Sự phát triển của Anh ngữ như một ngôn ngữ toàn cầu đã khiến việc dạy tiếng Anh trở thành ưu tiên hàng đầu ở nhiều quốc gia không nói tiếng Anh. Tiếng Anh hiện được coi là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế, kinh doanh và nghiên cứu học thuật. Điều này đã thúc đẩy nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy, thậm chí sử dụng ngôn ngữ này để dạy các môn như toán học, khoa học và lịch sử. Tuy nhiên, việc chuyển sang giảng dạy Anh ngữ cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tác động đối với ngôn ngữ và văn hóa bản địa. Để hiểu rõ vấn đề này, cần phải xem xét cả lợi ích, thách thức và các chiến lược giúp cả tiếng Anh và ngôn ngữ mẹ đẻ cùng phát triển trong quá trình giáo dục.
Tại sao nên khuyến khích giáo dục tiếng Anh?
Gia tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu và thu hút nhiều cơ hội kinh tế
Trình độ tiếng Anh đã trở thành yếu tố quan trọng trong việc tạo cơ hội kinh tế ở nhiều quốc gia không nói ngôn ngữ này. Theo Hội đồng Anh (British Council), khoảng 1,5 tỷ người trên toàn thế giới đang học Anh ngữ và đây là ngôn ngữ nước ngoài được dạy nhiều nhất. Ở các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản, việc học tiếng Anh được coi là vô cùng quan trọng, đến mức nhiều phụ huynh chi hàng nghìn đô la mỗi năm cho các khóa học tiếng Anh và các chương trình du học để con em mình được tiếp cận sớm.
Tại Việt Nam, một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, trình độ tiếng Anh được xem là yếu tố quan trọng giúp thăng tiến trong sự nghiệp. Một nghiên cứu của nền tảng tuyển dụng VietnamWorks cho thấy, các công việc yêu cầu trình độ tiếng Anh thường có mức lương cao hơn từ 30-50% so với các công việc không yêu cầu tiếng Anh. Nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong thương mại quốc tế và ngoại giao, chính phủ Việt Nam đã khởi xướng Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 với mục tiêu đảm bảo tất cả học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đều có khả năng giao tiếp thành thạo tiếng Anh.
Ngoài việc nâng cao cơ hội cá nhân, các quốc gia có trình độ tiếng Anh cao cũng thường thu hút được nhiều nguồn đầu tư nước ngoài. Theo Chỉ số thông thạo tiếng Anh (English Proficiency Index), các quốc gia như Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch luôn xếp hạng cao về trình độ Anh ngữ và cũng đứng đầu trong các chỉ số cạnh tranh toàn cầu. Điều này cho thấy, tiếng Anh không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn góp phần phát triển kinh tế quốc gia bằng cách thu hút các công ty đa quốc gia và thúc đẩy sự đổi mới.
Tạo điều kiện tiếp cận kiến thức và các tiến bộ khoa học
Dễ thấy tiếng Anh là ngôn ngữ chính của các nghiên cứu khoa học, tạp chí học thuật và đổi mới công nghệ. Trong các lĩnh vực như y học, kỹ thuật và khoa học máy tính, gần 80% các ấn phẩm học thuật đều được viết bằng ngôn ngữ này. Điều này có nghĩa là sinh viên và các chuyên gia không có khả năng tiếng Anh có thể bị tụt hậu trong nền kinh tế tri thức toàn cầu đang phát triển nhanh chóng.
Tại các quốc gia như Trung Quốc, nơi đổi mới công nghệ đang tiến triển nhanh chóng, chính phủ đã coi giáo dục Anh ngữ là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo rằng các nhà nghiên cứu và sinh viên Trung Quốc có thể tiếp cận và đóng góp vào tri thức khoa học toàn cầu. Tương tự, ở Ấn Độ, nơi tiếng Anh là một trong hai ngôn ngữ chính thức cùng với tiếng Hindi, khả năng tiếp cận các nghiên cứu bằng tiếng Anh đã góp phần vào sự phát triển của Ấn Độ thành một trung tâm công nghệ toàn cầu. Các viện công nghệ Ấn Độ (IITs), nơi tất cả các môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Anh, đã đào tạo ra các kỹ sư và nhà khoa học hàng đầu thế giới, đóng góp đáng kể cho các ngành công nghiệp toàn cầu, đặc biệt là tại Thung lũng Silicon.
Việc tiếp cận các tài liệu tiếng Anh càng trở nên quan trọng hơn trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe. Còn nhớ trong đại dịch COVID-19, việc tiếp cận kịp thời các bài báo khoa học bằng Anh ngữ đã giúp các chính phủ trên toàn thế giới mau chóng ban hành các chính sách y tế công cộng, chiến lược tiêm chủng và phương pháp điều trị y tế.
