Internet đã thay đổi cách học tập của học sinh, mang lại lượng thông tin khổng lồ chỉ với một cú click chuột. Nhưng đi kèm với đó là những rủi ro lớn. Tin giả, thuyết âm mưu và tư tưởng độc hại đang len lỏi vào tâm trí các bạn trẻ theo cách mà trước đây không ai tưởng tượng được. Theo một nghiên cứu năm 2022 của Pew Research Center, có đến 64% thanh thiếu niên thường xuyên gặp phải thông tin sai lệch trên mạng và nhiều em không biết cách phân biệt đúng sai.
Trong bối cảnh tin giả tràn lan, giáo viên chính là những người tuyến đầu trong trận chiến vì sự thật. Nhiệm vụ của họ không chỉ là truyền đạt các kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải trang bị cho học sinh khả năng đánh giá thông tin, nhận diện thiên vị và sử dụng Internet một cách an toàn. Nhưng làm sao để làm được điều đó?
Khi tin giả trở thành “cái bẫy” của học sinh
Theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, gần 55% giới trẻ dùng TikTok, Instagram và YouTube để cập nhật tin tức nhưng vấn đề là các nền tảng này không ưu tiên độ chính xác mà chỉ quan tâm đến sự tương tác. Điều này khiến những nội dung giật gân, sai lệch hoặc thậm chí là bịa đặt có cơ hội lan truyền mạnh mẽ.
*Nguồn ảnh: Tỉnh uỷ Tây Ninh*
Hãy lấy ví dụ về làn sóng phản đối vắc-xin trong đại dịch COVID-19. Không ít học sinh tin vào những thông tin sai lệch về vắc-xin trên mạng xã hội, dẫn đến sự hoài nghi và do dự trong việc tiêm chủng. Một câu chuyện khác là niềm tin rằng “Trái Đất phẳng” – một thuyết hoang đường được nhiều bạn trẻ tiếp cận qua YouTube, TikTok được lan truyền mà không cần có sự kiểm chứng.
Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội cũng có thuật toán ưu tiên những nội dung mà người dùng dễ bị thu hút, khiến học sinh vô tình bị “giam lỏng” trong “bong bóng thông tin” (tiếng Anh: information bubble). Khi liên tục tiếp xúc với một loại nội dung mà không có sự kiểm chứng đa chiều, các em dễ hình thành nhận thức sai lệch, cản trở khả năng tư duy phản biện.
Không chỉ tin giả, học sinh còn dễ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng cực đoan trên mạng. Trung tâm Chống lại sự căm ghét kỹ thuật số (Center for Countering Digital Hate) cho biết các nhóm cực đoan đang lợi dụng thuật toán mạng xã hội để tiếp cận đối tượng trẻ tuổi. Từ những nội dung mang tính tuyên truyền chính trị đến những tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế, tất cả đều có thể tác động tiêu cực đến nhận thức của học sinh. Theo Viện Brookings, các diễn đàn cổ xúy tư tưởng bài trừ nhóm thiểu số và gia tăng bạo lực đã khiến nhiều thanh niên bị cực đoan hóa, gây ra những hệ lụy đáng báo động trong đời thực. Giáo viên ngày nay không chỉ dạy kiến thức, mà còn phải giúp học sinh có khả năng chống lại những tư tưởng độc hại này.
Giáo viên có thể làm gì?
Các chuyên gia cho rằng giáo dục là vũ khí mạnh nhất chống lại tin giả. Theo Giáo sư Sam Wineburg (Đại học Stanford), “Học sinh không tự nhiên biết cách đánh giá nguồn tin trên mạng. Các trường học phải dạy các em tư duy như những người kiểm chứng thông tin”.
Phần Lan là một trong những nước đi đầu về giáo dục truyền thông số. Tại đây, học sinh được dạy cách nhận diện tin giả, kiểm tra chéo nguồn tin và hiểu về sự thiên vị của truyền thông. Kết quả là Phần Lan liên tục đứng đầu Chỉ số Nhận thức Truyền thông châu Âu về khả năng chống tin giả.
Muốn học sinh rèn tư duy phản biện, giáo viên có thể yêu cầu các em phân tích những tin tức lan truyền trên mạng, so sánh nguồn tin từ nhiều báo khác nhau hoặc nghiên cứu các vụ việc tin giả nổi tiếng trong lịch sử. Một nghiên cứu của RAND Corporation cho thấy những học sinh tham gia các bài tập kiểm tra thông tin có khả năng nhận diện tiêu đề sai lệch cao hơn 26% so với những học sinh không được rèn luyện kỹ năng này.
*Nguồn ảnh: IDJ group*
Một phương pháp hiệu quả khác là sử dụng trò chơi giáo dục để dạy học sinh về tin giả. Chẳng hạn, trò chơi “Bad News” do các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge phát triển đã giúp học sinh hiểu cách tin giả được tạo ra và lan truyền, từ đó nâng cao khả năng nhận diện nội dung sai lệch.
Các trường học cũng cần xây dựng văn hóa sử dụng Internet có đạo đức. Học sinh phải hiểu rằng trung thực trong học tập là điều quan trọng, đạo văn là không thể chấp nhận và bắt nạt trên mạng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ở Anh, nhiều trường hợp tác với Childnet International để tổ chức các hội thảo về sử dụng Internet an toàn. Kết quả là nhận thức của học sinh về rủi ro trên mạng đã được cải thiện đáng kể.
Giáo viên không thể tự mình chống lại tin giả – sự đồng hành của phụ huynh là vô cùng quan trọng. Theo nghiên cứu từ Common Sense Media, trẻ em có cha mẹ thường xuyên trao đổi về an toàn mạng có tỷ lệ mắc bẫy tin giả thấp hơn 45% so với những em không được hướng dẫn. Các trường nên tổ chức các buổi hội thảo giúp phụ huynh hiểu rõ về thói quen sử dụng mạng của con em mình và cách bảo vệ các em trước những thông tin sai lệch.
Hướng đi nào cho tương lai?
Tin giả không mất đi, nó ngày càng tinh vi hơn. Vì thế, giáo dục cũng phải không ngừng tiến hóa. Chính phủ cần đẩy mạnh chương trình dạy kỹ năng số, đầu tư đào tạo giáo viên và yêu cầu các công ty công nghệ có trách nhiệm hơn trong việc ngăn chặn nội dung độc hại. Dù Google và Meta đã bắt đầu triển khai các công cụ kiểm chứng thông tin, nhưng những biện pháp này vẫn chưa đủ nếu không có sự thay đổi từ hệ thống giáo dục.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích báo chí chính thống tiếp cận học sinh, chẳng hạn như cung cấp tài khoản miễn phí cho các tờ báo lớn hoặc đưa môn báo chí vào chương trình học. Khi học sinh có thói quen tiếp cận thông tin từ các nguồn tin cậy, khả năng bị thao túng bởi tin giả sẽ giảm đáng kể.
Mục tiêu không phải là cấm học sinh dùng Internet, mà là giúp các em biết cách sử dụng nó một cách thông minh và có trách nhiệm. Nếu giáo viên có thể giúp học sinh rèn luyện tư duy phản biện, nhận thức đạo đức và sự tỉnh táo trước thông tin, các em sẽ có khả năng tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy trên không gian mạng. Và đó mới chính là cách để đào tạo một thế hệ công dân số vững vàng và sáng suốt.