp.
Tại Việt Nam, một trong những sự cố kinh hoàng nhất trong xây dựng có thể kể đến vụ sập cầu Cần Thơ vào năm 2007, khiến 55 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Nguyên nhân chính được xác định là do vi phạm quy trình kỹ thuật và giám sát thi công yếu kém. Sự cố này không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người và của mà còn làm chậm tiến độ phát triển hạ tầng giao thông miền Tây Nam Bộ.
Hậu quả môi trường và xã hội
Bên cạnh chính chất lượng cốt lõi, tác động dài hạn đến môi trường và xã hội trong việc chạy theo những lối tắt phát triển cũng thường bị phớt lờ. Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc trong những năm 2000 là một ví dụ điển hình. Mặc dù nước này đạt được tăng trưởng GDP đáng kể, cái giá phải trả là sự ô nhiễm môi trường trầm trọng. Một báo cáo năm 2018 được công bố trên The Lancet cho thấy ô nhiễm kéo dài và mất kiểm soát đã gây ra 1,24 triệu ca tử vong sớm tại Trung Quốc trong năm đó. Hơn nữa, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng thiệt hại môi trường (do ô nhiễm không khí, nguồn nước và xói mòn đất) đã tiêu tốn của Trung Quốc gần 10% GDP mỗi năm trong giai đoạn này.
Các quốc gia khác cũng gặp phải hậu quả tương tự. Quá trình phá rừng nhanh chóng tại rừng Amazon của Brazil (chủ yếu phục vụ nông nghiệp và chăn nuôi gia súc) đã gây ra hàng loạt vấn đề môi trường. Theo NASA, việc Amazon đã mất khoảng 17% diện tích rừng chỉ trong 50 năm đã làm suy giảm nặng nề “lá phổi xanh” của hành tinh. Hậu quả không chỉ là thiệt hại môi trường mà còn khiến cộng đồng người bản địa bị di dời và làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ở Việt Nam, phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhanh chóng cũng dẫn đến nhiều thách thức về môi trường. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 10.000 – 15.000 héc-ta rừng do khai thác gỗ bất hợp pháp và chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác. Sự suy giảm diện tích rừng không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà còn làm tăng nguy cơ lũ lụt và xói mòn đất tại nhiều khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, việc tăng trưởng công nghiệp quá nhanh mà không chú trọng bảo vệ môi trường đã dẫn đến ô nhiễm nặng tại các khu công nghiệp lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Báo cáo từ Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, với nguy cơ mất mát hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm nếu không có các giải pháp phát triển bền vững.
Vai trò của việc thử nghiệm trong phát triển
Phát triển bền vững hiếm khi là một con đường tuyến tính. Thay vào đó, đó là một quá trình lặp đi lặp lại, được định hình bởi những bài học từ thất bại và sự tinh chỉnh chiến lược. Các nhà kinh tế học Daron Acemoglu và James Robinson, trong cuốn sách “Why Nations Fail”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thể chế toàn diện trong việc thúc đẩy sự tiến bộ lâu dài. Họ cho rằng, mặc dù các chế độ độc tài có thể mang lại lợi ích kinh tế ngắn hạn, nhưng những hệ thống này thường thiếu tính thích nghi và tính toàn diện cần thiết cho sự phát triển bền vững.
Nguyên tắc này thể hiện rõ trong các ví dụ đối lập. Các quốc gia như Hàn Quốc và Đài Loan đã chuyển từ chế độ độc tài sang dân chủ được gần 40 năm và xây dựng các thể chế hỗ trợ đổi mới, trách nhiệm giải trình và tăng trưởng công bằng. Ngược lại, sự phụ thuộc của Venezuela vào các chính sách độc tài và nguồn thu từ dầu mỏ đã dẫn đến sự sụp đổ kinh tế, tình trạng nghèo đói lan rộng và sự suy yếu của thể chế.
Một minh chứng tích cực tại Việt Nam là chính sách đổi mới giáo dục. Trong những năm gần đây, chính phủ đã thử nghiệm các chương trình học tập sáng tạo như triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình này hướng tới việc giảm tải lý thuyết, tập trung vào phát triển kỹ năng thực hành và tư duy phản biện. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, từ việc đào tạo giáo viên đến cải thiện cơ sở vật chất. Ngoài ra, Việt Nam đã áp dụng thử nghiệm các chính sách năng lượng sạch như phát triển năng lượng mặt trời và điện gió. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng công suất điện mặt trời và điện gió năm 2022 đã vượt mốc 21.000 MW, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về năng lượng tái tạo.
