Kiếm tìm hạnh phúc trong thời đại ngày nay

Trong thời đại mà những tiến bộ công nghệ đã và đang được tích hợp vào cuộc sống nhanh chóng và mạnh mẽ chưa từng thấy, mọi thứ dường như trở nên quá dễ dàng và tiện lợi. Chúng ta có thể kết nối với nhau từ bất cứ ngóc ngách nào trên thế giới một cách nhanh chóng chỉ bằng một thiết bị nhỏ gọn. Thế giới phẳng hơn, gần gũi hơn đem tới những trải nghiệm chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Con người dường như đang tiến gần hơn tới cái gọi là “thế giới đại đồng”.

Thế nhưng, nhiều người lại đang cho rằng chính sự hiện đại và tân tiến ấy đang làm cạn kiệt năng lượng của chúng ta nhanh hơn mỗi ngày, làm giảm khả năng tự chủ của chúng ta trong cuộc sống và khiến nhiều người cảm thấy bị mắc kẹt trong thế giới mà họ không biết mình là ai, đang làm gì, sẽ đi về đâu. Hạnh phúc trở thành một khái niệm xa vời hơn, không còn giản đơn như những thế hệ trước. Nhiều người trẻ mải miết đi tìm cái được gọi là “hạnh phúc thực sự” – thứ hạnh phúc nằm ngoài sự sung túc, đủ đầy về vật chất và sự tiện nghi của thời đại công nghệ.

Trong bài viết hôm nay, hãy cùng chúng tôi khai xuân bằng một số dòng suy nghĩ về từ “hạnh phúc” ấy.

“Hạnh phúc” trong thế giới vạn vật kết nối

Ta đều biết thế giới của chúng ta đang kết nối mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các phương tiện truyền thông xã hội, các nền tảng dịch vụ phát trực tuyến bùng nổ với sự bao trùm và ăn sâu của mạng Internet. Ai ai cũng có khả năng truy cập tức thời vào thế giới ảo, “chạm” tới nhau một cách dễ dàng. Tuy nhiên, sự kết nối 24/7 này cũng đem lại tác dụng phụ đáng bàn luận, đó là sự quá tải nội dung và sự bận bịu khó thoát. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều nội dung số khiến cho não bộ bị quá tải và tạo các hiệu ứng tâm lí tiêu cực như FOMO (còn được biết đến là “nỗi sợ bỏ lỡ”). Điều này cũng tạo ra các áp lực khiến cho con người hiện đại bị suy yếu khả năng tự chủ do liên tục bị thông tin “tấn công”.

                                   

Bên cạnh đó, sự tiện lợi của công nghệ cũng khiến chúng ta có xu hướng ít vận động hơn. Chỉ với một cú nhấp chuột hay một cú chạm trên màn hình, chúng ta có thể hoàn thành các công việc thường nhật như làm việc, giao tiếp, mua sắm từ mọi nơi, thậm chí ngay trên giường. Những cải tiến này giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu công sức cho chúng ta, nhưng cũng làm giảm hoạt động thể chất và các kết nối thực – vốn rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần. Những thông điệp dù ở dạng chữ hay dạng đa phương tiện như hình ảnh, âm thanh, video cũng đều không giúp chúng ta “cảm nhận” được đối phương một cách trực tiếp, khó khăn trong việc kết nối “không khí” trong giao tiếp, dẫn tới giảm chất lượng giao tiếp và làm xói mòn độ thân thiết của các mối quan hệ.

Các công nghệ mới vốn sinh ra là để giúp đơn giản hoá các công việc, tiết kiệm thời gian, sức lực trong cuộc sống, tạo thêm nhiều không gian để nâng cao chất lượng sống thế nhưng lại khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, bất an hơn. Tính chất tức thời của cuộc sống hiện đại làm sức khoẻ tâm thần của chúng ta yếu đi, ít kiên nhẫn và thường xuyên kém hài long hơn. Chúng ta vuốt, cuộn và nhấp liên tục để tìm kiếm những sự kích thích nhanh chóng để khỏi nhàm chán. Những liều dopamine “ăn liền” này những tưởng giúp chúng ta cảm nhận được sự vui vẻ nhiều hơn nhưng trên thực tế lại không phải vậy.

