Năm 2023, ngành giáo dục quốc tế đã chứng kiến một sự biến đổi mạnh mẽ. Vốn luôn là một ngành mang lại không chỉ lợi nhuận lớn mà còn gia tăng uy tín quốc gia, giáo dục quốc tế tại các “cường quốc du học” như Vương quốc Anh, Úc, Canada bất ngờ bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Các quốc gia vốn là những điểm đến yêu thích của sinh viên quốc tế này đã bắt đầu thắt chặt chính sách nhập cư cũng như tăng cường kiểm tra các cơ sở giáo dục, khiến cho công tác xin thị thực của sinh viên nước ngoài trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Tại Hà Lan, các trường đại học cũng đã chủ động giảm chỉ tiêu tuyển sinh quốc tế để tránh bị các cơ quan nhà nước can thiệp.
Đáng buồn là những thay đổi này không phải chỉ gói gọn trong quy mô một số quốc gia mà có dấu hiệu sẽ lan ra mạnh mẽ. Nhiều nhà quan sát cho rằng những thay đổi chính sách này ảnh hưởng lớn từ làn sóng bất mãn của dân chúng trước sự gia tăng không ngừng của các áp lực kinh tế. Chẳng hạn, chính phủ Anh đã giới hạn số lượng giấy phép học tập mới, tăng phí thị thực lên tới 66% và áp dụng các yêu cầu tài chính nghiêm ngặt hơn cho sinh viên nhập học. Tại Úc, quyền làm việc của sinh viên quốc tế cũng bị cắt giảm đáng kể khi quy định chỉ cho phép sinh viên làm việc 24 tiếng/tuần/học kỳ. Trong khi đó, Canada đã rút lại các quyền thị thực cho hầu hết người phụ thuộc của sinh viên quốc tế, hạn chế số lượng thành viên gia đình có thể đi cùng họ.
Những nguyên nhân
Dù sinh viên quốc tế đóng vai trò tương đối quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực, gia tăng năng suất kinh tế của nhiều quốc gia thế nhưng chính phủ các nước này buộc phải mạnh tay thắt chặt số lượng du học sinh trước tình trạng nhập cư ồ ạt (dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu).
Ngoài ra, như chúng ta đã biết, đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn mạnh mẽ lên kinh tế toàn cầu trong giai đoạn thế giới thực hiện giãn cách xã hội. Cho đến nay, nhiều nền kinh tế vẫn đang chịu rất nhiều áp lực, tỉ lệ lạm phát toàn cầu nhảy vọt, đạt 8,8% vào năm 2022 theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy cũng như khủng hoảng năng lượng đã bồi nhiều cú trí mạng lên nhiều nền kinh tế. Thị trường nhà ở tại các thành phố lớn ở Úc, Canada hay Vương quốc Anh cũng trở nên khó kiểm soát. Ghi nhận tại Sydney, giá nhà đã tăng 28,9% chỉ riêng trong năm 2021 và cho tới nay vẫn đang chưa ổn định trở lại dù đã “hạ nhiệt” đôi chút vào năm 2022 và 2023.
Các hệ thống y tế, vốn đã chịu áp lực từ tình trạng già hóa dân số càng thêm căng thẳng bởi ảnh hưởng từ đại dịch. Tại Canada, hệ thống y tế điêu đứng với số ca phẫu thuật chưa được xử lí lên tới 800,000 ca vào giữa năm 2023, thổi bùng sự bất mãn trong dân chúng và gây ra nhiều hệ luỵ tới sức khoẻ hay thậm chí tính mạng của người bệnh. Một cuộc khảo sát của Leger vào tháng 2/2024 cho thấy một nửa số người Canada tin rằng có những áp lực này tới từ việc “có quá nhiều người nhập cư mới vào Canada”. Tương tự, tại Vương quốc Anh, một cuộc thăm dò của YouGov vào đầu năm 2024 cũng cho thấy tới 60% người được hỏi cảm thấy chính phủ cần giảm số lượng người nhập cư trong thời gian sớm nhất.
Cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu
Đúng như nhận định của nhiều nhà xã hội học thế giới, thế giới đang chứng kiến mức độ “di cư cưỡng bức” cao chưa từng có. Theo Liên Hiệp Quốc (UN), số người phải di cư trên toàn cầu đã vượt quá 108 triệu vào cuối năm 2022; trong đó, 35,3 triệu là người tị nạn, 62.5 triệu là người di cư nội bộ. Các cuộc xung đột đang diễn ra ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ (như Syria, Afghanistan, Yemen, v.v.), các thảm họa biến đổi khí hậu ở châu Phi Hạ Sahara và Nam Á hay sự sụp đổ kinh tế ở Venezuela được cho là những nguyên nhân chính gây nên điều này.
