Giáo dục trên bàn nghị sự G20: Giải pháp cho những thách thức toàn cầu năm 2024

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2024, dưới sự chủ trì của Brazil, giáo dục đã trở thành một trong những vấn đề trọng tâm, phản ánh vai trò quan trọng của nó trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Các chủ đề chính như thiếu hụt giáo viên, chuyển đổi số trong giáo dục, và gắn kết cộng đồng đang được đặt lên hàng đầu, với mục tiêu đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững số 4 (SDG 4) – đảm bảo giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người.

Sự thiếu hụt giáo viên toàn cầu – thách thức nghiêm trọng

Thế giới hiện thiếu khoảng 44 triệu giáo viên. Đây một con số đáng báo động, được xem như rào cản lớn uy hiếp mục tiêu phổ cập giáo dục toàn cầu vào năm 2030. Vấn đề này trở nên trầm trọng hơn khi giáo dục không còn là lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn ở nhiều quốc gia do lương thấp, điều kiện làm việc khó khăn và ít cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Brazil đã đề xuất các biện pháp nhằm thu hút và giữ chân nhân tài trong ngành giáo dục, bao gồm các chương trình đào tạo quốc tế và các sáng kiến nâng cao kỹ năng xuyên biên giới. Theo UNESCO, chỉ có 15% các quốc gia đang đi đúng hướng để đạt được SDG 4, nhấn mạnh sự cần thiết của các hành động toàn cầu phối hợp.

Tiến sĩ Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục của OECD, nhấn mạnh: “Giáo viên là nền tảng cho việc triển khai dạy và học hiệu quả. Đầu tư vào đào tạo và phúc lợi cho giáo viên sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực lâu dài đối với học sinh và xã hội”.

Chuyển đổi số giúp thu hẹp khoảng cách giáo dục

Khi nền kinh tế ngày càng số hóa, hệ thống giáo dục cần thích nghi để chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết trong tương lai. Tuy nhiên, sự chênh lệch về tiếp cận công nghệ vẫn còn rất lớn. Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), hiện có 2,7 tỷ người không có kết nối Internet, khiến hàng triệu học sinh bị hạn chế trong việc học tập qua các nền tảng số.

G20 đang ưu tiên hợp tác giữa các quốc gia để kết nối các nền tảng giáo dục số, chia sẻ tài liệu và thực tiễn tốt nhất. Ví dụ, nền tảng DIKSHA của Ấn Độ cung cấp tài nguyên giáo dục đa ngôn ngữ đã trở thành một hình mẫu trong việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy. Một chiến lược tương tự tại Brazil có thể mở rộng cơ hội giáo dục cho các khu vực khó khăn.

Tuy nhiên, công nghệ không phải là giải pháp duy nhất. Tiến sĩ Manos Antoninis (Giám đốc Báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu của UNESCO) cảnh báo: “Công nghệ có thể làm trầm trọng thêm bất bình đẳng nếu không giải quyết được vấn đề cốt lõi như tiếp cận và sự sẵn sàng của giáo viên”.

Giáo dục vì phát triển bền vững, đối mặt với khủng hoảng khí hậu

Giáo dục về phát triển bền vững đã trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự G20, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng về khủng hoảng khí hậu. Theo Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), các sự kiện khí hậu cực đoan sẽ gia tăng, ảnh hưởng nặng nề nhất đến các cộng đồng dễ bị tổn thương. Giáo dục có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động này bằng cách cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết.

G20 dự kiến thiết lập một mạng lưới giáo dục bền vững toàn cầu, giúp giáo viên tiếp cận nội dung giáo dục về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Một khảo sát của UNESCO năm 2023 cho thấy, hơn 70% giáo viên trên toàn cầu muốn đưa chủ đề bền vững vào chương trình giảng dạy nhưng cảm thấy thiếu tài nguyên và kỹ năng cần thiết.

Những bài học từ Phần Lan, nơi giáo dục môi trường được lồng ghép vào mọi cấp học, cho thấy tiềm năng to lớn của phương pháp này. Giáo sư Arjen Wals, Đại học Wageningen, khẳng định: “Trang bị cho học sinh hiểu biết sâu sắc về phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà là điều bắt buộc”.

Gắn kết cộng đồng vượt qua giới hạn lớp học

Nhận ra rằng giáo dục không chỉ giới hạn trong trường học, G20 đã khởi xướng Giải thưởng Gắn kết cộng đồng tại trường học nhằm tôn vinh các sáng kiến tạo nên thay đổi tích cực trong xã hội. Nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, sự tham gia của cộng đồng giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ đi học, kết quả học tập và giảm tỷ lệ bỏ học.

Các chương trình như tích hợp người tị nạn tại Rwanda hoặc giáo dục vệ sinh tại Ấn Độ là minh chứng cho sức mạnh của sự gắn kết này. Tiến sĩ Rukmini Banerji (CEO tổ chức Pratham) chia sẻ: “Khi trường học kết nối với cộng đồng, chúng trở thành động lực cho sự phát triển xã hội và kinh tế”.

Chương trình giáo dục tại Hội nghị G20 năm nay nhấn mạnh sự hiểu biết sâu sắc về các thách thức toàn cầu. Bằng cách giải quyết khủng hoảng giáo viên, thúc đẩy chuyển đổi số, ưu tiên phát triển bền vững và gắn kết cộng đồng, G20 đang đặt nền móng cho một tương lai công bằng và bền vững hơn.

Tuy nhiên, thành công không chỉ nằm ở cam kết chính sách mà còn cần sự đầu tư dài hạn, tư duy đổi mới và hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia. Như Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva từng nói: “Giáo dục là nền tảng của sự tiến bộ. Nếu muốn thay đổi xã hội, chúng ta phải bắt đầu từ lớp học”. Con đường phía trước dẫu còn nhiều thách thức nhưng với việc đặt giáo dục ở vị trí trọng tâm, G20 đang vạch ra lộ trình cho một tương lai xán lạn. 

Tải xuống MIỄN PHÍ ngay
Bộ tài liệu học tốt tiếng Anh độc quyền của Language Link Academic (cập nhật 2020)!

Kiểm tra tiếng Anh miễn phí ngay cùng chuyên gia khảo thí đến từ Anh Quốc
& nhận những phần quà hấp dẫn!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vì sao không nên quá tin tưởng các bảng xếp hạng đại học thế giới khi chọn trường để du học?

Tin tổng hợp 23.12.2024

Các bảng xếp hạng đại học, đặc biệt là các bảng xếp hạng QS World Univer ity Ranking , Time Higher Education (THE) và [...]

Những lối tắt trong phát triển: Cẩn thận “lợi bất cập hại”!

Tin tổng hợp 23.12.2024

Sự hấp dẫn của các con đường tắt luôn khó cưỡng lại Dù là trong ự phát triển cá nhân, tiến bộ xã hội hay tăng [...]

Xu hướng hợp tác đào tạo kỹ năng số cho sinh viên tại Đông Nam Á

Tin tổng hợp 19.12.2024

Trong bối cảnh kinh tế ố phát triển mạnh mẽ, khu vực Đông Nam Á chứng kiến ngày càng nhiều việc hợp tác chiến [...]
Previous Next

Đăng ký tư vấn ngay!