Trước đây, ở thời điểm mới tập tành tìm hiểu về IELTS, bản thân mình cảm thấy vô cùng hoang mang và lo lắng. Mình không biết bắt đầu từ đâu, lựa chọn tài liệu nào, phương pháp học ra sao để có đạt được mục tiêu của bản thân. Chắc hẳn đây cũng là mối băn khoăn của nhiều “sĩ tử” trong thời điểm mới “chập chững” làm quen với IELTS. Do vậy, bài viết này sẽ giúp bạn giải tỏa được mối lo lắng đó bằng cách cung cấp chi tiết các bước học IELTS cho người mới bắt đầu.
I. Bước 1: Chuẩn bị nền tảng học IELTS cho người mới bắt đầu
Khi bắt tay vào việc ôn luyện IELTS, đừng vội vàng tải một loạt các đề thi tham khảo, “cày” các cuốn sách riêng biệt cho từng kỹ năng hay học một đống từ trong các bài viết mẫu. Dù bạn có cố gắng nhồi nhét thật nhiều từ vựng hay học thuộc các bí quyết làm bài thì điều đó cũng trở nên vô ích tại thời điểm này.
Hãy giữ vững phương châm: Chậm mà chắc. Đừng biến mình thành một con vẹt, vì IELTS không phải là bài kiểm tra trí nhớ. Việc bạn lựa chọn thi IELTS chứng tỏ rằng bạn mong muốn chứng minh việc sử dụng ngôn ngữ thành thạo của bản thân mình.
Do đó, hãy xây dựng một nền tảng thật vững chắc bằng các thói quen đơn giản dưới đây:
- Sử dụng từ điển uy tín: Từ vựng là một trong các nhân tố vô cùng quan trọng trong bài thi IELTS. Bạn không chỉ cần sử dụng đa dạng các từ vựng mà còn phải sử dụng từ một cách chính xác và phù hợp. Hãy cố gắng từ bỏ dần thói quen tra từ điển Anh Việt, thay thế bằng các từ điển Anh – Anh uy tín như từ điển của Cambridge, Oxford, … (các từ điển này đều có bản cứng và dạng online nên đều rất thuận tiện).
- Sử dụng tiếng Anh thường xuyên nhất có thể:
- Tập thói quen nghe nhạc tiếng Anh. Nếu có nhiều thời gian rảnh hơn nữa, bạn có thể tập cho mình việc học thuộc lời các bài hát và hát theo. Đây là một cách khá hiệu quả để luyện Phát âm và luyện Nghe.
- Bên cạnh việc nghe nhạc, hãy bắt đầu xem phim có phụ đề tiếng Anh. Không chỉ kỹ năng Nghe, Nói mà Ngữ pháp của bạn cũng sẽ được cải thiện nhiều đấy.
- Ngoài ra, hãy tiếp xúc với ngoại ngữ thông qua việc đọc báo, đọc truyện, các tài liệu ngoại văn. Nếu chưa có nền tiếng anh vững hoặc từ vựng không dồi dào, hãy lựa chọn các tài liệu đơn giản, có thể là các cuốn truyện cho trẻ em, báo dành cho lứa tuổi thiếu niên, …
- Phát âm tiếng Anh thường xuyên: bạn có thể bắt đầu thói quen này bằng các việc làm đơn giản phía trên như hát tiếng Anh, đọc báo ra tiếng, … Khuyến khích các bạn tập nói trước gương vì điều này sẽ giúp bạn trở nên tự tin hơn nhiều. Ngoài ra, nếu có thể, hãy tìm cho mình một “partner” luyện nói tiếng Anh.
- Tìm hiểu về kỳ thi IELTS: có bao nhiêu phần? thời gian của mỗi phần thi? các dạng câu hỏi, dạng bài trong từng kỹ năng? yêu cầu của mỗi kỹ năng? … Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: “Cấu trúc đề thi IELTS từ A đến Z và Chi Tiết Về Thang Điểm IELTS Và Tiêu Chí Cho Một Bài Thi Đạt Điểm Cao” để nắm rõ hơn các thông tin này.
Về thời gian, không có bất cứ giới hạn nào về việc sử dụng tiếng Anh hằng ngày của bạn. Bạn sử dụng tiếng Anh càng nhiều, độ tự tin và thành thục về ngôn ngữ của bạn càng tốt. Hãy cố gắng tiếp xúc với tiếng Anh ít nhất 2 tiếng một ngày. Giai đoạn chuẩn bị nền tảng này có thể kéo dài từ 1 đến 2 tháng, tùy vào trình độ tiếng Anh của bạn lúc bắt đầu.
