Học tiếng Anh hiện tại không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành một trong các ngôn ngữ và kỹ năng cần thiết trong quá trình học tập và làm việc của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, việc lựa chọn theo học loại tiếng Anh nào lại tùy thuộc vào mục đích cụ thể của từng người. “Có nên học tiếng Anh học thuật thay vì tiếng Anh giao tiếp thông thường?” là mối băn khoăn của nhiều người, đặc biệt với các đối tượng cân nhắc theo đuổi các bậc học như đại học hay cao học. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin về tiếng Anh học thuật và tiếng Anh giao tiếp nhằm giúp người đọc phần nào giải đáp được thắc mắc về hai loại tiếng Anh này.
1. Tiếng Anh giao tiếp
Đúng với tên gọi của nó, đây là loại tiếng Anh chỉ tập trung vào hiệu quả giao tiếp giữa người với người. Do vậy, tiếng Anh giao tiếp thường gắn liền với loại ngôn ngữ đơn giản, tự nhiên, quen thuộc với đời sống hàng ngày, không trang trọng hay cầu kỳ.
Nội dung nổi bật của các khóa học tiếng Anh giao tiếp cũng chủ yếu bao gồm các cuộc hội thoại giữa bạn bè, đồng nghiệp, các tình huống xảy ra trong cuộc sống đời thường, các hội thoại trên trường học, nơi làm việc. Từ vựng không phải là các từ ngữ mang tính hàn lâm, chuyên sâu hoặc cụ thể trong một lĩnh vực nào đó. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng từ lóng, cách nói tắt, các idioms để làm cho các cuộc hội thoại trở nên phong phú hơn.
Đối tượng theo học tiếng Anh giao tiếp chủ yếu là các cá nhân có nhu cầu ứng dụng trực tiếp tiếng Anh giao tiếp, không có mục đích theo học hoặc làm việc trong các lĩnh vực chuyên sâu, học thuật.
2. Tiếng Anh học thuật
Khác với tiếng Anh giao tiếp, lựa chọn theo học tiếng Anh học thuật có nghĩa là bạn đang nghiên cứu tiếng Anh ở mức độ chuyên sâu hơn. Ngôn ngữ của tiếng Anh học thuật trang trọng, nghiêm túc, cách sử dụng cũng phức tạp và cầu kỳ hơn so với tiếng Anh giao tiếp thông thường. Do vậy, tiếng Anh học thuật đa số được sử dụng trong môi trường học thuật, chuyên nghiệp như các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà xuất bản tạp chí, …
Khi theo học các khóa học tiếng Anh học thuật, kỹ năng Đọc và Viết sẽ là hai kỹ năng được chú trọng hơn cả. Các tài liệu học tập hoặc nguồn tham khảo tiếng Anh học thuật không còn là những chương trình tiếng Anh, talk show giải trí hay các bài hát nước ngoài mà chính là các cuốn sách giáo khoa, nghiên cứu chuyên sâu của học giả, bài bình luận từ những chuyên gia trong ngành về một vấn đề,…
Đối tượng theo học tiếng Anh học thuật chủ yếu là các cá nhân có nhu cầu theo học các bậc học cao hơn tại trường đại học, hoặc đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu, theo đuổi những công việc đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về các khía cạnh chuyên sâu của đời sống.
3. Có nên học tiếng Anh học thuật thay vì tiếng Anh giao tiếp thông thường?
Để trả lời câu hỏi này, bạn cần cân nhắc kỹ càng ưu/nhược điểm của tiếng Anh học thuật và tiếng Anh giao tiếp đồng thời mục đích và năng lực cá nhân để lựa chọn chính xác.
Quá trình học tiếng Anh học thuật sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức cũng như sự nỗ lực, cố gắng nhiều hơn của mỗi cá nhân. Bởi lẽ, tiếng Anh học thuật không chỉ đơn thuần là một loại ngôn ngữ mà đó còn là sự nghiên cứu, tìm hiểu cách sử dụng và vận dụng ngôn ngữ theo cách chuyên nghiệp và sâu sắc nhất. Tiếng Anh học thuật vốn không có nhiều tính ứng dụng trong đời sống hàng ngày nhiều như tiếng Anh giao tiếp, đồng thời nó cũng cần môi trường tiếng Anh học thuật để từng cá nhân phát triển và duy trì loại tiếng Anh này.
Do đó, nếu bạn có nhu cầu theo học lên bậc Cao học, Tiến sĩ hoặc đi sâu vào những lĩnh vực chuyên sâu, bạn nên đầu tư thời gian và công sức vào tiếng Anh học thuật.
Đọc thêm:
- Cách sử dụng từ điển tiếng Anh học thuật hiệu quả nhất
- Các bài kiểm tra tiếng Anh học thuật khi học tập và làm việc ngoài nước
Học tiếng Anh không chỉ đơn thuần hướng đến mục đích cuối cùng là đọc hiểu văn bản, nghe hiểu các giao tiếp – hội thoại bằng tiếng Anh,… Tiếng Anh học thuật hoặc tiếng Anh giao tiếp hướng đến các mục đích khác nhau, do đó, tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân, bạn có thể cân nhắc và trả lời mối băn khoăn “Có nên học tiếng Anh học thuật thay vì tiếng Anh giao tiếp thông thường?”.