Bên cạnh đó, sự tiêu dùng quá mức cũng khiến cho chúng ta bị gia tăng cảm giác căng thẳng do luôn cảm thấy “thiếu” và nhanh chán. Sự lên ngôi của chủ nghĩa tối giản cũng được xem như một phản ứng đối với tình trạng này. Bằng cách đơn giản hóa cuộc sống và tập trung vào những gì thực sự quan trọng, chúng ta có thể giảm căng thẳng và tăng cảm giác hạnh phúc. Trên thực tế, lối sống tối giản không phải là về sự thiếu thốn mà là về việc ưu tiên trải nghiệm, mối quan hệ và sự phát triển cá nhân hơn là tích lũy vật chất.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cảm giác hạnh phúc trên thực tế không nằm ở sự sung túc về của cải vật chất, sự tiện nghi của cuộc sống mà nằm ở những trải nghiệm phong phú, sự kết nối chặt chẽ của các mối quan hệ. Thật vậy, hãy nghĩ về một thời điểm gần nhất khi bạn thực sự cảm thấy hạnh phúc. Đó là khi bạn mua được một thứ gì đó mới, trải nghiệm một công nghệ mới hay là khi bạn có một kỉ niệm đáng nhớ hoặc đơn giản một cuộc trò chuyện sâu sắc với người thân yêu?

Một nghiên cứu từ Đại học Texas (Hoa Kỳ) phát hiện ra rằng những người coi trọng việc tích luỹ những trải nghiệm có ý nghĩa hơn sự đủ đầy về của cải vật chất thường có tuổi thọ sức khoẻ (tiếng Anh: healthspan) tốt hơn. Sự phong phú về trải nghiệm sẽ giúp chúng ta có được sức khỏe tâm lí tốt. Chúng ta kiên nhẫn hơn, vững vàng hơn, cởi mở hơn, sâu sắc hơn, tích cực hơn và sẵn lòng cống hiến cho xã hội, giúp đỡ người khác nhiều hơn.

Chúng ta nên làm gì?

Trước những tác động tiêu cực từ công nghệ, sợ hãi và tìm cách chạy trốn không phải là cách để giải quyết. Sự từ chối, bài xích cực đoan sẽ chẳng giúp ích gì mà chỉ đem lại những tác hại. Thay vào đó, chúng ta hãy sử dụng công nghệ một cách có ý thức hơn và khoa học hơn. Sau đây là một vài cách hiệu quả được các chuyên gia khuyến khích thực hiện nhằm “lấy lại” sự tự chủ của bản thân trong đời sống hiện đại.

Hạnh phúc hơn – Khỏe mạnh hơn

Một là, hãy vạch ra ranh giới. Hãy kiểm soát thời gian lên mạng của mình và tạo ra các khoảng không “không công nghệ” trong nhà bạn. Hai là, hãy mạnh dạn ngắt kết nối một cách thường xuyên. Đừng để mình bị phụ thuộc vào việc lên mạng lên tục, hãy cho phép bản thân được “tháo cáp” một khoảng thời gian nhất định trong ngày để nghỉ ngơi và hồi phục. Ba là, hãy tham gia các hoạt động thể chất. Không cần tới phòng tập hay chơi các bộ môn thể thao phức tạp, những cuốc đi bộ ngắn, chạy ngắn cũng đã đủ để cơ thể bạn có thể đốt cháy năng lượng thừa, kích thích trao đổi chất, giải phóng căng thẳng và hồi phục năng lượng tích cực. Bốn là, hãy tìm kiếm các cơ hội tạo ra trải nghiệm có ý nghĩa. Dù chỉ là đọc sách ở một nơi nào đó yên tĩnh, tham gia các sự kiện mà bạn có hứng thú hay đi chơi đâu đó với bạn bè cũng có thể giúp bạn sử dụng thời gian của mình một cách ý nghĩa hơn. Năm là, hãy dành thời gian tìm hiểu về bản thân mình và phát triển những kĩ năng, sở thích mới. Chúng ta chính là một vũ trụ nhỏ và không ngừng biến đổi. Việc liên tục tạo các cơ hội cho chính chúng ta “làm mới” sẽ đem lại những năng lượng tích cực, giúp chúng ta sống khoẻ mạnh, có ý nghĩa và vui vẻ hơn. Sáu là, hãy thực hành chánh niệm. Nghe có vẻ tôn giáo và tâm linh, nhưng trên thực tế, thực hành chánh niệm giúp chúng ta kết nối với chính bản thân mình tốt hơn, gạt đi được những “tiếng ồn”, “sóng nhiễu” gây hại cho sức khoẻ tâm thần. Không cần phải tham gia các khoá tu hay phải tới những nơi xa xôi, bạn có thể tìm một không gian xanh nào đó trong chính thành phố nơi bạn sống, thiền và tập trung năng lượng vào khoảnh khắc hiện tại. Cuối cùng, hãy mở lòng nhiều hơn và tham gia các hoạt động vì cộng đồng, vì xã hội, vì hành tinh. Những hoạt động thiện nguyện không chỉ là bạn đem giá trị tới cho người khác, chính bạn cũng được giúp đỡ từ chính những hoạt động này và nuôi dưỡng cảm giác viên mãn của bản thân.

