Rất khác so với nhiều năm trước, hiện nay, việc du học đã trở nên phổ biến và dễ dàng hơn bao giờ hết. Ai cũng có thể du học dù ở bất cứ độ tuổi nào. Du học không chỉ đem đến nhiều kiến thức, nhiều góc nhìn mới mẻ… mà còn là cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm, để tạo ra một bước ngoặt cho bản thân, để làm nên bước chạy đà quan trọng dẫn đến thành công sau này. Trong nhiều bài viết sắp tới đây của mình, Language Link chúng tôi hy vọng có thể giúp quí vị có được sự chọn lựa chính xác khi “du học”.
Vậy du học là gì?
Có thể định nghĩa một cách đơn giản rằng đó là đi học ở nước ngoài. Và học sinh, sinh viên qua nước khác học được gọi là du học sinh.
Du học là một nhu cầu, một mong muốn chính đáng của mỗi người. Đương nhiên đây không phải là việc bắt buộc. Hãy “du học” chỉ khi bạn thật sự sẵn sàng!
Lợi ích của việc du học:
Trước hết, du học là để thu nhận được thêm nhiều kiến thức, nâng cao được các kĩ năng cần thiết mà có thể các trường trong nước chưa thể giúp được cho bạn. Khi được học ở các trường nước ngoài, đặc biệt là các nước có nền giáo dục tiên tiến, hẳn nhiên là bạn sẽ có thêm nhiều góc nhìn mới lạ, được mở rộng tầm mắt và sẽ có sự thay đổi về mặt nhận thức đáng kể. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Thứ hai, bạn muốn giỏi ngoại ngữ ư? Không gì tốt hơn bằng việc bạn được sử dụng ngôn ngữ ấy mỗi ngày tại nơi mà nó là tiếng mẹ đẻ hay là ngôn ngữ chính thức. Tin chúng tôi đi, không sớm thì muộn, chỉ cần bạn không nản chí bỏ cuộc thì việc thành thạo ngoại ngữ hoàn toàn nằm trong tầm tay. Giống một chú chim rơi ra khỏi tổ, nó buộc phải bay.
Thứ ba, dù có phải là người coi trọng bằng cấp hay không thì chắc cũng không phản đối rằng phần lớn các tấm bằng có được sau quá trình học tập nơi xứ người rất có giá trị (nếu còn do những trường hàng đầu thế giới cấp nữa thì… khỏi phải bàn).
Thứ tư là mỗi ngày của bạn sẽ mang đến rất nhiều trải nghiệm thú vị, nhiều cơ hội cho việc học tập và làm việc, nhiều mối quan hệ mới, nhiều ý tưởng sáng tạo, v.v..
Thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, v.v. sẽ được chúng tôi đề cập đến trong các bài viết sau.
Còn những khó khăn?
Yếu điểm đầu tiên cần phải được nhắc đến chính là việc sử dụng ngoại ngữ của du học sinh. Có rất nhiều trường hợp du học sinh mà yếu điểm này lại trở thành điểm yếu gây rất nhiều trở ngại trong quá trình học tập, làm việc tại nước ngoài.
Kế đến là việc hòa nhập và thích nghi. Nhiều du học sinh cho hay rằng họ thấy rất khó khăn với việc hòa nhập ở nơi đất khách quê người, nơi quá khác biệt về phong tục, tập quán, thói quen giao tiếp hằng ngày, vv.. Nhiều trường hợp đã bỏ dở việc học vì những “cú sốc văn hóa” hay bị xem nhẹ này.
Nỗi nhớ nhà cũng là một trong những khó khăn mà các du học sinh cần phải vượt qua, đặc biệt là trong khoảng thời gian đầu khi đặt chân sang nước bạn. Buổi sáng thức dậy, bạn không còn thấy không còn nghe những âm thanh quen thuộc của người thân, bạn bè; của nơi bạn sống. Những bữa ăn khó khăn lắm mới tìm thấy được hương vị quê nhà. Cảnh vật xung quanh quá đỗi xa lạ. Bạn sẽ nhớ nhà, cảm thấy cô đơn,… và cả lạc lõng nữa. Nhưng, sau tất cả, hãy nhớ lại lí do vì sao bạn đã đặt chân đến đấy.
