Cộng đồng LGBTQ+ có làm giảm tỷ lệ sinh hay không?

Phong trào đấu tranh cho quyền của cộng đồng LGBTQ+ (cộng đồng người đồng tính; song tính; chuyển giới; có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác) nở rộ trong chục năm trở lại đây đã đạt được nhiều thành công khi ngày càng có nhiều người thuộc cộng đồng thiểu số này không cần phải che giấu bản dạng giới hay xu hướng tính dục của mình mà có thể mạnh dạn sống thật với con người mình như những người khác trong xã hội.

Nhiều khảo sát cho thấy cái nhìn của xã hội đối với cộng đồng này đã bớt hà khắc và có thiện cảm hơn. Tuy nhiên, phong trào này vẫn đang vấp phải vô số rào cản ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở những quốc gia có chính phủ thủ cựu. Họ tích cực tuyên truyền với người dân về ảnh hưởng của cộng đồng LGBTQ+ tới sự sụt giảm tỷ lệ sinh của nước mình bất chấp sự thật. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu góc nhìn chính xác về chủ đề đang nóng này.

Cộng đồng LGBTQ+ hỗ trợ những nỗ lực cải thiện tỷ lệ sinh của chính phủ? Tại sao?

Bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ của truyền thông và sự chỉ mặt điểm tên của các chính phủ thủ cựu, sức ảnh hưởng của cộng đồng LGBTQ+ không như những gì đã bị thổi phồng. Đầu tiên, chúng ta cần nhắc lại một sự thật quan trọng: Cộng đồng này luôn là một cộng đồng thiểu số trong xã hội. Dù ở những quốc gia có dân số đông đảo như Trung Quốc, Ấn Độ hay ở những quốc gia có dân số khiêm tốn như Singapore, Na Uy, cộng đồng LGBTQ+ vẫn là một cộng đồng nhỏ bé, chỉ chiếm khoảng 5-10% dân số. Theo báo cáo của Gallup năm 2022, khoảng 7,2% người Mỹ trưởng thành xác định thuộc cộng đồng LGBTQ+. Còn tại Anh, dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia năm 2021 cho thấy chỉ khoảng 3,1% người trưởng thành xác nhận mình thuộc LGBTQ+.

Điều này đồng nghĩa với việc dù cho giả sử tất cả người thuộc cộng đồng LGBTQ+ quyết định không có con, điều này cũng chẳng thể làm giảm tỷ lệ sinh một cách nghiêm trọng như các chính phủ thủ cựu tuyên truyền. Đó là còn chưa kể đến một sự thật khác: Rất nhiều người thuộc cộng đồng LGBTQ+ vẫn có con. Nhiều người thuộc cộng đồng này mang những nỗi đau về sự thiếu sự thấu hiểu, cảm thông và yêu thương từ chính gia đình của mình nên luôn tìm kiếm những cơ hội để xây dựng một gia đình có thể bù đắp tất cả những thiếu hụt ấy.

Họ không chỉ nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi tại các trại mồ côi, nhà tình thương hay trở thành cha mẹ đỡ đầu của những đứa trẻ có cha mẹ khác, mà còn trực tiếp có con thông qua sự hỗ trợ của các tiến bộ y tế. Điều này vừa góp phần giúp các chính phủ giải quyết vấn nạn trẻ em bị bỏ rơi ngày một phổ biến, lại cũng góp phần vào việc cải thiện tỷ lệ sinh của xã hội. Ở Mỹ, theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Gia đình Williams năm 2019, có tới 29% người đồng tính nữ tại nước này hiện đang là phụ huynh, trong khi đó, ở nam khiêm tốn hơn là 3%. Hiện có khoảng 16.500 trẻ em Mỹ hiện đang sống trong các gia đình đồng tính trên khắp nước này.