II. Bước 2: Tìm kiếm phương pháp học tập và chuẩn bị tài liệu học IELTS cho người mới bắt đầu
1. Tìm kiếm phương pháp học tập
Có rất nhiều cách thức để học IELTS cho người mới bắt đầu, tùy vào điều kiện và trình độ cá nhân mà bạn có thể lựa chọn cách thức phù hợp với bản thân.
Cách thức đầu tiên là luyện thi IELTS tại các trung tâm tiếng Anh. Khi luyện thi tại các trung tâm, bạn sẽ được kiểm tra trình độ xuyên suốt quá trình học, được hỗ trợ để xây dựng lộ trình học phù hợp với riêng bạn. Ngoài ra, bạn nhận được sự giúp đỡ và chỉ dạy từ rất nhiều người: giáo viên, trợ giảng và thậm chí là bạn cùng lớp học.
Bên cạnh đó, sức ép từ thầy cô cũng như việc phải chi trả một khoản tiền tương đối sẽ giúp bạn có động lực hơn trong việc ôn luyện IELTS. Tuy nhiên, khi học thi tại các trung tâm, bạn thật sự cần chủ động rất nhiều. Một lớp học không chỉ có một vài học sinh, thậm chí sĩ số có thể lên tới 15 hay 20 người.
Cách thức thứ hai là tự ôn thi IELTS tại nhà. Với cách thức này, bạn không cần phải chi trả một khoản phí khá lớn, ngoài ra còn linh hoạt về thời gian học tập. Bạn cũng có thể thư giãn bất cứ khi nào bạn muốn, không phải chờ hàng giờ tắc đường để đến lớp học hay những hôm mệt nhoài vẫn phải đi học vì sợ “mất bài”.
Tuy nhiên, để có thể tự học, bạn cần duy trì một quyết tâm thật lớn. Ngoài ra, việc sử dụng mạng để truy cập các tài liệu online đôi khi lại là “con dao hai lưỡi” khi thời gian bạn tự học thì ít, thời gian xem các nội dung không liên quan như xem phim, truy cập mạng xã hội, tán gẫu thì nhiều. Từ đó, thời gian để bạn đạt được mục tiêu của riêng mình sẽ bị rút ngắn đi.
Ngoài hai phương pháp học trên đây, bạn còn có thể học IELTS với gia sư 1 – 1, học trực tuyến 1 – 1 với giáo viên nước ngoài hay học cùng một “partner” của riêng mình.
Có thể thấy, mỗi cách thức học tập đều có ưu, nhược điểm riêng. Tùy vào điều kiện, trình độ và mục tiêu cá nhân, bạn có thể chọn cho mình cách thức ôn luyện IELTS phù hợp. Thậm chí, bạn có thể kết hợp nhiều cách thức lại, miễn sao bạn đảm bảo theo kịp lộ trình học của mình.
2. Chuẩn bị tài liệu học IELTS cho người mới bắt đầu
Thông thường, khi học IELTS tại các trung tâm hoặc thuê gia sư về kèm, bạn sẽ không cần tự chuẩn bị tài liệu. Giáo viên sẽ là người định hướng cũng như cung cấp cho bạn các đầu sách phù hợp. Tuy nhiên, nếu lựa chọn phương pháp tự học tại nhà, bạn sẽ phải tự tìm kiếm các đầu sách học IELTS cho bản thân.
III. Bước 3: Củng cố ngữ pháp và nâng cao từ vựng
Nếu có một nền tảng ngữ pháp tốt, việc cải thiện các kỹ năng IELTS trong giai đoạn sau này sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn nhiều. Có vô số chủ đề ngữ pháp trong tiếng Anh, nhưng trước hết, bạn cần quan tâm và nắm vững các chủ đề sau đây:
- Các thì thường gặp: Hiện tại đơn, Hiện tại tiếp diễn, Hiện tại hoàn thành, Quá khứ đơn, Quá khứ tiếp diễn, …
- Trạng từ: Trạng từ chỉ cách thức, Trạng từ chỉ nơi chốn, Trạng từ chỉ thời gian, Trạng từ chỉ tần suất, Trạng từ chỉ mức độ
- Giới từ: Giới từ chỉ nơi chốn, Giới từ chỉ thời gian, Giới từ chỉ phương hướng, Giới từ chỉ mục đích, ….
- Mệnh đề quan hệ: Dùng mệnh đề quan hệ với trạng từ, đại từ,
- Câu bị động
- Câu điều kiện
Từ vựng cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng, tương tự như ngữ pháp trong việc nâng cao band điểm cuối cùng của bạn. Việc học từ vựng cũng có rất nhiều cách thức, phương pháp cùng vô số các tài liệu học từ vựng cho các bạn beginners.
