Nghe có vẻ xa lạ và khó hiểu nhưng thật ra ái kỷ tiêu cực luôn xuất hiện đâu đó xung quanh chúng ta. Chúng ta đều từng ít nhất một lần nghe tới ái kỷ, nhưng nhiều người lại không có đầy đủ kiến thức về nó. Đây chẳng phải chuyện ai đó đơn giản quá yêu bản thân họ mà là cả một cơ chế tâm lý phức tạp mà từ đó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tập thể nếu không được nhận diện và kiểm soát đúng cách. Trong bài viết hôm nay, xin hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về ái kỷ, ái kỷ tiêu cực và ái kỷ tiêu cực trong học đường.
Ái kỷ là gì?
Ái kỷ (tiếng Anh: narcissism) là một thuật ngữ bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp, với câu chuyện chàng Narcissus trẻ tuổi nổi tiếng với vẻ ngoài cuốn hút phải lòng với hình ảnh của chính mình dưới một hồ nước để rồi gục chết bên bờ vì tình yêu không thể được đáp lại.
*Nguồn ảnh: Pharmacity*
Khái niệm ái kỷ có thể được hiểu nhanh là hiện tượng một người tự yêu bản thân một cách quá mức, có xu hướng phóng đại cái “tôi” trong đa số tình huống. Những người ái kỷ thường xuyên hay thậm chí luôn luôn có cảm giác mình là người quan trọng, họ có nhu cầu được ngưỡng mộ sâu sắc và thường cảm thấy khó hoặc không thấy cần thiết để quan tâm tới các vấn đề của người khác.
Trên thực tế, bất cứ ai cũng có thể có đặc điểm tính cách này, tuy nhiên mức độ lại không giống nhau. Người ta thường phân chia các mức độ ái kỷ từ mức lành mạnh tới mức cực đoan. Khi trở nên cực đoan, một người ái kỷ có thể bị rối loạn “nhân cách tự luyến” (tiếng Anh: narcissistic personality disorder, NPD).
Cần phân biệt ái kỷ và tự tin!
Trong khi tự tin là niềm tin vào khả năng của mình có cơ sở thực tế thì ái kỷ là là “niềm tin phóng đại” của một người vào chính mình vì có cảm giác tự tôn quá mức hay còn được gọi là ảo tưởng. Những người tự tin sẽ nhận ra điểm mạnh của mình mà không phủ nhận điểm yếu, họ có thể chấp nhận phản hồi và họ không cần phải làm lu mờ người khác để tỏa sáng. Còn những người ái kỷ luôn không chấp nhận những lời chỉ trích vì lo lắng cái “tôi” bị hạ xuống, họ khao khát sự ngưỡng mộ liên tục và thường có xu hướng hạ thấp người khác để tạo cảm giác vượt trội cho bản thân.
Một người tự tin có thể nói: “Tôi có kiến thức, kinh nghiệm và đã chuẩn bị tốt, tôi thấy mình sẵn sàng để làm việc này, và dù cho tôi có không làm tốt như mình mong muốn, tôi sẽ học hỏi từ sai lầm này một cách nghiêm túc.” Nhưng một người ái kỷ sẽ không chấp nhận như vậy: “Tôi là người giỏi nhất và những việc tôi làm xuất sắc hơn bất cứ ai trong bọn họ. Dù có muốn hay không, họ phải chấp nhận rằng tôi nổi bật và giỏi giang hơn”.
Ái kỷ tiêu cực trong học đường
Thường thì mọi người sẽ nghĩ ái kỷ rất dễ nhận biết, tuy nhiên, nó lại không đơn giản như vậy. Có một dạng ái kỷ không ồn ào, không khoe mẽ, ít thể hiện gọi là ái kỷ tiêu cực. Người ái kỷ tiêu cực không cần “spotlight” nhưng họ vẫn có nhu cầu được công nhận quá mức, họ ngại thể hiện nhu cầu này vì bên trong có nhiều tổn thương và sự bất an khó kiểm soát thường trực.
Những người này thường có xu hướng hay tự so sánh, dễ cảm thấy tủi thân hay khó chịu khi người khác, đặc biệt là những người họ cho rằng không bằng mình được khen ngợi hay đạt được thành tựu nào đó. Họ cũng thường có xu hướng cường điệu hoá lỗi sai của người khác, đổ lỗi cho người khác, không công nhận mình sai hay có lỗi và thường tự coi mình là nạn nhân, đang phải chịu bất công. Chính vì những cách thể hiện có vẻ không rõ ràng, ái kỷ tiêu cực rất dễ bị bỏ qua hoặc hiểu sai.