Tiến sĩ Shigehiro Oishi – một nhà tâm lí học nổi tiếng người Nhật, hiện đang công tác tại Đại học Chicago (Hoa Kỳ) – từng lập luận rằng một cuộc sống phong phú về mặt tâm lí có thể được định nghĩa là một cuộc sống tràn ngập những trải nghiệm mới lạ và đa dạng, chứ không chỉ đơn thuần là cảm giác dễ chịu hay sống có ý nghĩa. Khi liên tục bước ra khỏi vùng an toàn của mình, các giới hạn của một người sẽ liên tục được mở ra, giúp họ có điều kiện để đạt được sự viên mãn thực sự. Lần cuối cùng bạn làm một điều gì đó hoàn toàn mới hay chấp nhận thay đổi quan điểm của bạn là khi nào? Có thể là khi đi du lịch đến một nơi mới, gặp gỡ một người bạn mới hay thậm chí chỉ là đọc một cuốn sách mới, tất cả chúng đều có thể là những chiếc công tắc giúp bạn kích hoạt sự can đảm của mình để chấp nhận sự rủi ro và bước ra khỏi vùng an toàn.

Đúng là công nghệ có thể gây xao lãng nhưng đừng quên bạn hoàn toàn có thể sử dụng nó như một công cụ để nâng cao trải nghiệm sống một cách khôn ngoan. Chìa khóa là lý trí. Thay vì để nó chi phối chúng ta, hãy kiểm soát nó một cách sáng suốt. Những nỗ lực có ý thức để giành lại thời gian và năng lượng sẽ cho phép bạn có những quãng nghỉ, ngắt kết nối khỏi thế giới ồn ào, “sạc lại pin” để khi kết nối lại, bạn vẫn giữ được kết nối với những gì thực sự quan trọng với chính mình. Vì dẫu sao, cuối cùng thì mọi thứ chẳng có gì quan trọng bằng chính bạn và hạnh phúc thực sự chẳng nằm ở việc bạn “có” nhiều hơn mà là trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân

Tải xuống MIỄN PHÍ ngay
Bộ tài liệu học tốt tiếng Anh độc quyền của Language Link Academic (cập nhật 2020)!

Kiểm tra tiếng Anh miễn phí ngay cùng chuyên gia khảo thí đến từ Anh Quốc
& nhận những phần quà hấp dẫn!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vai trò của giáo dục: Chưa bao giờ suy giảm

Tin tổng hợp 23.04.2025

Trong một thế giới mà các xu hướng thay đổi nhanh như gió như hiện nay, có một điều vẫn không đổi: Vai trò của [...]

Hiệu ứng lan tỏa của thuế quan Hoa Kỳ và nguy cơ làm gián đoạn nền kinh tế và giáo dục

Tin tổng hợp 22.04.2025

Gần đây, Hoa Kỳ đã quyết định áp đặt thêm thuế quan đối với hàng hoá nhập khẩu từ ba đối tác thương mại quan [...]

Sẽ ra sao khi thế giới quá coi trọng giáo dục STEM?

Tin tổng hợp 18.04.2025

Trong những năm gần đây, giáo dục STEM - viết tắt tiếng Anh của Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật [...]
Previous Next

Đăng ký tư vấn ngay!