Làm thế nào để tăng tốc mà không phải đi đường tắt?
Mặc dù các con đường tắt tiềm ẩn nhiều rủi ro, tăng tốc chiến lược (sử dụng các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ mà không làm giảm chất lượng) có thể là một giải pháp khả thi. Chìa khóa nằm ở đổi mới, hợp tác và đầu tư có mục tiêu.
Đầu tiên, hãy coi công nghệ là chất xúc tác cho phát triển.
Cuộc cách mạng số đã mở ra cơ hội cho các quốc gia vượt qua các giai đoạn phát triển truyền thống. Rwanda là một ví dụ đầy cảm hứng. Bằng cách tận dụng công nghệ máy bay không người lái, quốc gia này đã cách mạng hóa hậu cần y tế bằng cách vận chuyển vật tư y tế đến các vùng sâu vùng xa. Theo Zipline, công ty quản lý dịch vụ này, máy bay không người lái đã rút ngắn thời gian giao hàng từ hàng giờ xuống còn vài phút. Sáng kiến này đã cải thiện đáng kể kết quả y tế mà vẫn đảm bảo độ tin cậy.
Một ví dụ khác là sự chuyển đổi số của Ấn Độ thông qua hệ thống định danh sinh trắc học Aadhaar lớn nhất thế giới. Hệ thống này đã tăng cường tính minh bạch trong quản trị, giảm tham nhũng và cải thiện khả năng tiếp cận tài nguyên. Tuy nhiên, chương trình này cũng làm nổi bật tầm quan trọng của việc cân bằng đổi mới với các biện pháp bảo vệ, khi các nhà phê bình bày tỏ lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu.
Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính. Hệ thống Cổng Dịch vụ công Quốc gia ra mắt năm 2019 đã giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí xử lý thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, dành nhiều nỗ lực hơn cho hợp tác quốc tế.
Hợp tác với các tổ chức quốc tế có thể cung cấp các nguồn lực và chuyên môn cần thiết cho sự phát triển bền vững.
Chẳng hạn như Kế hoạch Marshall được thực hiện sau Thế chiến thứ hai là một ví dụ tiêu biểu về sức mạnh của hợp tác chiến lược. Kế hoạch này đã cung cấp hơn 13 tỉ đô la Mỹ viện trợ để tái thiết nền kinh tế Tây Âu, tập trung vào cơ sở hạ tầng, công nghiệp và thương mại.
Hay như Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông (GPE-VNEN) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam là một minh chứng rõ ràng. Thay vì áp dụng mô hình chung chung, các cải cách này tập trung vào xây dựng năng lực và kế hoạch dài hạn. dự án đã giúp cải thiện phương pháp giảng dạy tại hơn 2.300 trường tiểu học trên toàn quốc, đem lại hiệu quả khuyến khích học sinh học tập theo nhóm, phát triển kỹ năng tự học và tăng cường tương tác giữa giáo viên và học sinh. Bằng cách gắn giáo dục với nhu cầu của thị trường lao động, Việt Nam đã nâng cao tỉ lệ phổ cập giáo dục và xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng, góp phần hỗ trợ tham vọng kinh tế của đất nước.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA và CPTPP cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, các FTA đã giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 20% mỗi năm kể từ khi các hiệp định có hiệu lực.
Việc tìm kiếm con đường tắt trong phát triển là một lựa chọn đầy rủi ro, thường dẫn đến thất bại. Dù là trong hạ tầng, quản trị hay tiến bộ xã hội, cái giá phải trả của việc cắt giảm là chất lượng giảm sút, thiệt hại môi trường và xã hội. Do vậy phải hết sức thận trọng!
Tuy nhiên, thông qua tăng tốc chiến lược nhờ đổi mới, lập kế hoạch bài bản và hợp tác quốc tế, Việt Nam có thể đạt được tiến bộ mà không hy sinh tính bền vững. Những bài học từ giáo dục, năng lượng tái tạo và cải cách hành chính cho thấy con đường phát triển không nằm ở tốc độ mà ở sự bền bỉ, bao quát và tầm nhìn dài hạn.