Đối với những người nữ thuộc cộng đồng LGBTQ+, họ có thể nhận tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng để thụ tinh và có con một cách bình thường. Còn những người nam thuộc cộng đồng này có thể lựa chọn tìm kiếm một người nữ trong cộng đồng để cùng sinh con thông qua hình thức thụ tinh nhân tạo hoặc di chuyển tới các quốc gia cho phép dịch vụ mang thai hộ để có con ruột. Theo số liệu từ Surrogate, số lượng người LGBTQ+ sử dụng dịch vụ mang thai hộ toàn cầu tăng trung bình khoảng 30% mỗi năm. Với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ, chi phí mang thai hộ và tỷ lệ thành công đều được cải thiện đáng kể, giúp cho nhiều người thuộc cộng đồng LGBTQ+ có thể có nhiều hơn một con ở quanh chúng ta.

Một góc nhìn sai lệch phổ biến khác là nỗi sợ bị “bẻ cong” của cộng đồng dị tính. Nhiều người lo sợ rằng nếu cộng đồng LGBTQ+ được công nhận thì số lượng người dị tính sẽ… giảm xuống. Họ xem đấy là một “căn bệnh” có thể “lây lan”. Trên thực tế, xu hướng tính dục của một người không thể bị thay đổi một cách mầu nhiệm thông qua tiếp xúc với người có xu hướng tính dục khác với họ như vậy. Nếu như nỗi sợ kia có căn cứ, chắc hẳn một cộng đồng chỉ chiếm 5-10% dân số đã nhanh chóng bị “bẻ thẳng” trở lại và không thể tồn tại song hành. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra xu hướng tính dục và bản dạng giới là các yếu tố nội tại của từng cá nhân, được hình thành bởi sự tổng hòa các tương tác phức tạp giữa những nhân tố sinh học, tâm lý học và xã hội học.

Cần hiểu rằng việc nhiều người không nhận ra xu hướng tính dục thật hay bản dạng giới của mình trong giai đoạn đầu đời (hoặc trước một biến cố nào đó trong cuộc đời) là một điều hết sức bình thường. Về cơ bản, bất cứ ai trong chúng ta cũng luôn phải liên tục tìm hiểu về bản thân mình trong suốt quá trình sống. Việc họ nhận ra muộn hơn, hay mất nhiều thời gian hơn để chấp nhận bản thân (thậm chí là sau khi trốn tránh trong nhiều năm) không có nghĩa là họ bị “bẻ cong”. “Bẻ cong” là một khái niệm không chính xác, thiếu tính khoa học. Trên thực tế, sự tồn tại của cộng đồng LGBTQ+ trải dài từ những ngày đầu tiên của xã hội loài người, xu hướng tính dục đồng tính còn xuất hiện ở nhiều loài khác trong tự nhiên. Tóm lại, sự tồn tại và chấp nhận của những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ không làm giảm đi số lượng những người dị tính, cũng không ngăn cản những người dị tính hình thành các mối quan hệ, kết hôn hoặc sinh con như nhiều người ngộ nhận. Việc đổ lỗi sự sụt giảm tỷ lệ sinh của xã hội cho cộng đồng LGBTQ+ là rất phi lý và đương nhiên là phản khoa học.

Vậy tại sao nhiều chính phủ lại muốn quy kết trách nhiệm làm sụt giảm tỷ lệ sinh cho cộng đồng LGBTQ+?

Đó là bởi họ muốn né tránh giải quyết các lý do thực sự. Trong chính trị, có một kỹ thuật mang tên “con dê tế thần” (tiếng Anh: scapegoating). Kỹ thuật này biến một nhóm hoặc một cá nhân cụ thể nào đó thành đối tượng để đổ lỗi cho các vấn đề của xã hội nhằm đánh lạc hướng công chúng khỏi những nguyên nhân thực sự (hoặc trong nhiều trường hợp là những sai lầm của chính quyền). Kỹ thuật này thường được sử dụng trong tuyên truyền chính trị và truyền thông để tạo ra một đối tượng “bị ghét chung”, từ đó giúp chính quyền kiểm soát dư luận hoặc tránh bị chỉ trích, từ đó làm giảm khả năng bị sụt giảm tín nhiệm và có thể kéo dài thời gian nắm quyền.