IV. Bước 4: Nâng cao từng kỹ năng học IELTS cho người mới bắt đầu
1. Listening
Với kỹ năng Nghe, ở giai đoạn này, bạn nên chú trọng vào việc rèn luyện các kỹ năng nhỏ như nghe chủ động, take notes, … để áp dụng cho bài thi Listening IELTS. Đọc kỹ các tips cho từng dạng câu hỏi trong bài nghe, khi nghe cố gắng chỉnh tốc độ lên 1.25 hoặc 1.5 để tăng cường khả năng tập trung.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: “Kinh nghiệm luyện Listening IELTS tại nhà đạt kết quả cao nhất” để có thêm nhiều phương pháp luyện Listening trong giai đoạn này.
2. Reading
Tương tự như Listening, với kỹ năng Đọc, bạn nên cố gắng nắm rõ các dạng bài cũng như các tips làm bài cho từng loại câu hỏi. Các kỹ năng nhỏ như đọc lấy ý chính, đọc lấy chi tiết, kỹ năng paraphrase, … cần được nâng cao và duy trì. Sau mỗi bài đọc, hãy lọc các từ mới để xây dựng vốn từ cho riêng mình.
3. Speaking
Với kỹ năng Nói, có ba yếu tố bạn cần xây dựng và duy trì trong quá trình ôn luyện: đảm bảo độ chính xác (ngữ pháp, phát âm, từ vựng, …), duy trì độ tự nhiên (các từ “rườm” được sử dụng thường xuyên, nói có ngữ điệu nhấn nhá) và nói một cách thú vị (các ý tưởng mới mẻ, khác lạ, …). Đây cũng chính là ba yếu tố chấm điểm quan trọng trong bài thi Speaking IELTS. Để duy trì các nhân tố này, bên cạnh việc tìm kiếm các tài liệu học nói phù hợp, bạn nên giữ thói quen học Speaking mỗi ngày. Khuyến khích bạn nên tìm thêm “partner” luyện nói cùng để tăng độ phản xạ trước các câu hỏi.
Có thể đọc thêm bài viết: “Các tips giúp bạn chinh phục 7.0 Speaking IELTS chỉ trong 6 tháng” và “Tất tần tật những điều bạn cần biết về IELTS Speaking” để có được các “tips” học Speaking hiệu quả.
4. Writing
Trong 4 kỹ năng, Writing là kỹ năng khó ôn luyện nhất. Nó đòi hỏi tính chính xác và chuẩn mực cực kỳ cao, đây cũng là kỹ năng các “sĩ tử” thường lo lắng nhất khi bước vào phòng thi. IELTS Writing có rất nhiều dạng bài, mỗi dạng lại có các cách trả lời khác nhau. Ngoài ra, riêng với Writing Task 2, bạn không chỉ cần một văn phong sáng sủa, chính xác mà còn phải có hiểu biết nhất định để xây dựng ý tưởng cho bài viết và chứng minh các luận điểm của mình.
V. Bước 5: Luyện đề
Đây được coi là thời gian nước rút trong quá trình ôn luyện IELTS của bạn. Các kiến thức bạn ôn tập, tích lũy và nâng cao trước đó về ngữ pháp, từ vựng, các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết đều được vận dụng trong giai đoạn này.
Một số đầu sách luyện đề “cực chất” bạn có thể tham khảo như: bộ sách Cambridge English IELTS, IELTS Actual Test, IELTS Practice Test Plus, …
Ngoài ra, bạn có thể đọc thêm bài viết Đề thi IELTS – Tổng hợp các bộ đề thi thử IELTS mới nhất 2019 để cập nhập các đề thi IELTS mới nhất.
Khi luyện đề, hãy cố gắng căn chỉnh thời gian y như bài thi thật. Điều này giúp bạn tập quen với không khí trong phòng thi cũng như giảm bớt căng thẳng khi kỳ thi thật diễn ra.
Trước kỳ thi thật, bạn nên làm một bài thi đầy đủ 4 kỹ năng cuối cùng để đánh giá năng lực bản thân lần cuối (thường thì điểm bài thi thử gần nhất này cũng khá tương đồng với bài thi thật).
Bài viết trên đây đã hướng dẫn các bước quan trọng để học IELTS cho người mới bắt đầu. Hy vọng bạn sẽ tìm được các thông tin hữu ích từ các chia sẻ chi tiết, cụ thể và có được cách học IELTS phù hợp với bản thân.