Trong một thế giới mà các xu hướng thay đổi nhanh như gió như hiện nay, có một điều vẫn không đổi: Vai trò của giáo dục!
Trước hết, một trong các nghĩa của “giáo dục” chính là “hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra” (Theo Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Nxb. Khoa học Xã hội).
Giáo dục tạo nên mọi cuộc cách mạng; là công cụ tác động, biến đổi xã hội; là ngọn hải đăng soi đường; v.v.. Các chiến lược giáo dục thông minh đã chứng minh khả năng tuyệt vời của nó trong việc tái định hình tư duy của cả xã hội và đem lại hiệu quả trong nhiều thế hệ. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng thảo luận về vai trò, sức mạnh của giáo dục.
Giáo dục là “chìa khóa vạn năng” để thay đổi tư duy
Có thể nói giáo dục vượt xa việc chỉ cung cấp sự hiểu biết cho người học theo dạng truyền thụ thông tin hay hướng dẫn phương pháp xử lí các vấn đề qua luyện tập. Mục tiêu cuối cùng của giáo dục chính là định hình cách con người suy nghĩ, xử lý thông tin và đưa ra quyết định. Khả năng thay đổi tư duy — dù ở cấp độ cá nhân, xã hội hay toàn cầu — đều bắt nguồn từ giáo dục. Lịch sử đã nhiều lần chỉ ra rằng giáo dục là chất xúc tác cho một số thay đổi mang tính chuyển đổi nhất trong hành vi của con người. Đó là lí do không một chính phủ nào không muốn kiểm soát giáo dục. Nelson Mandela, biểu tượng vĩ đại của Nam Phi, đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới!”.
Một trong những câu chuyện nổi tiếng trong kinh doanh phải kể đến là Nestlé tại Nhật Bản. Nestlé tới Nhật từ những năm 1910, nhưng phải tới 50 năm sau, họ mới thực sự tạo ra sự khác biệt tại thị trường này khi bắt đầu kinh doanh cà phê. Cần phải biết rằng vào thập niên 60 của thế kỷ trước, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc công nghiệp và công nghệ. Sự phục hồi sau chiến tranh cùng với những tiến bộ như vượt trội như xe điện cao tốc shinkansen đã đem lại danh tiếng tuyệt vời cho đất nước Phù Tang. Bất chấp chính trị thiếu ổn định bởi các cuộc biểu tình mạnh mẽ khắp đất nước phản đối gia hạn Hiệp ước an ninh Nhật Bản – Hoa Kỳ và sự hỗ trợ đắc lực của nước này cho phe Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, thập kỷ này vẫn đánh dấu cho sự trỗi dậy của Nhật Bản như một cường quốc toàn cầu trong khi mở ra những chuyển đổi xã hội và văn hóa, trong đó có văn hoá tiêu dùng. Là biểu tượng của văn hoá trà châu Á, trong hàng nghìn năm, các sản phẩm trà đã ăn sâu vào đời sống và trở thành một phần của linh hồn Nhật. Lượng tiêu thụ trà xanh khổng lồ của nước này trở thành một thách thức đối với một gã khổng lồ muốn bán cà phê như Nestlé. Trong bối cảnh cà phê với phần đông người Nhật khi đó là thức uống ngoại lai, gắn liền với văn hoá phương Tây, Nestlé đã thực hiện kế hoạch táo bạo của mình. Thay vì chỉ cố gắng bán cà phê cho thế hệ người Nhật vốn đã nghiện trà khi đó, họ có một mục tiêu tầm cỡ hơn. Nestlé muốn làm cho cả nước Nhật yêu thích cà phê. Và hiển nhiên đối tượng mà họ nhắm đến chính là thế hệ trẻ.
Để phổ biến cà phê, hãng đã giới thiệu hệ thống máy bán hàng tự động trải dài khắp đất nước, bất cứ một địa điểm đông người nào cũng sẽ xuất hiện máy bán cà phê uống liền của Nestlé. Để giúp sản phẩm dễ dàng được chấp nhận và tiêu thụ hơn, hãng đã thực hiện nhiều nghiên cứu, khảo sát khẩu vị địa phương của các vùng miền tại Nhật để từ đó điều chỉnh hương vị của cà phê đóng lon và liên tục triển khai các chiến dịch quảng cáo gắn những lon cà phê với các tính từ có sức ảnh hưởng lớn như “trẻ trung”, “hiện đại”, “tinh tế”. Bên cạnh đó, để trẻ em Nhật làm quen với vị của cà phê ngay từ bé, hãng này đã phổ biến các sản phẩm bánh, kẹo, thạch, mứt có vị cà phê cho các cửa hàng địa phương, tạo ra những chiến dịch quảng bá nhằm tăng lượng tiêu thụ ở đối tượng trẻ em.
Và tất cả điều đó đã hiệu quả. Lượng tiêu thụ cà phê uống liền tại Nhật trong thập niên 80 đã tăng chóng mặt so với thời điểm bắt đầu. Thế hệ trẻ em của những năm 60 đã trở thành người lớn và cà phê đã trở thành một phần của họ. Những lon cà phê thậm chí còn trở thành biểu tượng văn hóa khi xuất hiện khắp nơi. “Nỗi ám ảnh hiện đại” của Nhật Bản với cà phê cứ thế còn tăng cao hơn nữa trong các thập niên sau đó. Hiển nhiên, không phải một mình Nestlé có thể làm được điều này, những đối thủ của hãng cũng đã góp phần vào việc “thay đổi suy nghĩ” của cả nước Nhật. Tuy nhiên, hãng này thật sự đã đóng một vai trò lớn trong việc biến cà phê uống liền trở thành đồ uống hằng ngày của cả Nhật Bản. Để rồi ngày nay, Nhật Bản là một trong những quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới với mức trung bình 500 nghìn tấn/năm.