Nếu phải thừa nhận rằng tỷ lệ sinh sụt giảm vì các nguyên nhân liên quan tới sự yếu kém trong quy hoạch, quản lý và điều hành của mình, chính phủ sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm và hoàn toàn có thể bị thay thế bởi các phe đối lập, và hiển nhiên họ không muốn vậy. Ngoài ra, việc lựa chọn cộng đồng LGBTQ+ để làm đối tượng quy kết trách nhiệm cũng là muốn tranh thủ sự “bảo thủ văn hoá” tại nhiều nơi, sự thiếu hiểu biết của nhiều người, cũng như nỗ lực kiểm soát các phong trào đổi mới có thể uy hiếp thể chế. Bằng cách công kích nhóm cử tri chỉ chiếm 5-10% dân số, chính phủ có thể dễ dàng lôi kéo và củng cố sự ủng hộ từ những nhóm cử tri bảo thủ thuộc 90-95% còn lại – những người cho rằng “gia đình truyền thống” là cách duy nhất để duy trì xã hội.

Nếu không phải do cộng đồng LGBTQ+ thì những lý do thật sự cho việc sụt giảm tỷ lệ sinh trong xã hội là gì?

Tỷ lệ sinh đang giảm ở nhiều nơi trên thế giới, đây là sự thật. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh và không có yếu tố nào trong số đó liên quan đến việc một người yêu ai hoặc cách họ tự nhận dạng chính mình.

Đầu tiên, yếu tố khiến cho tỷ lệ sinh sụt giảm chính là kinh tế. Có một sự thật mà các chính phủ không muốn thừa nhận, đó là hầu hết người trẻ khắp nơi trên thế giới đều cảm thấy ngại, thấy sợ khi nói tới chi phí sống. Giá cả các loại hàng hoá, dịch vụ phục vụ cuộc sống liên tục tăng, giá nhà đất không tìm thấy đỉnh, mức thu nhập trung bình không đủ để giải quyết sớm các món nợ sinh viên, người trẻ khó lòng mơ đến chuyện mua nhà để ổn định cuộc sống sớm. Đối với họ, việc phải gánh thêm các chi phí sinh con và nuôi con là quá sức. Việc không thể cung cấp cho con mình một cuộc sống đầy đủ, sung túc khiến nhiều người ngần ngại và trì hoãn việc sinh con. Ở Việt Nam, một báo cáo từ Tổng cục Thống kê năm 2023 cho thấy trung bình nuôi một đứa trẻ từ 0-18 tuổi tốn khoảng 500 triệu đến 1 tỉ đồng, bao gồm chi phí giáo dục, y tế, và sinh hoạt. Đây là một con số không hề nhỏ.

Bên cạnh đó, những thế hệ như Thiên niên kỷ hay thế hệ Z lại có sự ưu tiên cho giáo dục và sự nghiệp cao hơn hẳn thế hệ X hay Boomers. Một khảo sát của Deloitte năm 2023 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho kết quả tới 49% thế hệ trẻ cho biết họ ưu tiên sự nghiệp và tự do tài chính trước khi nghĩ đến việc lập gia đình. Thêm vào đó, với tỷ lệ sở hữu bằng đại học, cao học vượt trội, hai thế hệ này thường có độ tuổi kết hôn cao hơn và có nhiều yêu cầu hơn khi tìm kiếm và lựa chọn bạn đời cho mình. Nhiều người trẻ thậm chí còn xác định mình sẽ theo đuổi cuộc sống độc thân bởi yêu thích sự tự do và muốn được sống trọn vẹn cho chính mình. Nhiều phụ nữ trẻ còn sẵn sàng trữ đông trứng để vẫn có thể mang thai sau này cho thấy sự nghiêm túc của họ trong việc khẳng định quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Tư tưởng này vấp phải sự phản đối của các thế hệ đi trước khi cho rằng sự trì hoãn hay thậm chí né tránh lập gia đình của thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z là sự ích kỷ. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là quyền chính đáng mà bất cứ ai cũng có và cần tôn trọng.

Ngoài ra, sự phát triển ngày càng phức tạp của xã hội loài người, sự thiếu ổn định của kinh tế, an ninh cũng như sự biến đổi không ngừng và khó lường của môi trường và tương lai hành tinh cũng đem lại một nỗi sợ cho thế hệ trẻ. Rất nhiều người trẻ lo lắng rằng việc sinh con trong một bối cảnh rối ren sẽ đem tới nhiều sự bất công cho chúng. Vì vậy, họ muốn lựa chọn một thời điểm ổn định hơn, phù hợp hơn để sinh con. Một khảo sát toàn cầu của Pew Research năm 2022 chỉ ra rằng 39% người trẻ cho rằng lo ngại về biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố quan trọng khiến họ cân nhắc không sinh con.

