Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phức tạp và chi tiêu cá nhân có ảnh hưởng sâu rộng đến chất lượng cuộc sống, việc trang bị cho học sinh kỹ năng quản lý tài chính khoa học không chỉ là cần thiết mà còn cấp bách. Giáo dục tài chính không chỉ giúp các em đưa ra quyết định sáng suốt mà còn xây dựng nền tảng cho sự ổn định kinh tế lâu dài trong tương lai.
Hiểu biết tài chính là viên gạch đầu tiên
Giáo dục tài chính hiệu quả cần bắt đầu từ những kiến thức cơ bản như phân biệt thu nhập và chi tiêu, nhu cầu và mong muốn, cách lập ngân sách, vai trò của tiết kiệm và đầu tư, cũng như các khái niệm về lãi suất và chi phí cơ hội.
*Nguồn ảnh: Nghiên cứu khoa học – Tạp chí Công Thương*
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy mặc dù giáo dục tài chính đã được đưa vào chương trình học từ hơn 10 năm qua, nhưng phần lớn học sinh vẫn cảm thấy thiếu kỹ năng quản lý tiền bạc trong thực tế. Tình trạng này tương tự ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, khi kỹ năng tài chính chưa được chú trọng đúng mức trong giáo dục phổ thông.
Khái niệm “chi tiêu khoa học” nghĩa là đưa ra các quyết định tài chính dựa trên dữ liệu và suy luận logic. Học sinh cần được hướng dẫn cách phân tích mẫu hình chi tiêu cá nhân, thiết lập mục tiêu tài chính theo tiêu chí SMART (viết tắt của các từ tiếng Anh: specific, measurable, achievable, realistic và timely – có nghĩa là cụ thể, đo lường được, khả thi, thực tế và đúng lúc), cũng như đánh giá các phương án mua sắm dựa trên phân tích chi phí – lợi ích.
Chẳng hạn, thay vì mua một chiếc điện thoại mới theo trào lưu, các em sẽ học cách cân nhắc giữa nhu cầu thực tế, ngân sách hiện có và các lựa chọn thay thế hợp lý hơn.
Thực hành là chìa khóa
Việc áp dụng lý thuyết vào thực tế sẽ giúp học sinh thấm nhuần tư duy tài chính. Thông qua các hoạt động như mô phỏng ngân sách cá nhân, theo dõi chi tiêu thực tế hàng tháng, hoặc lập kế hoạch tiết kiệm cho một mục tiêu cụ thể (chẳng hạn một chuyến đi học tập), học sinh không chỉ học mà còn thực hành, rút kinh nghiệm từ chính hành vi của mình.
Theo tổ chức ChooseFI Foundation (Mỹ), 73% thanh thiếu niên mong muốn được học thêm về quản lý tài chính cá nhân – một con số cho thấy nhu cầu rõ rệt trong giới trẻ.
Một cách tiếp cận hiệu quả là sử dụng chính phương pháp khoa học: đặt câu hỏi, nghiên cứu, đưa ra giả thuyết, thử nghiệm, phân tích kết quả và rút ra kết luận. Ví dụ, học sinh có thể thử thay thế thói quen ăn ngoài bằng việc tự nấu ăn trong một tháng để xem liệu cách này có giúp tiết kiệm được nhiều hơn hay không. Quá trình này vừa rèn luyện tư duy logic, vừa giúp xây dựng thói quen tài chính lành mạnh.
Câu chuyện thành công và cả những bài học thất bại trong quản lý tài chính là những tài liệu sống động giúp học sinh dễ tiếp thu. Ở Úc, chương trình “Budget Like a Boss” dành cho học sinh người bản địa đã chứng minh được hiệu quả khi các em tham gia đều thể hiện sự tiến bộ rõ rệt trong kỹ năng lập kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm.
Việc trao đổi về tiền bạc vẫn còn là một việc tế nhị, một điều kiêng kị trong nhiều gia đình và trường học. Tuy nhiên, nghiên cứu từ Đại học Georgia (Mỹ) cho thấy học sinh thường xuyên trò chuyện về tài chính với bạn bè và cha mẹ có mức độ hiểu biết tài chính cao hơn hẳn. Vì vậy, tạo điều kiện để học sinh cùng học, cùng chia sẻ và phản biện lẫn nhau là điều cần được khuyến khích trong môi trường giáo dục.
Ngoài ra, một kỹ năng quan trọng khác là chi tiêu có mục đích rõ ràng. Giáo viên nên khuyến khích học sinh suy nghĩ kỹ trước khi mua một món đồ bằng cách đặt câu hỏi: Liệu món đồ đó có thực sự cần thiết và có thể sử dụng lâu dài hay chỉ là sự yêu thích nhất thời?
Việc thực hành trì hoãn sự ham muốn, chẳng hạn bằng cách để dành tiền vài tuần trước khi mua một món đồ. Đây cũng là cách hiệu quả để rèn luyện tính kỷ luật tài chính.
Sử dụng công nghệ để hỗ trợ
Các ứng dụng học tài chính hiện đại, từ phần mềm mô phỏng đầu tư chứng khoán đến trò chơi quản lý ngân sách, đang giúp học sinh tiếp cận kiến thức tài chính một cách sinh động. Tại Phần Lan, chương trình giáo dục “Yrityskylä” cho phép học sinh lớp 6 tham gia mô hình kinh doanh giả lập, giúp các em hiểu rõ vai trò của người tiêu dùng, doanh nhân và người lao động trong nền kinh tế.
*Nguồn ảnh: Tạp chí Tài chính*
Giáo dục tài chính sẽ không hiệu quả nếu chỉ giới hạn trong lớp học. Cha mẹ cần tham gia vào quá trình này thông qua việc minh bạch ngân sách gia đình, hướng dẫn con em tiết kiệm hoặc quản lý tiền tiêu vặt. Đồng thời, các tổ chức cộng đồng cũng có thể tổ chức hội thảo, chương trình cố vấn hoặc hoạt động gây quỹ để học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế.
Một phần không thể thiếu trong giáo dục tài chính hiện đại là kiến thức về kinh tế số. Học sinh cần được dạy cách sử dụng ngân hàng số, ví điện tử, phân biệt các loại hình thanh toán trực tuyến và cảnh giác với lừa đảo tài chính. Theo báo cáo của UK Finance (2023), hơn 40% các vụ lừa đảo tài chính tại Anh có nguồn gốc từ nền tảng trực tuyến – một hồi chuông cảnh tỉnh về sự cần thiết của kỹ năng phòng ngừa rủi ro tài chính kỹ thuật số.
Giáo dục học sinh về quản lý chi tiêu khoa học không chỉ là truyền đạt kiến thức mà là quá trình xây dựng tư duy, thói quen và giá trị sống. Khi được tiếp cận bài bản và toàn diện, học sinh sẽ không chỉ học cách quản lý tiền mà còn học cách quản lý chính mình. Từ đó góp phần tạo dựng một thế hệ tự tin, bản lĩnh và sẵn sàng đối mặt với những thử thách kinh tế trong tương lai.