Gần đây, Hoa Kỳ đã quyết định áp đặt thêm thuế quan đối với hàng hoá nhập khẩu từ ba đối tác thương mại quan trọng là hai nước láng giềng Mexico, Canada và nền kinh tế thứ hai thế giới Trung Quốc. Động thái này ngay lập tức làm dấy lên những quan ngại sâu sắc về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới.
Các biện pháp thuế quan mới của Mỹ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu của các quốc gia được gọi tên mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động đến giá cả hàng hóa, chi phí sản xuất và cuối cùng là đời sống của người dân. Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng gắn kết chặt chẽ, một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện có thể dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, gia tăng thất nghiệp và làm suy yếu lòng tin của giới đầu tư.
Bên cạnh những ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô, việc áp đặt thuế quan mới được cho là cũng sẽ gây ra những tác động không nhỏ đối với nhiều lĩnh vực cụ thể, trong đó có giáo dục, nhất là giáo dục quốc tế. Khi các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại và phải đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế, ngân sách dành cho giáo dục rất có thể bị cắt giảm. Điều này làm giảm cơ hội tiếp cận tri thức và ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy bởi các hệ luỵ từ thu hẹp ngân sách. Hơn nữa, căng thẳng thương mại có thể khiến cộng đồng sinh viên quốc tế gặp khó khăn hơn trong việc theo học tại các quốc gia có mức học phí cao như Mỹ hay Canada (do đồng nội tệ mất giá và các loại chi phí leo thang). Điều này sẽ tác động trực tiếp đến số lượng du học sinh, gây ảnh hưởng đến nguồn thu của các trường đại học và làm thay đổi xu hướng du học trong ít nhất tương lai gần.
Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng phân tích những rủi ro tiềm ẩn của chính sách thuế quan mới, xem xét khả năng nó dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện và đánh giá những tác động sâu rộng của tình huống này đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như ngành giáo dục quốc tế. Những diễn biến này không chỉ là vấn đề của các nhà hoạch định chính sách mà còn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của hàng triệu người trên toàn thế giới.
Nguy cơ của cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu
Khi các quốc gia chấp nhận “tham chiến” (bằng thuế quan, rào cản thương mại), một chu kỳ trả đũa lẫn nhau sẽ bắt đầu. Khi căng thẳng không ngừng leo thang, không chỉ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà người tiêu dùng cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả do giá cả hàng hóa tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và thị trường tài chính trở nên bất ổn.
Một loạt mức thuế mới của Mỹ dành cho Mexico, Canada và Trung Quốc (áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, đồng thời tăng thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc) đã ngay lập tức gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia bị ảnh hưởng, họ cam kết sẽ có các biện pháp đáp trả quyết liệt để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.
Canada đe dọa sẽ áp thuế cao đối với các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu từ Hoa Kỳ. Điều này có thể khiến nông dân Mỹ chịu thiệt hại nặng nề, khi thị trường xuất khẩu quan trọng bị thu hẹp và giá cả hàng hóa trong nước biến động mạnh. Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang xem xét việc áp thuế đối với hàng xuất khẩu công nghệ cao của Hoa Kỳ – một lĩnh vực then chốt đối với tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ của Mỹ. Nếu điều này xảy ra, các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Intel hay Qualcomm có thể đối mặt với những tổn thất đáng kể, không chỉ về doanh thu mà còn về vị thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, Mexico cùng Canada cũng đã tuyên bố sẽ có những phản ứng mạnh mẽ hơn nếu Hoa Kỳ tiếp tục duy trì hoặc gia tăng các mức thuế quan “vô lý”. Điều này làm gia tăng nguy cơ cuộc xung đột thương mại không chỉ giới hạn ở ba quốc gia Bắc Mỹ mà còn có thể lan rộng thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế thế giới.
Liên minh châu Âu (EU) tuy chưa bị nhắm tới nhưng cũng đang cảm thấy áp lực trước khả năng bị Hoa Kỳ áp đặt các mức thuế trong tương lai. Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích các chính sách thương mại của EU khi cho rằng chúng không công bằng đối với nông dân và các nhà sản xuất ô tô của Mỹ. Ông Trump đã đề cập đến khả năng áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu, đặc biệt là ô tô và các sản phẩm nông nghiệp, điều này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương. Nếu EU bị lôi kéo vào cuộc chiến thương mại, tác động sẽ còn nghiêm trọng hơn khi các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Đức, Pháp và Ý cũng tham gia vào vòng xoáy trả đũa thương mại. Khi đó, các ngành công nghiệp trọng điểm như công nghệ, nông nghiệp và tài chính đều sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đẩy các doanh nghiệp vào thế khó khăn.