Làm gì để cải thiện tỷ lệ sinh là gì?

Nếu chính phủ thực sự quan tâm đến việc tăng tỷ lệ sinh, họ sẽ cần tập trung vào việc triển khai các giải pháp thực sự hiệu quả giúp giải quyết tối đa các nguyên nhân đã nhắc tới bên trên.

Đầu tiên là bình ổn và hạ thấp các chi phí sống cũng như sinh và nuôi con. Ở những quốc gia mà việc nuôi con không phải là gánh nặng quá lớn (tới mức có thể “nuốt trọn” toàn bộ tiền lương của cha hoặc mẹ), tỷ lệ sinh có xu hướng cao hơn – đây là sự thật không thể tranh cãi. Khi cha mẹ không phải lo lắng quá nhiều về chuyện nuôi con, họ sẽ có nhiều khả năng sinh con hơn. Trong bối cảnh phụ nữ được trao nhiều quyền và cơ hội hơn, việc hỗ trợ người mẹ để cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình hoàn toàn là một điểm cộng lớn mà không nhiều chính phủ có thể làm được.

Để hỗ trợ các gia đình, một số quốc gia đã áp dụng các gói tài chính trực tiếp để khuyến khích mọi người sinh con và biện pháp này thực sự hiệu quả. Dù đó là giảm thuế, tặng tiền mặt hay cung cấp gói trợ cấp hằng tháng, chúng đều tác động tích cực trực tiếp đến tỷ lệ sinh. Tại Pháp, việc chính phủ nước này cung cấp gói trợ cấp hằng tháng cho các gia đình có con vào khoảng 170-450 EUR/tháng tùy số lượng con đã giúp tỷ lệ sinh ở Pháp đạt 1,83 con/phụ nữ, cao nhất EU năm 2022. Ở Hungary, chính phủ giảm thuế cho các gia đình có từ 3 con trở lên, điều này giúp tỷ lệ sinh tăng từ 1,25 (2010) lên 1,59 (2022).

Một biện pháp được nhiều chính phủ áp dụng, đó là chế độ nghỉ phép nghỉ thai sản cho cả cha lẫn mẹ. Việc cho cả cha và mẹ thời gian nghỉ ngơi để gắn kết với trẻ sơ sinh mà không sợ mất thu nhập hoặc mất việc thật sự tạo nên sự khác biệt lớn. Khi mọi người không phải lựa chọn giữa việc nuôi dạy con cái và duy trì sự nghiệp, họ có xu hướng mở rộng gia đình hơn. Ở Na Uy, cả cha và mẹ được nghỉ phép thai sản tổng cộng 49 tuần với 100% lương. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh ở đây đạt 1,55 con/phụ nữ, cao hơn nhiều nước khác tại châu Âu.

Như có nhắc tới ở trên, vấn đề nhà cửa thật sự rất quan trọng, đặc biệt với người trẻ. Việc có thể cung cấp nhà ở giá rẻ cho thế hệ trẻ thực sự là một biện pháp tuyệt vời giúp họ an tâm để tính chuyện lập gia đình, sinh con và phát triển tương lai. Tại Singapore, chương trình HDB (Housing Development Board) cung cấp nhà ở giá rẻ cho các cặp đôi mới cưới đã giúp tỷ lệ sinh của Singapore tăng nhẹ so với trước khi áp dụng, đạt mức 1,2 con/phụ nữ. Chính phủ nước này kỳ vọng chương trình sẽ giúp tiếp tục nâng cao tỷ lệ này trong tương lai.

Việc mở rộng giáo dục về quyền LGBTQ+ cũng sẽ đóng góp tích cực trong việc tạo ra một môi trường thân thiện và cởi mở cho con người, giúp cho các bậc phụ huynh cảm thấy an tâm hơn khi con cái mình sẽ được sinh trưởng trong cộng đồng văn minh, từ đó đảm bảo được sức khoẻ tâm lý. Một nghiên cứu từ Đại học Harvard (2020) chỉ ra rằng những xã hội chấp nhận đa dạng văn hóa và quyền LGBTQ+ thường có mức GDP, sự đổi mới, và chất lượng cuộc sống cao hơn. Ở những nơi như Canada hay Thụy Điển – nơi quyền LGBTQ+ được bảo vệ mạnh mẽ – người dân không chỉ hạnh phúc hơn mà còn tin tưởng vào chính phủ và đóng góp tích cực vào cộng đồng.

Giáo dục đóng vai trò ra sao?

Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ thông tin sai lệch và thúc đẩy một xã hội toàn diện và có hiểu biết hơn bởi người dân cần biết rằng việc đổ lỗi cho cộng đồng LGBTQ+ là không đúng và tạo ra các định kiến không tích cực trong xã hội. Một cách hiệu quả để tích hợp thông tin thực tế là thông qua chương trình giảng dạy của trường học. Các cơ sở giáo dục nên đưa vào các bài học về nhân khẩu học, khoa học xã hội và nhân quyền, giúp học sinh hiểu được nguyên nhân thực sự của tỷ lệ sinh giảm. Giáo dục giới tính toàn diện cũng nên bao gồm các cuộc thảo luận về các khuynh hướng tình dục và bản dạng giới đa dạng theo cách tôn trọng và dựa trên khoa học. Khi những người trẻ tuổi nhận được thông tin chính xác ngay từ đầu, họ ít có khả năng bị thông tin sai lệch sau này trong cuộc sống.

Các chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng là một phương pháp thiết yếu khác để sửa chữa những quan niệm sai lầm. Chính phủ, tổ chức phi chính phủ và tổ chức truyền thông cần chung tay để có thể khởi xướng hiệu quả các sáng kiến ​​sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, truyền hình và thông báo dịch vụ công để giáo dục công chúng. Ví dụ, đồ họa thông tin hấp dẫn, phim tài liệu ngắn và phỏng vấn chuyên gia có thể nêu bật lý do thực sự đằng sau tỷ lệ sinh giảm. Những người có ảnh hưởng và nhân vật công chúng chuyên về xã hội học, kinh tế và khoa học y tế cũng có thể tạo nội dung giải thích những thay đổi nhân khẩu học theo cách dễ hiểu và hấp dẫn. Các quốc gia có chiến dịch nâng cao nhận thức thành công về các vấn đề xã hội khác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng, chứng minh rằng hoạt động tiếp cận giáo dục được thực hiện tốt có thể thay đổi nhận thức của công chúng theo thời gian.

Sự tham gia của cộng đồng và đối thoại cởi mở sẽ củng cố thêm các nỗ lực giáo dục. Các diễn đàn công khai, cuộc tranh luận và các buổi hỏi đáp với các chuyên gia có thể tạo cơ hội cho mọi người đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời dựa trên bằng chứng. Các sự kiện địa phương khuyến khích các cuộc trò chuyện giữa các thế hệ – nơi các thế hệ cũ và trẻ cùng nhau thảo luận về các chủ đề này – có thể giúp thu hẹp khoảng cách hiểu biết. Ví dụ, các trung tâm cộng đồng hoặc trường đại học có thể tổ chức các cuộc thảo luận về cách các chính sách kinh tế ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh, làm rõ rằng việc đổ lỗi cho các nhóm thiểu số là không đúng và có hại.

Việc giải quyết thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông cũng rất quan trọng. Các tổ chức kiểm tra thực tế nên tích cực bác bỏ các tuyên bố sai sự thật liên kết cộng đồng LGBTQ+ với tỷ lệ sinh giảm. Các chương trình nâng cao hiểu biết về phương tiện truyền thông tại trường học và nơi làm việc có thể dạy mọi người cách đánh giá các nguồn thông tin một cách phê phán. Ví dụ, ở Phần Lan, các chương trình gia tăng hiểu biết về phương tiện truyền thông được xem như một phần của chương trình giảng dạy quốc gia, giúp công dân trẻ nhận diện các thông tin sai lệch và có ý thức lan truyền thông tin chính xác. Áp dụng các cách tiếp cận tương tự đối với các chủ đề liên quan đến LGBTQ+ và các vấn đề nhân khẩu học có thể ngăn chặn sự lan truyền của các câu chuyện sai sự thật.