Tăng cường giao lưu văn hóa và nhận thức toàn cầu
Khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh cũng giúp thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và hiểu biết quốc tế. Theo một nghiên cứu của Hội đồng Anh, sinh viên thành thạo tiếng Anh có nhiều khả năng tham gia vào các dự án quốc tế, các chương trình trao đổi và hợp tác văn hóa xuyên quốc gia. Ở châu Âu, chương trình Erasmus, giúp sinh viên trao đổi giữa các trường đại học khác nhau, chủ yếu sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chung. Điều này cho phép sinh viên từ các quốc gia không nói tiếng Anh có cơ hội học tập ở nước ngoài, học hỏi từ các nền văn hóa đa dạng và mang về những góc nhìn mới cho đất nước mình.
Ví dụ điển hình là Phần Lan, nơi chính phủ đã áp dụng hệ thống giáo dục song ngữ, bao gồm cả tiếng Phần Lan và tiếng Anh. Sinh viên Phần Lan được khuyến khích tham gia các chương trình quốc tế và hệ thống giáo dục của quốc gia này luôn đứng đầu trong các bảng xếp hạng toàn cầu. Theo Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế (PISA), sinh viên Phần Lan xuất sắc trong các kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, những kỹ năng được tăng cường nhờ khả năng tiếp cận các tài liệu giáo dục toàn cầu bằng tiếng Anh.
Tiếng Anh cũng giúp sinh viên tiếp cận với các phương tiện truyền thông toàn cầu, từ văn học, phim ảnh cho đến tin tức và các nền tảng trực tuyến. Điều này giúp họ hiểu và đánh giá cao các nền văn hóa khác nhau, mở rộng tầm nhìn và khuyến khích sự bao dung và đồng cảm. Ở những khu vực có lịch sử xung đột hoặc căng thẳng, chẳng hạn như Đông Nam Á, sự giao lưu văn hóa này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác.
Điều này ảnh hưởng ra sao tới ngôn ngữ mẹ đẻ?
Nguy cơ gây suy giảm khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ
Một trong những sự lo ngại lớn nhất liên quan đến việc giảng dạy bằng tiếng Anh là sự suy giảm khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ. Khi các môn học được giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh, học sinh có thể dần dần mất đi khả năng thông thạo và kỹ năng đọc viết bằng ngôn ngữ bản địa. Ở Nam Phi, chẳng hạn, đã có nhiều lo ngại về việc sử dụng ngày càng giảm các ngôn ngữ bản địa như Zulu và Xhosa trong trường học, mặc dù những ngôn ngữ này được nói bởi hàng triệu người. Theo Luật Chính sách giáo dục quốc gia Nam Phi, học sinh được giảng dạy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ cho đến lớp ba, nhưng trên thực tế, tiếng Anh thường được giới thiệu sớm hơn, dẫn đến sự suy giảm khả năng đọc viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Vấn đề này không chỉ giới hạn ở châu Phi. Tại Philippines, nơi tiếng Anh đã được sử dụng làm ngôn ngữ giảng dạy trong nhiều thập kỷ, nhiều người trẻ hiện đang gặp khó khăn trong việc sử dụng thành thạo các phương ngữ của mình. Kết quả là một sự chia cách thế hệ ngày càng lớn, với người trẻ ít khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình với các thành viên lớn tuổi trong gia đình.
Gây khó khăn trong việc nhận thức của trẻ
Việc học các môn học phức tạp bằng ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ có thể làm khó khăn, cản trở quá trình nhận thức của trẻ. Theo tiến sĩ Jim Cummins, một nhà ngôn ngữ học và nhà nghiên cứu nổi tiếng về giáo dục song ngữ, trẻ em vẫn đang phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ thứ hai, như tiếng Anh, có thể gặp khó khăn trong việc hiểu các khái niệm trừu tượng trong các môn học như toán học và khoa học. Giả thuyết ngưỡng (threshold hypothesis) của Cummins cho rằng học sinh phải đạt được một mức độ thông thạo nhất định trong ngôn ngữ thứ nhất trước khi có thể chuyển giao thành công các kỹ năng đó sang ngôn ngữ thứ hai.
Ở Malaysia, nơi tiếng Anh ngày càng được sử dụng để dạy các môn khoa học và toán học, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng học sinh thường có kết quả học tập kém hơn trong những môn này khi được dạy bằng tiếng Anh so với khi được dạy bằng tiếng Malay. Báo cáo của Malaysia Education Blueprint chỉ ra rằng nhiều học sinh, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, gặp khó khăn trong việc học nội dung học thuật phức tạp bằng tiếng Anh, dẫn đến khoảng cách thành tích lớn hơn giữa học sinh thành thị và nông thôn.
Gia tăng khoảng cách về kinh tế xã hội
Sự tập trung ngày càng nhiều vào giáo dục tiếng Anh cũng làm gia tăng sự chênh lệch về kinh tế xã hội. Ở Ấn Độ, chẳng hạn, việc tiếp cận giáo dục bằng tiếng Anh chất lượng thường chỉ dành cho người giàu, tạo ra sự phân hóa giai cấp giữa những người thành thạo tiếng Anh và những người không biết. Một nghiên cứu của Oxfam Ấn Độ chỉ ra rằng học sinh từ các gia đình thu nhập thấp thường phải học tại các trường công với chất lượng giảng dạy tiếng Anh kém, trong khi học sinh giàu có được học tại các trường tư với chương trình tiếng Anh nâng cao.
