Hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh đối với tương lai của con cái, nhiều bậc phụ huynh sẵn lòng đầu tư, tạo mọi điều kiện để con được học tiếng Anh ở những môi trường tốt nhất.
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ băn khoăn không biết thời điểm nào là lý tưởng để trẻ bắt đầu học tiếng Anh. Theo các chuyên gia giáo dục sớm, mẫu giáo chính là giai đoạn vàng để trẻ bắt đầu học tiếng Anh.
Không thể bỏ qua “Thời kì cửa sổ”
Trẻ em có một thời kì cửa sổ mở về ngôn ngữ, đó là thời điểm mà trẻ có thể tiếp nhận bất cứ một ngôn ngữ nào với tốc độ chóng mặt (trẻ 3,4 tuổi có thể tích lũy được vốn 2000 từ ngoại ngữ cơ bản khi được tiếp cận thường xuyên). Đó cũng là thời điểm trẻ có nhu cầu giao tiếp, tìm hiểu về môi trường xung quanh, làm giàu vốn từ, và trở thành chuyên gia ngôn ngữ thông qua tất cả những gì trẻ va chạm.
Theo tác giả cuốn sách Early Childhood Today, với trẻ nhỏ, cách học tiếng Anh hiệu quả nhất không phải thông qua giấy bút mà qua 6 “ngõ” nhỏ của não: học thông qua nhìn, nghe, nếm, sờ, ngửi và hành động. Trong thời kỳ này, trẻ học ngoại ngữ hay học tiếng mẹ đẻ đều dễ như nhau, và tuyệt vời nhất là trẻ hoàn toàn không bị nhầm lẫn.
Vì thế, thực sự sẽ là một lãng phí lớn nếu cha mẹ bỏ qua giai đoạn phát triển vàng về ngôn ngữ của con, bởi những năm năm sau này, những ngôn ngữ bé học được đều dựa trên những thông tin của 4 năm quí giá này, chưa kể, sau 6 tuổi bé đi học thì sức ép học đường lại càng cản trở và hạn chế thời gian và ham muốn “học” ngoại ngữ của các con.
Bắt đầu như thế nào?
Trẻ học tiếng Anh từ sớm sẽ có nhận thức tốt hơn về âm và ngữ điệu của ngôn ngữ. Nghiên cứu của giáo sư Pascual-Leone của trường Đại học Harvard cho thấy trẻ càng nhỏ thì khả năng bắt chước phát âm và ngữ điệu càng tốt. Ở giai đoạn này, não trẻ sẵn sàng đón nhận những âm thanh mới.
Do đó, nếu ngay từ đầu, trẻ được làm quen với âm điệu, ngữ điệu bản ngữ từ sớm, đặc biệt thông qua phương pháp học phonics (đánh vần), trẻ sẽ có khả năng nói tiếng Anh chuẩn như người bản ngữ.
Một lợi ích khác của việc cho trẻ học theo phương pháp phonics chính là trẻ sẽ có khả năng học đọc và viết một cách nhanh nhất và chính xác nhất do các em có thể đánh vần từng âm rồi ghép lại với nhau để có thể đánh vần cả một từ giống như trong cách đánh vần tiếng Việt. Cách đánh vần này giúp trẻ nhận biết từ tốt hơn, học từ nhanh hơn.
Tương tự như vậy, nếu trẻ được học viết thì sẽ biết cách so sánh một cách tự nhiên giữa hệ thống chữ viết của hai ngôn ngữ, mà không hề bị lẫn lộn như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Học sao cho hiệu quả?
Trẻ em dưới 6 tuổi “học” và tiếp nhận thông tin bằng các trò chơi, vận động và các trò đóng vai. Trẻ được va chạm với người nói ngôn ngữ chuẩn, được chạy, nhảy theo hình vòng tròn hay đơn giản chỉ tập thể dục để có thể hiểu được những từ đơn giản như run – jump – circle – raise your arms up – bend your knees.
Trẻ cũng tương tác với những vốn từ cơ bản nhất, cần thiết nhất để hoà nhập và tự thể hiện cái văn minh của bản thân mình bằng thói quen nói “thank you” (cảm ơn), welcome (không có gì) hay excuse-me (xin lỗi). Những thói quen văn minh được thể hiện qua lời nói, ngôn ngữ và tạo nên phong cách.
Trẻ cũng nên được học với âm nhạc và giai điệu, đó chính là những yếu tố để trẻ ghi nhớ từ vựng, cấu trúc câu… hiệu quả hơn.
Tất cả những gì cha mẹ cần làm là tạo cơ hội để trẻ được học, tiếp nhận và sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên nhất ngay từ giai đoạn vàng phát triển của bé.