Trong kinh doanh, tiếp thị là mảng tỏ ra tập trung vào công tác giáo dục nhiều nhất, chứ không phải nhân sự. Tiếp thị giúp các thương hiệu truyền đạt thông tin tới thị trường, giảng dạy về những thông điệp ấy, từ đó tạo các ảnh hưởng âm thầm, cộng hưởng với nhau giúp định hình các quyết định của khách hàng. Đây là điều mà hầu hết người tiêu dùng đều khó hoặc thậm chí không thể nhận ra điều đó. Đó là lí do vì sao các công ty bỏ ra rất nhiều tiền cho tiếp thị mỗi năm, họ không chỉ nhắm tới các khách hàng tiềm năng hiện tại mà còn nhắm tới các khách hàng tương lai. Có thể “giáo dục người tiêu dùng” về sản phẩm của họ, định hình sở thích của họ, xây dựng sự gắn bó thương hiệu thông qua quảng cáo, phương tiện truyền thông xã hội thành công cũng là một thành tựu của doanh nghiệp. Sản phẩm và thương hiệu của mình trở thành những cái tên đầu tiên bật ra khi nói về một nhu cầu nào đó của khách hàng chính là tham vọng của mọi doanh nghiệp. Nghe có vẻ vụ lợi nhưng thực chất điều này không hẳn là xấu. Nếu sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp đem lại các lợi ích lâu bền và lành mạnh, doanh nghiệp cũng đang thực hiện các nhiệm vụ giáo dục tốt và tích cực cho xã hội. Một xã hội biết coi trọng các sản phẩm tốt, ủng hộ các thương hiệu có đạo đức hay ưu tiên các mục tiêu phát triển bền vững hơn là mục tiêu mà mọi chính phủ mong muốn. Giáo dục là một công cụ đắc lực để phục vụ cho mục đích tốt miễn là được sử dụng đúng đắn.
Ở trong một bức tranh khác, khi muốn thay đổi cách tư duy hay thói quen, thậm chí là cả quỹ đạo cuộc sống của một người, ta cũng cần bắt đầu từ giáo dục. Một thử nghiệm trên một số nhóm những người luôn tin rằng họ kém tính toán và né tránh các công việc làm việc với con số tại Mỹ đã cho thấy một kết quả ấn tượng. Những người này được mời tham gia một khoá học đơn giản hoá các khái niệm toán học và hướng dẫn cách ứng dụng chúng trong thực tế. Sau khoá học, hơn một nửa thừa nhận họ đã rất bất ngờ với khả năng toán học của mình và nhận ra họ không hề yếu kém. Chính nỗi sợ và sự né tránh của họ trong quá khứ đã càng củng cố cho suy nghĩ mình kém cỏi của mình. Việc chấp nhận bước ra khỏi vùng an toàn và bắt đầu hiểu mọi thứ theo một cách khác sẽ giúp làm mờ đi các rào cản tinh thần, thậm chí xoá bỏ chúng. Quy tắc này cũng giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến nỗi sợ nói chung.
Khi giáo dục kết hợp với nhận thức
Trên thực tế, những thay đổi lớn nhất trong xã hội luôn được thúc đẩy bởi giáo dục. Các phong trào như dân quyền, bình đẳng giới, chống phân biệt, v.v. hay các chiến dịch như nâng cao nhận thức về tham gia giao thông, bảo vệ môi trường, v.v. đều bắt đầu bằng các công tác truyền đạt thông tin và giảng dạy cho mọi người về quyền lợi, trách nhiệm, tính khoa học, sức mạnh của việc lên tiếng và thể hiện quan điểm. Khi dân trí được nâng lên, các chuẩn mực lỗi thời sẽ bị loại bỏ và con người sẽ được tự do về mặt ý chí và biết tôn trọng, có ý thức hơn.
Lấy ví dụ về biến đổi khí hậu. Nếu vài thập kỷ trước, “dấu chân carbon” (tiếng Anh: carbon footprint), năng lượng tái tạo, khủng hoảng rác thải nhựa là các khái niệm, chủ đề xa lạ trong xã hội. Nhờ giáo dục rộng rãi, ngày nay, ngay cả những em học sinh cấp 1 cũng được trang bị kiến thức đầy đủ để có thể nói chuyện với cha mẹ mình về ô nhiễm môi trường và tái chế. Đó chính là sức mạnh của giáo dục. Từ các mầm nhận thức của giáo dục sẽ phát triển thành hành động của tập thể.
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, giáo dục dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Bất kỳ ai có kết nối Internet đều có thể học một ngôn ngữ mới, học lập trình hoặc hiểu về vật lý thiên văn ngay trên chiếc ghế dài thoải mái của mình. Sự dân chủ hóa kiến thức này đang định hình lại thế giới.
Nhưng với sức mạnh lớn đi kèm với trách nhiệm lớn. Những công cụ giáo dục tương tự cũng có thể gây hiểu lầm. Đó là lý do tại sao tư duy phản biện – một kỹ năng phát triển thông qua giáo dục chất lượng – lại quan trọng hơn bao giờ hết. Khả năng phân biệt sự thật với hư cấu, phân tích thông tin và suy nghĩ độc lập là những gì sẽ phân biệt người có hiểu biết với người bị thao túng.
Vậy, năm nay bạn sẽ chọn học thêm gì?