Sự chênh lệch này cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia không nói tiếng Anh khác. Ở Thái Lan, chẳng hạn, các trường quốc tế tư thục, nơi cung cấp giảng dạy bằng tiếng Anh, được coi là cửa ngõ dẫn đến những cơ hội việc làm tốt hơn và địa vị xã hội cao hơn. Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI) đã chỉ ra rằng xu hướng này đang mở rộng khoảng cách giáo dục giữa người giàu và người nghèo, khi chỉ những người giàu có mới có khả năng chi trả cho loại hình giáo dục này.
Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực và tăng cường tác động tích cực
Thiết lập mô hình giáo dục song ngữ hoặc đa ngữ một cách khoa học
Các quốc gia như Canada và Singapore đã triển khai thành công mô hình giáo dục song ngữ để cân bằng giữa tiếng Anh và ngôn ngữ mẹ đẻ. Ở Canada, tiếng Pháp và tiếng Anh đều là ngôn ngữ chính thức, và quốc gia này đã áp dụng các chương trình giáo dục song ngữ, nơi học sinh được dạy bằng cả hai ngôn ngữ. Nghiên cứu cho thấy, học sinh trong các chương trình này có thành tích học tập tốt hơn so với các học sinh chỉ học một ngôn ngữ.
Singapore cũng áp dụng hệ thống giáo dục song ngữ, nơi học sinh phải học cả tiếng Anh và ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, cho dù đó là tiếng Quan Thoại, tiếng Mã Lai hay tiếng Tamil. Theo Bộ Giáo dục Singapore, cách tiếp cận này đã đảm bảo học sinh thành thạo tiếng Anh trong khi vẫn giữ vững mối liên kết với cội nguồn văn hóa của mình.
Không từ bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ trong giáo dục
Các trường học nên khuyến khích sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ như một ngôn ngữ học thuật khả thi, không chỉ trong những năm đầu mà còn suốt quá trình giáo dục. UNESCO đã từ lâu ủng hộ giáo dục đa ngữ dựa trên ngôn ngữ mẹ đẻ, cho rằng nó giúp học sinh phát triển nền tảng vững chắc trong ngôn ngữ thứ nhất, từ đó hỗ trợ việc học thêm các ngôn ngữ khác.
Tại Ethiopia, chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy giáo dục bằng ngôn ngữ mẹ đẻ bằng cách xuất bản sách giáo khoa bằng các ngôn ngữ địa phương như Amharic và Oromo. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, học sinh ở Ethiopia được giảng dạy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ có thành tích học tập tốt hơn và gắn bó hơn với trường học.
Liên tục đào tạo giáo viên và cải tiến học liệu
Để triển khai hiệu quả các mô hình giáo dục song ngữ hoặc đa ngữ, giáo viên cần được đào tạo chuyên sâu về phương pháp giảng dạy ngôn ngữ và sư phạm. Theo tiến sĩ David Marsh, một chuyên gia về phương pháp dạy học tích hợp nội dung và ngôn ngữ (Content and Language Integrated Learning – CLIL), giáo viên cần được đào tạo để giảng dạy các môn như khoa học và toán học bằng cả ngôn ngữ mẹ đẻ và tiếng Anh, tùy thuộc vào trình độ ngôn ngữ của học sinh.
Các trường học cũng cần có những tài liệu hỗ trợ phù hợp, như sách giáo khoa song ngữ và các công cụ học tập số, để hỗ trợ phương pháp này. Ở Tây Ban Nha, nơi phương pháp CLIL được áp dụng rộng rãi, giáo viên được đào tạo kỹ lưỡng về giáo dục song ngữ, và các trường học được cung cấp tài liệu bằng cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.
Việc khuyến khích giáo dục Anh ngữ ở các quốc gia không nói ngôn ngữ này là cần thiết và có lợi trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay. Trình độ tiếng Anh mang lại cho học sinh cơ hội kinh tế, tiếp cận kiến thức tiên tiến và khả năng hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển của nó như ngôn ngữ giảng dạy chính cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc việc giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ và giảm khoảng cách kinh tế xã hội. Bằng cách áp dụng các mô hình giáo dục song ngữ, khuyến khích sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong giáo dục và đầu tư vào đào tạo giáo viên, các nhà giáo dục có thể đảm bảo rằng học sinh phát triển tốt cả trong ngôn ngữ bản địa lẫn ngôn ngữ toàn cầu. Điều này không chỉ giúp mở ra các cơ hội từ việc thông thạo tiếng Anh mà còn bảo vệ sự đa dạng ngôn ngữ và bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia.