Châu Á có ảnh hưởng mạnh mẽ ra sao tới giáo dục toàn cầu?

Ngành giáo dục toàn cầu đã và đang trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ trong một vài thập kỷ gần đây. Khi thế giới phẳng và kết nối chặt chẽ, dễ dàng với nhau hơn, vị thế của các “cường quốc du học” ở phương Tây như Mỹ, Anh và Úc không còn vững chắc như trước nữa. Học sinh, sinh viên châu Á ngày nay không còn quá yêu thích nền giáo dục phương Tây và đặt quá nhiều kì vọng vào chuyện du học ở đây nhiều như những thế hệ trước, nhất là trong bối cảnh giáo dục châu Á ngày càng chứng tỏ sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Language Link tìm hiểu về ảnh hưởng mạnh mẽ của “lục địa tỉ dân” tới ngành du học toàn cầu.

Du học ngày càng dễ dàng

Những năm đầu thế kỉ 21, chuyện du học còn chưa thực sự phổ biến và dễ tiếp cận tại phần đông các quốc gia trên thế giới (các nước châu Á cũng không là ngoại lệ) thì ngày nay chuyện một học sinh, sinh viên có quyết định du học đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Không chỉ những học sinh, sinh viên giỏi, thuộc diện được chính phủ ưu tiên bồi dưỡng hay có gia cảnh khá giả mới có khả năng du học nữa, chuyện du học ngày này đã trở nên hết sức bình thường và phổ biến. Dạo một vòng quanh các cơ sở giáo dục hàng đầu của phương Tây, dễ dàng bắt gặp một lượng lớn sinh viên không cùng màu da, tiếng nói và văn hoá đang tham gia học tập cùng sinh viên bản địa. Giao thông thông suốt, chính sách cởi mở và chi phí phải chăng hơn đã giúp hàng triệu học sinh, sinh viên toàn cầu có thể di chuyển tới một quốc gia tiến bộ để tiếp nhận các chương trình đào tạo tiêu chuẩn cao.

Có thể nói, việc cán cân kinh tế giữa phương Đông và phương Tây trở nên cân bằng hơn đã giúp ích rất nhiều cho sự liền mạch này của giáo dục quốc tế. Trong thập kỷ gần nhất, sức mạnh kinh tế của các quốc gia châu Á – đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á – đã gia tăng mạnh mẽ và làm thay đổi bản đồ giáo dục toàn cầu. Nhiều thống kê tại Bắc Mỹ và châu Âu cho thấy số lượng học sinh, sinh viên châu Á theo học tại các cơ sở giáo dục tại phương Tây hằng năm đã tăng khoảng 185% trong 20 năm qua.

Theo UNESCO, số lượng sinh viên quốc tế đến từ châu Á có thể đạt 8 triệu người vào năm 2030. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc được dự báo sẽ vẫn là các nước có số lượng sinh viên quốc tế nhiều nhất châu Á, tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á cũng sẽ là một đối trọng trong cuộc đua này, nhất là ba nước Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Châu Á là điểm đến hấp dẫn

Khi vị thế của châu Á tăng lên mạnh mẽ, các cơ sở giáo dục hàng đầu tại đây cũng trở thành những lựa chọn tuyệt vời cho học sinh, sinh viên trên khắp thế giới. Các quốc gia nổi bật về giáo dục chất lượng cao như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc hiện đang là những điểm đến hấp dẫn. Việc đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giáo dục đại học của chính phủ các quốc gia này đã thành công trong việc thu hút nhân tài toàn cầu. Cùng với sự gia tăng của sức mạnh kinh tế, các trường đại học đẳng cấp thế giới và chính sách chính phủ chiến lược, đang biến các quốc gia này thành các trung tâm giáo dục toàn cầu quan trọng.

Sự nổi lên của Trung Quốc trong không chỉ kinh tế mà còn là giáo dục trên qui mô toàn cầu được củng cố bởi các sáng kiến hỗ trợ giáo dục đại học quốc tế như chiến lược “Một ​​vành đai – Một con đường (BRI)” và dự án “Song nhất lưu kiến thiết (DFCUP)”. Năm 2023, Trung Quốc đã trở thành một trong những điểm đến học tập quốc tế hàng đầu, chỉ đứng sau sau Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Ngày càng có thêm nhiều sinh viên quốc tế hơn từ 149 quốc gia thành viên của BRI được trao cơ hội sử dụng học bổng để học tập tại Trung Quốc cũng cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh quan hệ ngoại giao thông qua giáo dục.

Một cái tên nổi bật khác tại châu Á là Nhật Bản. Xứ phù tang vốn luôn là một trong những điểm đến yêu thích của sinh viên quốc tế cũng thực hiện nhiều hành động thể hiện tham vọng của mình trên thị trường du học toàn cầu. Dự án Global 30 của chính phủ Nhật được công bố vào năm 2009 đặt mục tiêu thu hút 300 nghìn sinh viên quốc tế vào năm 2020 dù bị chậm tiến độ bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm chậm tiến độ, Nhật Bản dự kiến sẽ đạt được mục tiêu này vào năm 2024 khi năm 2023 đã chứng kiến con số lên tới 280 nghìn sinh viên quốc tế đang theo học tại Nhật Bản. Hiện các trường đại học của Nhật Bản đang đẩy mạnh việc cung cấp nhiều hơn các chương trình học bằng tiếng Anh nhằm tạo nhiều điều kiện cho sinh viên quốc tế hơn, đồng thời cũng tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu nhằm gia tăng danh tiếng và vị thế của nền giáo dục nước mình, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, người máy, v.v..

