Như chúng ta có thể dễ dàng quan sát được, Chính phủ trong những năm gần đây đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm nỗ lực giảm thiểu căng thẳng học đường tại nước ta. Điều này được cho là đúng đắn trong bối cảnh căng thẳng học đường làm ảnh hưởng lớn tới không chỉ sức khoẻ tâm sinh lý của học sinh và tương lai các em, mà còn làm gia tăng các chi phí giáo dục được xem như không thiết yếu, gây lãng phí tiền của của xã hội. Một trong những biện pháp được Chính phủ chú ý chính là hạn chế dạy thêm ngoài giờ lên lớp. Các quy định mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy thêm ngoài giờ lên lớp đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng phụ huynh và giáo viên. Trong bài viết hôm nay, chúng ta hãy thử tìm hiểu một góc nhìn về vấn đề này.
Nguyên nhân khiến cho căng thẳng học đường ở Việt Nam luôn ở mức cao?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng căng thẳng học đường ở Việt Nam cũng như một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chính là áp lực thi cử. Học sinh Việt Nam bị bủa vây bởi “ma trận” các kỳ thi. Muốn giành lợi thế để vào các lớp chọn, trường chuyên hay khi tuyển sinh đại học, tìm trường du học sau này, học sinh Việt bị cuốn vào cuộc chạy đua “làm đẹp hồ sơ” ngay từ sớm.
Toàn bộ hệ thống giáo dục xoay quanh các kỳ thi khiến cho căng thẳng học tập không thể suy giảm và có chiều hướng ngày càng gia tăng hơn bởi tình trạng thiếu hụt trường học, giáo viên ở các thành thị. Chúng ta đều biết kỳ thi quan trọng nhất tại nước ta chính là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia – đây là nơi quyết định hướng đi trong tương lai của tất cả các em học sinh. Vốn là một quốc gia trọng bằng cấp, việc có thể theo học và tốt nghiệp một trường danh tiếng cũng giống như tấm vé mở ra các triển vọng nghề nghiệp quý báu. Điều này cũng xảy ra tại các quốc gia láng giềng đã được nhắc tới bên trên. Cao khảo (Trung Quốc), CSAT (Hàn Quốc) hay Center Test (Nhật Bản) mỗi năm đều là những “đấu trường lửa” để các thí sinh ở khắp các tỉnh thành cạnh tranh nhau số lượng chỉ tiêu hạn chế ở các trường đại học hàng đầu nhằm có lợi thế hơn sau khi tốt nghiệp.
Tại những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu cả nước như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tỷ lệ trúng tuyển có những ngành còn dưới 10%. Chính bởi những áp lực này, nhu cầu học thêm trở thành “thiết yếu” thay vì chỉ là một lựa chọn. Một khảo sát năm 2021 cho thấy hơn 70% học sinh dành ít nhất ba giờ mỗi ngày tại các lớp học thêm hay học gia sư tại nhà. Tại Nhật Bản, một khảo sát cho thấy có tới 60% học sinh trung học dành thời gian buổi tối của mình tại các lớp học thêm mỗi ngày.
Từ những năm cuối của thập niên 90, hình thức học thêm tại nhà giáo viên đã trở nên phổ biến và được coi như cần thiết để đảm bảo thành tích trên lớp của học sinh được ổn định và như mong muốn. Song song đó, các trung tâm học thêm, luyện thi, gia sư cũng không ngừng mọc lên, góp phần khiến cho thị trường học thêm phần sôi động. Sự phổ biến của hình thức học thêm tại nhà giáo viên cũng đến từ những áp lực và nỗi lo của phụ huynh.
Trong quan niệm của phần đông người dân, giáo dục đại học luôn được xem là con đường danh giá và là một tấm vé đổi đời. Nhiều bậc phụ huynh tìm mọi cách cho con học thêm bởi lo sợ con mình bị tụt lại so với bạn bè. Một khảo sát năm 2021 cho thấy gần 80% phụ huynh Việt Nam sẵn sàng đầu tư cho con mình học thêm, thậm chí mức chi có thể tới 30% thu nhập gia đình. Xu hướng này cũng phổ biến ở các nước châu Á có ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chẳng hạn, năm 2020, phụ huynh Hàn Quốc đã chi hơn 20 tỉ đô la Mỹ cho việc học thêm.
Hiển nhiên, học sinh vì phải tham gia quá nhiều lớp học thường không còn đủ thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi và nạp năng lượng. Tình cảnh học sinh phải vừa ăn vừa làm bài tập để kịp cho giờ học tiếp theo phổ biến tới mức trở thành một nỗi lo khác của phụ huynh. Dù biết rằng việc cho con mình học nhiều sẽ tạo ra những phản ứng tiêu cực nhưng phụ huynh với tư tưởng “khổ trước sướng sau” vẫn không thể cho con giảm giờ học. Nhiều vụ rối loạn tâm thần ở học sinh, trầm cảm học đường hay hiện tượng bạo lực học đường gia tăng bởi căng thẳng leo thang hình thành một làn sóng phản ứng tiêu cực của phụ huynh tới các trường học, các giáo viên và các cơ quan ban ngành giáo dục.
Việc hạn chế dạy và học thêm có giúp kiểm soát tình trạng này hay không?
