Cách dạy học sinh kỹ năng lãnh đạo hiệu quả

Kỹ năng lãnh đạo không phải là một khái niệm trừu tượng chỉ dành cho thủ tướng hay giám đốc điều hành. Đó là một kỹ năng thực tế, cần thiết trong cả môi trường học đường lẫn cuộc sống hằng ngày. Vấn đề là làm thế nào để dạy kỹ năng đó một cách hiệu quả. 

*Nguồn ảnh: Pennschool*

Một tin khá bất ngờ là học sinh lại có tiềm năng trở thành những nhà lãnh đạo chu đáo và hiệu quả hơn nhiều người tưởng. Một tin khác không mấy vui là các em cũng rất tinh ý trong việc nhận ra khi nào một “hoạt động vui” thực chất chỉ là một bài giảng trên lớp. Vì vậy, để dạy kỹ năng lãnh đạo một cách hiệu quả, chúng ta cần tinh tế, sáng tạo và quan trọng nhất là tránh sự giáo điều, khô khan.

Hãy cùng khám phá nghệ thuật giảng dạy kỹ năng lãnh đạo một cách sống động, thực tế và đủ hấp dẫn để giữ học sinh tỉnh táo.

  1. Dạy bằng những tấm gương

Trước hết, nếu bạn muốn học sinh cư xử như những nhà lãnh đạo, bạn cần là hình mẫu đáng tin cậy. Bởi lẽ, học sinh có thể không luôn lắng nghe lời bạn nói nhưng chắc chắn sẽ quan sát những gì bạn làm: cách bạn xử lý tình huống, cách bạn đối thoại, cách bạn thừa nhận sai sót và cách bạn giải quyết bất đồng. Bạn chính là tấm gương lãnh đạo đầu tiên và rõ ràng nhất đối với các em.

Hãy sống đúng với điều bạn giảng dạy. Công bằng nhưng kiên quyết, khiêm tốn nhưng tự tin. Hãy cho các em thấy rằng lãnh đạo không phải là ra lệnh từ một “ngai vàng” làm bằng giấy in bài tập, mà là phục vụ, xây dựng lòng tin và kiên định.

Cũng đừng ngại cho các em thấy mặt “đời” của bạn. Hãy thừa nhận khi bạn mắc lỗi, biết tự cười chính mình và giữ vững quan điểm khi cần thiết. Học sinh sẽ tin tưởng và sẵn sàng đi theo một người chân thực hơn là một hình mẫu hoàn hảo đến vô lý.

Một câu chuyện truyền cảm hứng luôn có sức mạnh lớn. Từ Rosa Parks, Malala Yousafzai đến Marcus Rashford, hoặc một học sinh trong trường từng biến câu lạc bộ ăn trưa thành chiến dịch quyên góp – những ví dụ thực tế về lãnh đạo có thể khơi gợi tinh thần chủ động ở học sinh.

Hãy chia sẻ video, sách, hoặc mời khách mời đến chia sẻ kinh nghiệm. Cựu học sinh, doanh nhân địa phương, nhà hoạt động xã hội hay phụ huynh có câu chuyện thú vị đều có thể mang đến góc nhìn sâu sắc. Tốt hơn nữa, hãy tôn vinh những tấm gương lãnh đạo trong chính cộng đồng trường học: một học sinh giúp bạn mới hòa nhập, một nhóm tổ chức dọn dẹp sân trường. Hãy làm cho khái niệm lãnh đạo trở nên gần gũi, dễ hiểu và có thể chạm tới.

  1. Trang bị các kỹ năng lãnh đạo cốt lõi

Sau khi bạn đã cho học sinh thấy một hình mẫu tích cực, đã đến lúc giúp các em hiểu rằng lãnh đạo không phải là một tài năng bẩm sinh mà là một tập hợp kỹ năng có thể học được.

  • Giao tiếp: Dạy học sinh cách diễn đạt rõ ràng, lắng nghe tích cực và ứng xử khéo léo trong những cuộc đối thoại khó khăn. Trò chơi nhập vai, tranh luận và phỏng vấn giả lập là những phương pháp hiệu quả.
  • Giải quyết vấn đề: Đưa ra những tình huống thực tế hoặc giả định và để học sinh làm việc nhóm để tìm giải pháp. Càng sáng tạo càng tốt, ví dụ như cách giải cứu chuột lang trong lớp trong một ngày tận thế giả tưởng.
  • Làm việc nhóm: Dạy các em sự khác biệt giữa làm việc với ai đó và chỉ đơn thuần làm việc cạnh họ. Khuyến khích xây dựng đồng thuận, giải quyết mâu thuẫn và đánh giá cao sự đa dạng quan điểm.
  • Trách nhiệm: Giúp học sinh học cách chịu trách nhiệm về quyết định của mình dù là đúng, sai hay chưa rõ ràng. Bài tập phản hồi, suy ngẫm sau hoạt động là công cụ rất hữu ích (sẽ nói thêm ở phần sau).

Mục tiêu là để học sinh hiểu rằng lãnh đạo không phải là người lớn tiếng nhất trong phòng mà là người đủ phẩm chất để dẫn dắt người khác.

  1. Tạo điều kiện để thực hành

Không ai học được cách lãnh đạo chỉ từ sách giáo khoa. Hãy tạo ra những cơ hội thực tế, an toàn và có định hướng để học sinh thực hành. Cố gắng để các em cảm thấy làm việc nhóm là một khởi đầu tuyệt vời (miễn là được tổ chức, quản lý hợp lý). Cho học sinh luân phiên giữ vai trò “quản lý dự án” trong các hoạt động nhóm và làm rõ rằng vai trò lãnh đạo là hỗ trợ, điều phối và đảm bảo nhóm hoàn thành nhiệm vụ (không phải điều hành như một ông chủ).