Ngoài ra, Singapore trong nhiều năm trở lại đây được mệnh danh là “thủ đô giáo dục châu Á” khi sở hữu nhiều trường đại học đứng “top đầu” thế giới bất chấp diện tích và dân số khiêm tốn của mình. Sở hữu vị trí chiến lược cùng chất lượng giáo dục tiêu chuẩn và môi trường nói tiếng Anh hoàn toàn, Singapore đem lại cho sinh viên quốc tế những điều kiện thuận lợi nhất để bắt đầu và phát triển con đường học thuật cao cấp của mình. Trong số các trường đại học hàng đầu ở Singapore, Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore, NUS) và Đại học Công nghệ Nam Dương (Nanyang Technological University, NTU) liên tục xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng toàn cầu, làm tăng thêm sức hấp dẫn của Singapore đối với bất cứ ai quan tâm đến việc học tập ở nước ngoài.

Phương Tây không chịu thua

Không thể phủ nhận những căng thẳng địa chính trị và đại dịch COVID-19 đã tạo ra những động lực mới trên thị trường du học toàn cầu. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Brexit và sự gia tăng căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc đã ảnh hưởng đến dòng di chuyển của sinh viên quốc tế. Sinh viên Trung Quốc trước đây thường chọn đến Mỹ và Anh nay lại có xu hướng tìm tới các quốc gia phương Tây khác.

Dễ dàng nhận thấy rằng dù số lượng sinh viên quốc tế đến với châu Á mỗi năm một gia tăng, việc sinh viên ở chính châu Á không lựa chọn học tập tại châu lục của mình vẫn rất phổ biến. Văn hoá trọng bằng cấp cùng chủ nghĩa Tây phương đã thúc đẩy nhiều sinh viên châu Á ưu tiên tìm kiếm các chương trình học tập tại trời Tây. Trong bối cảnh các quốc gia như Anh, Mỹ hay Úc đang siết chặt số lượng sinh viên quốc tế vì các lý do xã hội, các quốc gia như Canada, Đức, Pháp, Hà Lan hiện đang thu hút ngày càng nhiều sinh viên quốc tế đến từ châu Á bởi chính sách thân thiện, học phí phải chăng và chất lượng hệ thống giáo dục cao.

Bên cạnh đó, Canada cũng đang trở thành điểm đến học tập ưa thích của sinh viên châu Á, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ (có khoảng 230 nghìn người Ấn đã theo học tại Canada vào năm 2023). Các chương trình cấp phép làm việc sau khi tốt nghiệp và lộ trình hướng tới thường trú nhân làm cho Canada đặc biệt hấp dẫn đối với những sinh viên muốn học tập lâu dài.

Chi phí học tập tiết kiệm tại Đức đặc biệt được săn đón bởi các sinh viên Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Đầu tàu kinh tế châu Âu nổi tiếng với các chương trình học STEM. Tương tự, Hà Lan cũng là điểm đến thu hút sinh viên từ Đông Nam Á, cụ thể là Indonesia và Việt Nam, với ưu điểm văn hoá cởi mở và triết lí giáo dục trọng đổi mới, sáng tạo. Các quốc gia khác như New Zealand cũng ngày càng trở nên phổ biến đối với sinh viên tìm kiếm một môi trường học tập an toàn và ổn định. Sự chuyển đổi sang các mô hình học trực tuyến và kết hợp đã làm phong phú thêm các tùy chọn giáo dục, cho phép sinh viên tiếp cận học tập từ bất kỳ đâu trên thế giới.

Như vậy, cuộc chiến giữa phương Tây và phương Đông trong việc lôi kéo dòng sinh viên quốc tế trên phạm vi toàn cầu là điều đương nhiên và rất dễ nhận ra. Dẫu rằng vị thế của các nước châu Á vẫn còn chưa áp đảo được phương Tây, lục địa tỉ dân vẫn có tiềm năng lớn để phát triển hơn nữa trên thị trường du học toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cộng thêm nhu cầu giáo dục quốc tế ngày càng tăng cùng sự quan tâm lớn của sinh viên toàn cầu tới du học châu Á hoàn toàn có thể đem những cái tên như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và cả Ấn Độ trở nên nổi bật. Chính sự đa dạng văn hóa và hệ thống giáo dục chất lượng cao ở nhiều quốc gia sẽ càng làm thu hút thêm nhiều du học sinh đến châu lục này. 

 

Tải xuống MIỄN PHÍ ngay
Bộ tài liệu học tốt tiếng Anh độc quyền của Language Link Academic (cập nhật 2020)!

Kiểm tra tiếng Anh miễn phí ngay cùng chuyên gia khảo thí đến từ Anh Quốc
& nhận những phần quà hấp dẫn!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Apple và bài học về tầm quan trọng của việc xây dựng giá trị thương hiệu

Tin tổng hợp 21.11.2024

Giá trị thương hiệu là nền tảng cho ự thành công của các công ty Một doanh nghiệp thành công không chỉ dừng lại ở [...]

Sức hút của công nghệ máy tính đối với thế hệ trẻ

Tin tổng hợp 20.11.2024

Internet mở ra thời đại ố cho nhân loại Sự bùng nổ của kỉ nguyên điện tử đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích và [...]

Những điều cần biết về thị trường carbon và các ngành giáo dục liên quan

Tin tổng hợp 20.11.2024

Thị trường carbon hay còn được gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính (tín chỉ carbon) [...]
Previous Next

Đăng ký tư vấn ngay!