Châu Á và các nước thuộc Nam Bán Cầu (bao gồm nhiều vùng của châu Phi, Mỹ Latinh) được xem là những khu vực bị ảnh hưởng đặc biệt từ cuộc khủng hoảng di cư này khi xảy ra cả bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế lẫn ảnh hưởng mạnh mẽ của thời tiết cực đoan. Tất cả đã đẩy hàng triệu người tìm kiếm nơi sinh sống mới. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) báo cáo rằng năm 2020 có tổng cộng 281 triệu người di cư quốc tế trên toàn cầu; trong đó, có 169 triệu là người lao động di cư, 117 triệu là người bị di dời (gồm cả người xin tị nạn và người tị nạn).
Sinh viên quốc tế dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số dân di cư toàn cầu (khoảng 8 triệu người trên toàn thế giới) vẫn bị cuốn vào việc này. Họ vẫn là đối tượng thuộc thống kê di cư ròng hay di cư tạm thời ở các quốc gia như Vương quốc Anh, Canada, v.v.. Chính điều này đã góp phần thúc đẩy nhận thức dân chúng các “cường quốc du học” rằng di cư đang vượt ngoài tầm kiểm soát dù cho số lượng của họ còn rất nhỏ so với các loại hình di cư khác.
Nhận định của giới chuyên gia
Giới chuyên gia từng đồng loạt cảnh báo rằng hướng đi hiện tại của chính sách nhập cư ở nhiều quốc gia có thể dẫn đến những hệ quả lâu dài đối với giáo dục quốc tế và các mục tiêu kinh tế lớn hơn. Tiến sĩ Simon Marginson thuộc Đại học Oxford cho rằng các chính sách hạn chế của Vương quốc Anh khả năng cao sẽ làm suy giảm vị thế của quốc gia này như một trung tâm giáo dục toàn cầu. “Lợi thế cạnh tranh của Vương quốc Anh trong việc thu hút sinh viên quốc tế đang trở nên lu mờ,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2024 với Times Higher Education. “Sinh viên quốc tế không chỉ đóng góp cho nền học thuật mà còn tham gia hỗ trợ nền kinh tế của nhiều quốc gia. Khi các quốc gia như Anh thực hiện các chính sách hạn chế, họ không chỉ đang gây nguy hiểm cho tình hình kinh doanh của các cơ sở giáo dục mà còn gia tăng áp lực lên thị trường lao động.”
Tại Úc, tình hình cũng không kém phần căng thẳng. Cơ quan đại diện cho các trường đại học nước này là Universities Australia đã công bố một báo cáo vào năm 2023 cảnh báo rằng ngành giáo dục Úc có thể mất tới 10 tỉ đô la Úc (tương đương 6.78 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm nếu số lượng sinh viên quốc tế tiếp tục giảm. Bà Catriona Jackson, Giám đốc Điều hành của Universities Australia, cho biết: Giáo dục quốc tế là một trong những hạng mục “hàng hoá” hàng đầu của Úc và hệ quả từ việc đánh mất nguồn thu này sẽ lan toả trên toàn bộ nền kinh tế – từ bán lẻ đến bất động sản.
Tại Canada, đại diện Cục Giáo dục Quốc tế Canada (CBIE) cũng có chung quan điểm khi nhấn mạnh liên tục sự cần thiết của một chính sách mới có cách tiếp cận “mềm mỏng” hơn: “Dù chúng tôi rất thấu hiểu mối lo ngại của dân chúng, nhưng trên thực tế, sinh viên quốc tế không phải là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về nhà ở và y tế của Canada. Chúng ta cần nhắm mục tiêu chính xác hơn thay vì hạn chế nhập cư diện rộng. Việc này làm thiệt hại hệ thống giáo dục của chúng ta cũng như lợi ích kinh tế lâu dài.”
Như vậy, có thể thấy rằng chính sự suy giảm niềm tin của dân chúng vào giáo dục quốc tế đã đặt ra một thách thức lớn cho các chính phủ. Năm 2024 vẫn chưa kết thúc nhưng theo dõi số liệu nửa đầu năm khiến cho nhiều chuyên gia và nhà lãnh đạo nhận ra sự tổn thương của ngành giáo dục quốc tế trước áp lực chính trị và kinh tế toàn cầu.
Suy cho cùng, khi phải đối mặt với những thách thức về di cư và bất ổn kinh tế, các quốc gia cần chú tâm hơn vào công tác truyền thông, truyền tải và giáo dục dân chúng dựa trên bằng chứng cùng các phương án hoạch định chính sách rõ ràng để họ ý thức được quyền lợi của mình được bảo vệ và địa vị của họ không bị hạ thấp thay vì chỉ cố gắng thoả hiệp với đám đông. Tương lai của giáo dục quốc tế ở các “cường quốc du học” sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thích nghi với những thực tế mới của ngành này cũng như việc khẳng định được những lợi ích to lớn mà sinh viên quốc tế mang lại cho nền kinh tế và xã hội với chính người dân của họ.