Cuối cùng, hỗ trợ chính sách là điều cần thiết để có tác động giáo dục lâu dài. Chính phủ cần thực hiện các chính sách giáo dục hòa nhập và luật chống phân biệt đối xử, đảm bảo rằng các trường học cung cấp không gian an toàn để tìm hiểu về sự đa dạng. Ngoài ra, các chương trình đào tạo về sự đa dạng tại nơi làm việc có thể giúp giáo dục người lớn về các xu hướng nhân khẩu học và các vấn đề LGBTQ+, củng cố kiến ​​thức chính xác ngoài lớp học. Các quốc gia đã áp dụng các chính sách giáo dục hòa nhập, chẳng hạn như Canada và Thụy Điển, đã chứng kiến ​​sự chấp nhận rộng rãi hơn của công chúng đối với sự đa dạng và giảm bớt các niềm tin phân biệt đối xử.

Để đạt được hiệu quả giáo dục tốt nhất, điều quan trọng là phải sử dụng các phương pháp tiếp cận hấp dẫn, dễ tiếp cận và dựa trên khoa học phù hợp với các đối tượng khác nhau. Bằng cách kết hợp giáo dục nhà trường, các chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng, sự tham gia của cộng đồng, hiểu biết về phương tiện truyền thông và hỗ trợ chính sách, chúng ta có thể chống lại thông tin sai lệch một cách hiệu quả và thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về cả xu hướng nhân khẩu học và các vấn đề LGBTQ+.

Tóm lại, cộng đồng LGBTQ+ không làm suy giảm tỷ lệ sinh như nhiều người đã lầm tưởng. Việc cần làm là lan truyền rộng rãi những thông tin hữu ích này cho cộng đồng và xã hội. Một khi chúng ta có thể xây dựng một xã hội văn minh và tri thức, không chỉ những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ được hưởng lợi mà tất cả mọi người đều có lợi. Khi mọi người ai cũng đều cảm thấy an toàn, được thấu hiểu và hỗ trợ, họ sẽ hạnh phúc và sẵn sàng cống hiến, đóng góp cho xã hội nhiều hơn.

Là thế hệ dám đương đầu với những thách thức của thời đại và đòi hỏi những điều tốt đẹp hơn, người trẻ hiện nay có đủ tri thức, sức mạnh, trách nhiệm,… và cả sự bao dung để tạo ra sự thay đổi thực sự. Tương lai không phải là thứ tự nhiên xảy ra; đó là thứ do chúng ta định hình. Xin hãy nhớ rằng những sự thay đổi được thúc đẩy bởi những con người cấp tiến. Khi chúng ta biết đấu tranh cho công bằng, lẽ phải; đòi hỏi những giải pháp thông minh hơn thì chúng ta đã cùng chung tay hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Tải xuống MIỄN PHÍ ngay
Bộ tài liệu học tốt tiếng Anh độc quyền của Language Link Academic (cập nhật 2020)!

Kiểm tra tiếng Anh miễn phí ngay cùng chuyên gia khảo thí đến từ Anh Quốc
& nhận những phần quà hấp dẫn!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sẽ ra sao khi thế giới quá coi trọng giáo dục STEM?

Tin tổng hợp 18.04.2025

Trong những năm gần đây, giáo dục STEM - viết tắt tiếng Anh của Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật [...]

Làm sao để giảm thiểu căng thẳng học đường?

Tin tổng hợp 16.04.2025

Hiện nay, khi kết quả học tập bị đánh đồng với thành công, áp lực đối với học inh khắp thế giới, đặc biệt [...]

Hiểu về lừa đảo trực tuyến trong bối cảnh thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng

Tin tổng hợp 15.04.2025

Trong thời đại khoa học kĩ thuật bùng nổ, tội phạm trực tuyến, trong đó có lừa đảo trực tuyến, đã trở thành [...]
Previous Next

Đăng ký tư vấn ngay!