Tốt hơn nữa, để các em tham gia vào việc lập kế hoạch bài học, tổ chức sự kiện hoặc điều hành chiến dịch học đường. Khi được trao quyền và trách nhiệm thực tế, các em sẽ cảm thấy có động lực hơn và thể hiện được năng lực lãnh đạo rõ ràng hơn.

Dĩ nhiên, những trải nghiệm này cần được theo dõi một cách tinh tế và đương nhiên là đừng can thiệp quá mức. Hãy để các em thử, sai và tự rút kinh nghiệm. Đó chính là cách học thực thụ.

  1. Khuyến khích suy ngẫm sau mỗi trải nghiệm

Sự học không nằm ở chính trải nghiệm mà nằm ở việc suy ngẫm về nó. Đây chính là nơi kỹ năng lãnh đạo được nuôi dưỡng bền vững. Sau mỗi hoạt động, dù là bài thuyết trình, điều hành câu lạc bộ hay tổ chức sự kiện cũng hãy để học sinh tự đánh giá xem điều gì mình đã làm tốt, điều gì chưa; bài học kinh nghiệm là gì; cách giải quyết ra sao; v.v.. Có thể áp dụng hình thức ghi chép nhanh, thảo luận nhóm nhỏ hoặc biểu mẫu phản hồi mà học sinh tự xây dựng. Suy ngẫm giúp phát triển tư duy phản biện, hiểu rõ hơn về bản thân và nhìn thấy ảnh hưởng của mình đến người khác. Quan trọng hơn cả, nó giúp học sinh hiểu rằng sai lầm không phải là thất bại mà là một phần tự nhiên của quá trình trưởng thành.

  1. Tạo cơ hội lãnh đạo ngoài lớp học

Dẫn dắt một bài tập nhóm là một chuyện. Đứng lên tổ chức một buổi gây quỹ hoặc phát động một chiến dịch vì cộng đồng là chuyện khác và là những trải nghiệm quý giá để học sinh phát triển khả năng lãnh đạo trong môi trường thực tế. Tìm những cơ hội vượt ra ngoài lớp học: hội đồng học sinh, câu lạc bộ thiện nguyện, cố vấn đồng trang lứa, đội trưởng thể thao, dự án môi trường, các hoạt động cộng đồng… đều là những lựa chọn lý tưởng.

Và đừng chỉ tập trung vào những gương mặt năng động. Hãy tìm đến những học sinh ít nói, những em chưa từng nghĩ mình có thể lãnh đạo. Chính họ có thể sẽ tạo ra sự bất ngờ lớn nhất nếu được trao cơ hội. Hãy để mỗi em lãnh đạo theo cách phù hợp với cá tính riêng dù là người tổ chức âm thầm, người truyền cảm hứng, người lắng nghe kiên nhẫn hay người định hướng chiến lược. Không có “khuôn mẫu” duy nhất cho nhà lãnh đạo.

  1. Cho phép sai lầm xảy ra trong tầm kiểm soát và phải thật an toàn

Đây là phần khó khăn. Là giáo viên, chúng ta có xu hướng muốn can thiệp để “cứu” học sinh khỏi sai sót. Nhưng để dạy lãnh đạo, đôi khi bạn cần để các em phạm phải sai lầm. Hãy để học sinh mắc lỗi trong một buổi thuyết trình, lên kế hoạch một sự kiện không có ai tham gia hoặc giao sai việc trong nhóm. Sau đó, cùng các em xem xét lại điều gì đã xảy ra và làm thế nào để cải thiện lần sau.

Nếu được hướng dẫn đúng cách, thất bại chính là người thầy tốt nhất. Sự tự tin thực sự đến từ việc vượt qua sai lầm chứ không phải từ việc tránh né nó. Vì vậy, hãy xây dựng một văn hóa lớp học nơi học sinh được phép thử, sai và học lại. Đó chính là môi trường để phát triển sự can đảm.

Cuối cùng, việc dạy kỹ năng lãnh đạo không phải là đào tạo các nhà quản lý tương lai. Mà là giúp những người trẻ nhận ra sức mạnh bên trong họ: dám lên tiếng, dám chủ động và biết nâng đỡ người khác. Đâu đó trong lớp học của bạn, biết đâu có một học sinh sẽ tạo nên sự thay đổi. Và em ấy sẽ nhớ mãi người thầy, người cô từng trao cho mình không chỉ cơ hội mà còn cả niềm tin, động lực để biến những khát khao tốt đẹp trở thành hiện thực. 

 

Tải xuống MIỄN PHÍ ngay
Bộ tài liệu học tốt tiếng Anh độc quyền của Language Link Academic (cập nhật 2020)!

Kiểm tra tiếng Anh miễn phí ngay cùng chuyên gia khảo thí đến từ Anh Quốc
& nhận những phần quà hấp dẫn!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Làm gì để hết tự nghi ngờ?

Tin tổng hợp 28.05.2025

“Suy nghĩ quá nhiều” (cả nghĩ) hay phổ biến trong giới trẻ với từ tiếng Anh “overthinking” trở thành thói quen xấu [...]

Ái kỷ tiêu cực trong học đường

Tin tổng hợp 27.05.2025

Nghe có vẻ xa lạ và khó hiểu nhưng thật ra ái kỷ tiêu cực luôn xuất hiện đâu đó xung quanh chúng ta Chúng ta đều [...]

Vì sao lịch sử mang màu sắc chính trị

Tin tổng hợp 27.05.2025

Về lý mà nói, lịch ử ẽ là bản ghi chép khách quan về các ự kiện của loài người Tuy nhiên, trên thực tế, nó [...]
Previous Next

Đăng ký tư vấn ngay!