Nhắc đến kỹ năng Viết, đa số mọi người đều có suy nghĩ về việc làm sao để tìm kiếm các ý tưởng hay ho để phủ kín từng mặt giấy. Kỹ năng Viết cũng là một trong các kỹ năng được đánh giá “khó nhằn” nhất trong tổng thể 4 kỹ năng tiếng Anh. Đặc biệt, với tiếng Anh học thuật, bạn cần đầu tư nhiều thời gian và công sức nếu muốn thuần thục và thành thạo kỹ năng Writing. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách viết tiếng Anh học thuật, đặc biệt với đối tượng mới bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu tiếng Anh học thuật cũng như chia sẻ một số vấn đề bạn cần lưu ý trong quá trình tự học Viết ngôn ngữ này.
I. Một số lưu ý khi học viết tiếng Anh học thuật
Bạn có thể bắt gặp tiếng Anh học thuật trong những bài nghiên cứu, tác phẩm học thuật trên các tờ báo chuyên sâu hay chính tại những bài khóa luận, luận văn của sinh viên hàng ngày.
Khi sử dụng tiếng Anh học thuật, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Đảm bảo sự rõ ràng về bố cục: Không chỉ tiếng Anh học thuật mà khi sử dụng tiếng Việt trong bất kỳ loại hành văn trang trọng, mang tính chuyên môn nào, bạn đều cần đảm bảo bố cục 3 phần Mở bài – Thân bài – Kết bài.
- Trách việc sử dụng một số từ sau ở đầu câu:như And (và), Also (cũng), But (nhưng), So (do đó), Or (hoặc), Even (thậm chí). Thay vào đó, một số lựa chọn khác bạn có thể sử dụng như: In addition (bên cạnh đó), However (tuy nhiên), Consequently (do đó), Alternatively (nói cách khác), Nevertheless (tuy nhiên). Các từ ngữ này sẽ giúp bài viết của bạn trang trọng và chuyên nghiệp hơn.
- Tuyệt đối không viết tắt trong bài viết tiếng Anh học thuật. Các hình thức như “isn’t, hasn’t, don’t”, … bắt buộc phải viết cụ thể thành “is not, has not, do not,…”
- Không sử dụng tiếng lóng hoặc tránh sử dụng idioms trong bài viết tiếng Anh học thuật. Đây là các yếu tố khiến bài Writing của bạn trở nên informal – bớt trang trọng đi.
- Tránh sử dụng lối nói mang tính cá nhân hoặc cách diễn đạt của hội thoại.
II. Cách viết tiếng Anh học thuật từ A- Z
Để hoàn thành một bài viết học thuật, bạn nên thực hiện đầy đủ theo các bước sau:
1. Chọn chủ đề và lên ý tưởng
Với các bài viết tiếng Anh học thuật có sẵn câu trả lời, bạn không cần phải mất thời gian lựa chọn chủ đề vì đơn giản chỉ cần trả lời từng câu hỏi được đưa ra trong đề bài. Tuy nhiên, nếu bạn đang chuẩn bị một bài luận, một phần luận án hoặc bài báo cáo mà đề bài đưa ra là một chủ đề tương đối lớn (thiên nhiên, khoa học, môi trường,…), việc “thu hẹp” lại chủ đề có thể giúp bạn dễ dàng lên ý tưởng hơn và định hướng người đọc hiệu quả hơn.
Sau khi đã xác định rõ chủ đề, bước tiếp theo là tìm kiếm và sắp xếp các ý tưởng cho bài viết của mình – thông thường được biết đến là Brain Storming. Nếu bạn Brain Storming một cách hiệu quả, quá trình hoàn thành bài viết sau này sẽ đơn giản hơn rất nhiều vì cấu trúc và ý tưởng thường được coi là “bộ xương sống” của bài viết.
Có nhiều cách giúp bạn luyện tập việc lên ý tưởng cho bài viết của mình. Cách thức phổ biến nhất là việc liệt kê theo danh sách.
2. Lập dàn ý cho bài viết của mình
Sau khi đã “thu lượm” được một một số ý tưởng nhất định cho bài viết của mình, bạn cần sắp xếp lại chúng để tạo thành một “khung xương” cố định cho bài viết. Bạn cần nhóm các ý tưởng lại theo từng cụm, gạch bỏ các chủ đề/ý tưởng không thuộc bất kỳ nhóm nào. Sau đó hãy sắp xếp các ý theo trình tự từ ý chính cho đến các ý hỗ trợ. Kết quả cuối cùng bạn nhận được là một dàn ý với các nội dung đi từ khách quan đến chi tiết.
3. Tiến hành viết bài và kiểm tra lại lỗi sai
Tùy thuộc vào tính chất của bài viết học thuật mà bước này có thể diễn ra một hay nhiều lần. Với các kỳ thi/bài thi tiếng Anh học thuật, giai đoạn viết và sửa lại lỗi sai thường chỉ kéo dài trong khoảng 15 – 20 phút và bạn gần như không có thời gian viết lại nếu vô tình đi sai hướng/đi lệch chủ đề. Nhưng với các bài viết học thuật có thể làm tại nhà/được chuẩn bị trước, bạn có thể viết nhiều lần và sửa lại cho đến khi hài lòng với bài viết của mình.
Sau khi hoàn thành bài viết, bạn nên kiểm tra các lỗi chính tả, ngữ pháp, dấu câu,… có thể xuất hiện để đảm bảo không có lỗi cơ bản nào trong bài viết của mình. Sau đó, hãy xem xét tính logic của bài viết, đánh giá các ý trong bài viết đã được triển khai tuần tự và triệt để hay chưa, đặc biệt đảm bảo rằng bài viết tiếng Anh học thuật của bạn có câu văn diễn đạt ý chính cả bài và câu văn chủ đề của từng đoạn văn.
Đọc thêm:
- Cách học từ vựng tiếng Anh học thuật từ A đến Z cho mọi trình độ
- Sách tiếng Anh học thuật cho kỹ năng Viết bạn không thể bỏ qua
Quá trình ôn luyện tiếng Anh học thuật đòi hỏi nhiều thời gian, cố gắng và nỗ lực của từng cá nhân, đặc biệt với kỹ năng Viết. Hy vọng với các chỉ dẫn về cách viết tiếng Anh học thuật trong bài viết trên đây, việc ôn tập tiếng Anh học thuật nói chung và kỹ năng Writing nói riêng sẽ không còn là trở ngại.