Về mặt lý thuyết thì có thể. Tuy nhiên, giải pháp này không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Như chúng ta đã nói tới bên trên, vấn đề thực sự nằm ở văn hóa trọng bằng cấp và hệ thống giáo dục xoay quanh các kỳ thi. Dù cho việc dạy và học thêm đúng là có thể phần nào làm giảm căng thẳng học đường khi cho phép học sinh có nhiều thời gian cho bản thân hơn. Nhưng sự thật là các em vẫn phải đối mặt với các kỳ thi có mức độ cạnh tranh cao và gay gắt, cũng như chịu kỳ vọng cao của cha mẹ, gia đình và xã hội. Điều này vẫn khiến các em (và cha mẹ) phải tìm cách này hay cách khác để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình, chẳng hạn như tăng cường tự học, học gia sư hay bổ sung thêm các khóa học trực tuyến, v.v..
Nhìn sang Hàn Quốc, đất này này cũng đã từng thử hạn chế việc học thêm của học sinh để giảm bớt áp lực. Nhiều quy định nghiêm ngặt được ban hành bao gồm cả lệnh giới nghiêm (cấm các trường dạy thêm hoạt động sau 10 giờ đêm). Tuy nhiên, nhu cầu học thêm vẫn không thuyên giảm và tạo cơ hội cho các dịch vụ gia sư gia tăng, đồng thời khiến cho nhiều học sinh phải ở lại trường học muộn hơn để tự học. Tương tự như vậy, Trung Quốc cũng không đạt được thành công như mong đợi khi hạn chế việc dạy và học thêm một cách hà khắc. Các gia đình có điều kiện vẫn tìm cách đảm bảo con cái của họ có ưu thế hơn con cái của người khác. Học sinh vẫn phải dành nhiều giờ tự học, thậm chí là chấp nhận nghỉ ngơi tại trường học nhằm đảm bảo mình không thua kém bạn bè.
Về phía giáo viên, trên thực tế, họ cũng bị ảnh hưởng bởi hệ thống giáo dục tập trung vào thi cử. Vì thu nhập không đủ để thoả mãn các nhu cầu cá nhân và gia đình, thêm vào đó, để thoả mãn nhu cầu và nguyện vọng của học sinh và phụ huynh, các giáo viên đã có quen tự tổ chức các lớp học thêm tại nhà mình hoặc thuê các địa điểm gần trường học. Dù rằng lương giáo viên đã được tăng gần đây, tạo nhiều điều kiện cho họ và gia đình có thể sống thoải mái hơn, tuy nhiên, việc bị hạn chế hoạt động dạy thêm vẫn có thể khiến thu nhập của họ bị ảnh hưởng đáng kể, làm suy giảm động lực giảng dạy. Bên cạnh đó, để có thể nâng cao chất lượng giảng dạy trong giờ học chính khóa hòng giảm sự phụ thuộc vào việc học thêm cần có sự chung tay của cả giáo viên, nhà trường, nhà nước và doanh nghiệp. Dẫu sao, việc có thể thực hiện những dự án đầu tư nhiều hơn vào đào tạo giáo viên, nỗ lực giảm sĩ số lớp học và cải thiện phương pháp giảng dạy không phải câu chuyện trong một sớm một chiều.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, để có thể giải quyết vấn đề này, chính phủ cần có một cách tiếp cận hiệu quả hơn nhắm tới cốt lõi của vấn đề, thậm chí là cải cách cả hệ thống giáo dục. Thay vì chạy đua điểm số, sử dụng điểm số như một công cụ duy nhất để đo lường năng lực của học sinh, hệ thống giáo dục cần coi trọng sự phát triển toàn diện hơn mà trong đó tư duy phản biện và các năng lực khác như óc sáng tạo, óc thẩm mỹ, kỹ năng giao tiếp, sự cởi mở, kỹ năng làm việc nhóm, tố chất đột phá, táo bạo của học sinh, v.v.. Những yếu tố này có thể mở ra nhiều con đường để các em có thể chạm tới thành công trong tương lai hơn. Được công nhận và trân trọng các giá trị của mình, học sinh (và cả cha mẹ, gia đình các em) có thể sẽ cảm thấy ít áp lực hơn và không cần phải chạy theo một hình mẫu “học sinh toàn diện” không có thật. Bên cạnh đó, việc mở mới các trường học chất lượng cao cũng như liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng giảng dạy ở các trường học có truyền thống lâu dài cũng sẽ đem lại nhiều cơ hội cho học sinh hơn, cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực giáo dục của cả các em và thầy cô, từ đó thúc đẩy các con đường sự nghiệp thay thế, tránh hiện tượng chạy theo thành tích “phổ cập” đại học hay thậm chí cao học, tránh làm lãng phí các nguồn lực của xã hội và thời gian của thế hệ trẻ.
Tóm lại, việc cấm các lớp học thêm tại Việt Nam từ quan điểm của chúng tôi không thực sự giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của căng thẳng học đường. Thay vào đó, chính việc này lại có thể thúc đẩy mạnh mẽ các hình thức học thêm khác, từ đó làm tiêu tốn nhiều hơn cho các gia đình và vấn đề cốt lõi là “văn hóa” thi cử đầy cạnh tranh vẫn không được cải thiện. Để giảm áp lực thực sự, cần có những cải cách sâu rộng về giáo dục, tập trung vào chất lượng giảng dạy và thay đổi nhận thức xã hội về thành công trong học tập. Nếu không có những thay đổi căn bản, học sinh Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực nặng nề, bất chấp mọi lệnh cấm chính thức đối với việc học thêm.
Đọc thêm bài viết “Làm sao để giảm thiểu căng thẳng học đường?” TẠI ĐÂY