Tài chính cũng là một khó khăn khó có thể giải quyết ổn thỏa. Từ lúc chuẩn bị du học đến cả trong quá trình du học thì tài chính vẫn là nỗi lo lắng của nhiều bạn du học sinh. Với những người mà gia đình có điều kiện hay có được những học bổng giá trị cao thì đương nhiên “dễ thở” hơn nhiều những bạn có hoàn cảnh không được thuận lợi khác. Lúc đó áp lực vừa đi học vừa đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống là điều mà chúng ta phải nghĩ đến và phải giải quyết được. Nhưng xin hãy nhớ, cứu cánh của việc du học chính là…học!
Language Link sẽ quay trở lại và nói về vấn đề những trở ngại, khó khăn của các bạn du học sinh trong những bài viết sau.
Một số hình thức du học phổ biến hiện nay:
Hiện có nhiều hình thức du học. Language Link xin phép được nêu ra một số hình thức mà theo chúng tôi là phổ biến nhất.
- Học bổng:
Nhận được học bổng du học luôn là mơ ước của nhiều bạn học sinh, sinh viên. So với các hình thức khác thì đây là dạng du học ít tốn kém nhất. Có học bổng toàn phần, học bổng bán phần và học bổng một phần. Trong đó, học bổng toàn phần đương nhiên là có giá trị nhất, bao gồm toàn bộ học phí, sinh hoạt phí và các chi phí liên quan đến việc học tập khác như tiền mua tài liệu, dụng cụ v.v.. Và vì thế để có thể có nó là điều không hề dễ dàng. Phần lớn các du học sinh chỉ có được học bổng bán phần, một phần tức là các bạn sẽ được giảm tiền học (có thể là 100%, 75%, 50%, 25%, v.v.) và không bao gồm các chi phí khác trong quá trình học của người được nhận.
Học bổng có thể được chính phủ (Việt Nam hoặc nước ngoài) cấp, do các trường đại học cấp hay do các tổ chức công lập lẫn tư nhân khác.
- Tự túc:
Đây là hình thức du học dễ dàng nhất và cũng tốn kém nhất. Bởi vì chỉ cần đủ khả năng tài chính để chi trả toàn bộ cho học phí và các chi phí khác trong quá trình học là bạn gần như có thể xách ba lô lên đường ngay. Và theo một số bài báo thì có đến khoảng 90% các bạn học sinh, sinh viên du học theo hình thức này.
- Vừa học vừa làm:
Đây là hình thức cũng được rất nhiều du học sinh chọn lựa. Ưu điểm của nó là có thể san sẻ gánh nặng chi phí cho bản thân và gia đình, giúp tự chủ trong chi tiêu; giúp nâng cao tay nghề, kinh nghiệm làm việc; hoàn thiện khả năng giao tiếp; v.v.. Nhược điểm là việc vừa học vừa làm thường sẽ rất vất vả, mất nhiều thời gian nên khiến bạn khó lòng có thể tập trung toàn tâm toàn ý vào việc tiếp thu bài vở hoặc thậm chí gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Chọn hình thức du học này nghĩa là bạn phải có đủ sức khỏe, quyết tâm, nỗ lực và khả năng sắp xếp thời gian hợp lí để có thể đi đến cuối chặng đường.
- Chuyển tiếp:
Hình thức du học này dành cho các bạn sinh viên học một khoảng thời gian ở Việt Nam (có thể từ một đến 3 năm tùy vào mỗi trường) rồi chuyển sang nước ngoài học tiếp 1 – 2 năm còn lại. Ưu điểm của hình thức này là tiết kiệm được nhiều chi phí, có đủ thời gian để chuẩn bị những kĩ năng cần thiết trước khi sang nước ngoài học tập, không phải xa nhà quá lâu, bằng cấp có giá trị quốc tế; v.v.. Một số nhược điểm có thể kể đến như chi phí vẫn còn rất cao nếu như không có học bổng; chỉ có “nửa cuộc đời sinh viên” ở nước ngoài; có thể vẫn chưa thể hòa nhập, thích nghi tốt với cuộc sống ở nước khác; trình độ, kĩ năng so với những bạn học từ đầu ở nước ngoài vẫn có một khoảng cách nhất định; v.v..