Trước sự phản đối và đe doạ ngược lại từ Trung Quốc, Canada và Mexico, Hoa Kỳ tỏ ra nhượng bộ khi hoãn kế hoạch áp thuế của mình trong 30 ngày để tiếp tục xem xét trước phản ứng dữ dội từ các bên. Các bên còn lại cũng tỏ ra thiện chí hơn khi hứa hẹn sẽ cân nhắc các biện pháp kiểm soát khu vực và những vấn đề liên quan đến Mỹ nhằm hy vọng có thể tìm kiếm một quyết sách mềm mỏng hơn từ cường quốc số 1 toàn cầu. Tuy nhiên, với phong cách lãnh đạo có phần tự do và khó lường của Tổng thống Donald Trump, đây được phỏng đoán là kế “hoãn binh”. Thêm vào đó, đầu tháng 3/2025, Hoa Kỳ công khai kế hoạch áp thuế đối với cả khu vực châu Âu và nhận những lời chỉ trích từ khối này. Hoa Kỳ bị xem như đang “chĩa mũi dùi” về phía các đồng minh của mình nhằm thực hiện chiến lược kinh tế và chính trị trong nước.
Hệ quả đối với nền kinh tế toàn cầu
Việc Mỹ khởi xướng một cuộc chiến thương mại toàn cầu không chỉ đơn thuần là một động thái chính trị hay một chiến lược kinh tế. Với vị trí của mình, Mỹ đang mang lại nhiều rủi ro, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Khi các quốc gia áp đặt thuế quan và các rào cản thương mại lẫn nhau, hệ thống thương mại tự do chắc chắn bị gián đoạn, làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư, gây áp lực lên các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra những tác động dây chuyền đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Các mức thuế quan gần đây của Hoa Kỳ đã ngay lập tức “kích hoạt” những phản ứng đáng chú ý trên thị trường tài chính toàn cầu. Thị trường chứng khoán đã trải qua sự suy giảm rõ rệt khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động lâu dài của những chính sách bảo hộ thương mại đối với tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đồng đô la Mỹ đã mạnh lên so với các loại tiền tệ chính, khiến hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế, làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ.
Một ví dụ cụ thể cho thấy mức độ ảnh hưởng là chỉ số FTSE 100 của Vương quốc Anh, đã giảm 1,25% trong phiên giao dịch đầu ngày ngay sau khi Hoa Kỳ công bố các mức thuế quan mới. Tương tự, các chỉ số chứng khoán khác như S&P 500, Dow Jones và Nikkei 225 cũng ghi nhận những đợt giảm điểm, phản ánh tâm lý e ngại của giới đầu tư. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, không chỉ các công ty đa quốc gia chịu thiệt hại mà cả các quỹ hưu trí, nhà đầu tư cá nhân và nền kinh tế nói chung cũng có thể đối mặt với những tác động tiêu cực.
Bên cạnh thị trường tài chính, các mức thuế quan này còn dự kiến sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong những ngành công nghiệp phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu như sản xuất ô tô. Hiện tại, Canada và Mexico đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng ô tô của Hoa Kỳ, cung cấp nhiều bộ phận thiết yếu cho các nhà sản xuất xe hơi Mỹ. Việc áp đặt thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu từ hai quốc gia này sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, có thể buộc các công ty phải tăng giá bán xe hơi để bù đắp chi phí. Hệ quả là doanh số bán xe có thể giảm, kéo theo nguy cơ mất việc làm trong ngành công nghiệp ô tô – một lĩnh vực sử dụng hàng triệu lao động tại Mỹ, Canada và Mexico.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công nghiệp, thuế quan đối với hàng nhập khẩu thực phẩm cũng có thể gây ra những tác động đáng kể đến đời sống của người tiêu dùng. Một ví dụ điển hình là bơ Mexico, hiện chiếm đến 90% tổng lượng tiêu thụ tại Hoa Kỳ. Nếu mức thuế cao được áp đặt lên mặt hàng này, giá bơ tại Mỹ có thể tăng mạnh, khiến người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn cho một loại thực phẩm phổ biến. Điều này không chỉ làm giảm sức mua mà còn có thể góp phần đẩy lạm phát lên cao, khiến chi phí sinh hoạt của người dân tăng lên.
Những tác động của chính sách thuế quan không chỉ giới hạn trong phạm vi một số ngành nghề nhất định mà còn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế vĩ mô. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, nếu xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng và chiến tranh thương mại kéo dài, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoài ra, sự bất ổn về thương mại và lạm phát gia tăng có thể buộc các ngân hàng trung ương trên thế giới, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), v.v. phải điều chỉnh chính sách tiền tệ của họ để thích ứng với môi trường kinh tế biến động. Nếu lạm phát gia tăng do chi phí hàng hóa nhập khẩu cao hơn, các ngân hàng trung ương có thể buộc phải tăng lãi suất, làm tăng chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và cá nhân, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tác động đến ngành giáo dục
Ngành giáo dục, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn lực tài chính và công nghệ, cũng không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực của một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Khi các quốc gia áp đặt thuế quan lên nhau, chi phí sản xuất và nhập khẩu hàng hóa tăng lên, kéo theo giá cả của nhiều sản phẩm thiết yếu trong giáo dục cũng leo thang. Điều này có thể hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn lực cần thiết của học sinh, giáo viên và cả các cơ sở giáo dục, gây ra những thách thức lớn trong việc duy trì chất lượng giảng dạy và học tập.
Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng rõ rệt nhất phải nói tới công nghệ giáo dục. Các trang thiết bị vốn đóng quan trọng hỗ trợ học tập và giảng dạy – sẽ trở nên đắt đỏ hơn do thuế quan áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh giáo dục ngày càng số hóa, với việc học trực tuyến, giảng dạy từ xa và tài liệu kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục hiện đại.
Các khu học chánh và tổ chức giáo dục hoạt động với ngân sách cố định đang gặp khó khăn trong việc hấp thụ những chi phí bổ sung này. Khi giá thiết bị công nghệ tăng cao, nhiều trường học buộc phải cắt giảm số lượng thiết bị mua sắm, trì hoãn việc nâng cấp công nghệ hoặc thậm chí từ bỏ một số chương trình học tập dựa trên công nghệ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở những khu vực có ngân sách eo hẹp, nơi học sinh phụ thuộc nhiều vào thiết bị do trường cung cấp để tiếp cận tài liệu học tập. Sự bất bình đẳng trong giáo dục có thể gia tăng, khi các trường có ngân sách dồi dào vẫn có thể đầu tư vào công nghệ mới, trong khi các trường có nguồn lực hạn chế ngày càng tụt hậu.
Bên cạnh những tác động đến cơ sở vật chất và trang thiết bị, cuộc chiến thương mại toàn cầu còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy sinh viên quốc tế – một yếu tố quan trọng đối với hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Sinh viên quốc tế không chỉ đóng góp đáng kể vào doanh thu của các trường đại học thông qua học phí mà còn làm phong phú thêm môi trường học thuật bằng sự đa dạng văn hóa và trao đổi ý tưởng. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại, đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã và đang làm suy giảm số lượng sinh viên quốc tế đăng ký theo học tại các tổ chức giáo dục của Mỹ. Nếu cuộc chiến này trở nên căng thẳng hơn và thậm chí mở rộng thêm đúng như lo ngại, sự suy giảm này sẽ ngày càng trầm trọng.
Trung tâm Phát triển Toàn cầu ước tính rằng, trong thập kỷ tới, các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ có thể mất khoảng 30.000 sinh viên Trung Quốc, tương đương với 1,15 tỉ đô la học phí bị thất thoát. Việc giảm số lượng sinh viên quốc tế không chỉ làm ảnh hưởng đến tài chính của các trường đại học, đặc biệt là những trường phụ thuộc nhiều vào học phí từ du học sinh, mà còn làm giảm đi sự phong phú của các chương trình học thuật và nghiên cứu.
Hơn nữa, sự suy giảm số lượng sinh viên quốc tế có thể kéo theo tác động tiêu cực đến nền kinh tế địa phương tại các thành phố có đông sinh viên nước ngoài. Sinh viên quốc tế không chỉ đóng học phí cao hơn so với sinh viên bản địa mà còn đóng góp đáng kể vào ngành dịch vụ, bao gồm nhà ở, ăn uống, giao thông và mua sắm. Nếu số lượng sinh viên nước ngoài giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp địa phương phục vụ đối tượng này cũng có thể chịu tổn thất đáng kể, ảnh hưởng đến việc làm và doanh thu tại những khu vực có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào giáo dục.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại còn có thể tác động đến các chương trình hợp tác giáo dục và nghiên cứu quốc tế. Nhiều trường đại học Hoa Kỳ có các dự án hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và trường học tại Trung Quốc, Canada, châu Âu và các quốc gia khác. Nếu quan hệ thương mại trở nên căng thẳng hơn, các chính sách thị thực, tài trợ nghiên cứu và quan hệ hợp tác có thể bị ảnh hưởng, làm suy giảm tốc độ đổi mới khoa học và sự trao đổi tri thức giữa các quốc gia.
Động thái áp thuế bổ sung của Hoa Kỳ đối với một loạt các nước tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Những hậu quả đối với nền kinh tế thế giới bao gồm sự biến động của thị trường, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và áp lực lạm phát. Riêng ngành giáo dục phải đối mặt với những thách thức như chi phí tăng đối với công nghệ thiết yếu và sự sụt giảm trong số lượng sinh viên quốc tế đăng ký. Các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc cẩn thận những tác động này và phấn đấu tìm ra các giải pháp giảm thiểu thiệt hại đối với cả nền kinh tế toàn cầu và các lĩnh vực quan trọng như giáo dục.