Những tưởng trong môi trường học đường, nơi học sinh được tạo mọi điều kiện để phát triển bản thân một cách lành mạnh nhất, trên thực tế lại rất dễ xuất hiện ái kỷ tiêu cực. Nguyên nhân chính được cho là do áp lực học đường. Có một sự thật là trường học ngày nay có quá nhiều yếu tố gây áp lực lên học sinh. Điểm số, thành tích, kỳ vọng từ gia đình và xã hội khiến cho trẻ em lớn lên với cảm giác mình “phải giỏi”, “phải nổi bật”, “phải được công nhận”.
Thói quen so sánh, tự so sánh được hình thành và có điều kiện lặp đi lặp lại bởi chính bản thân, gia đình, trường học, xã hội khiến cho học sinh dễ hình thành xu hướng soi xét, cường điệu hoá các đặc điểm không vừa ý ở người khác, đề cao các đặc điểm bản thân, chối bỏ trách nhiệm, sợ nhận sai và thường tự kỉ ám thị rằng “mình thật đáng thương” để bảo vệ chính mình. Dù là cơ chế phòng vệ tự nhiên nhưng nếu không được kiểm soát và điều chỉnh, những suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ với bạn bè, với thầy cô và cả sự phát triển tâm lý lâu dài.
Để cụ thể hơn, bạn thử tưởng tượng vài tình huống sau: Một bạn luôn nghĩ “giá mà nhóm không có tụi kia thì mình đã được điểm cao hơn”, mặc dù chưa chắc lý do là vậy. Hay một bạn khác nói xa nói gần để phê bình một bạn nào đó nhằm khẳng định năng lực bản thân (nhưng ngoài mặt vẫn cư xử tử tế). Hay một bạn khác nữa thấy mình được xếp làm việc nhóm cùng các bạn học không giỏi, không chăm chỉ liền tỏ vẻ khó chịu và bắt đầu lan truyền tin mình bị đối xử bất công.
Và xin đừng quên là không chỉ học sinh mới có biểu hiện này! Các giáo viên, thậm chí là những cán bộ quản lý cũng có thể có những biểu hiện tương tự: không nhận góp ý, cạnh tranh ngầm, tự đẩy mình lên bằng cách hạ người khác xuống. Đây là những biểu hiện rõ ràng nhất cho ái kỷ tiêu cực.
Vậy chúng ta phải làm sao?
Điều đầu tiên, là nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Ái kỷ tiêu cực không phải lỗi của riêng ai mà thường bắt nguồn từ môi trường sống, cách nuôi dạy, và áp lực xã hội. Ví dụ, trẻ được khen ngợi quá mức hoặc bị so sánh liên tục có thể hình thành “cái tôi méo mó” để che giấu bất an. Thay vì đổ lỗi cá nhân, chúng ta cần xem xét gia đình, trường học, và xã hội để tìm giải pháp.
Điều thứ hai, là giúp các em kiểm soát tốt cảm xúc. Học sinh cần học cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực, như ghen tị hay tự ti, để phát triển sự tự tin lành mạnh. Giáo viên cũng cần kỹ năng này để hướng dẫn học sinh và tránh tạo cạnh tranh không tích cực. Trường học nên lồng ghép giáo dục cảm xúc qua bài tập tình huống, thảo luận, hoặc hoạt động nhóm, giúp học sinh đồng cảm và hợp tác.
Thứ ba, là thay đổi cách khen thưởng và đánh giá. Việc chỉ khen học sinh đứng đầu dễ tạo văn hóa “chỉ một người xứng đáng”. Thay vào đó, hãy ghi nhận sự tiến bộ, tinh thần hợp tác, và khả năng nhận sai. Ví dụ, khen học sinh cải thiện điểm số hoặc giúp đỡ bạn bè sẽ khuyến khích nỗ lực và giảm áp lực cạnh tranh.
Cuối cùng, phụ huynh đóng vai trò quan trọng. Lời khen đúng cách và sự hỗ trợ tinh thần từ phụ huynh giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng. Ví dụ, thay vì nói “con giỏi nhất”, hãy nói “ba mẹ tự hào vì con đã cố gắng”. Phụ huynh cũng nên làm gương, lắng nghe trẻ, và phối hợp với trường để hỗ trợ phát triển cảm xúc của con.
Dĩ nhiên là chúng ta chẳng thể mong đợi ái kỷ tiêu cực biến mất. Nhưng nếu mỗi chúng ta bắt đầu để ý nhiều hơn, tập đặt câu hỏi nhiều hơn rằng liệu mình có đang trở nên ái kỷ tiêu cực thì đó đã là bước đầu vô cùng quan trọng rồi. Chỉ có cùng nhau xây dựng một môi trường học tập mà bất cứ ai được phép phát triển tích cực nhưng vẫn là chính mình – không cần phải hoàn hảo, không cần phải chiến thắng ai, chỉ cần mỗi ngày tiến lên một chút – một nơi mà bất cứ một sự thất bại nào cũng không phải chuyện xấu hổ mà được xem là một phần của quá trình trưởng thành.