Vì sao điểm chứng chỉ tiếng Anh cao không đồng nghĩa với năng lực giảng dạy tốt?

Khắp những con phố tại các đô thị Việt Nam tràn ngập những biển bảng của các trung tâm Anh ngữ quảng cáo dàn giáo viên với điểm số ấn tượng như IELTS 8.0, TOEFL 110, hay PTE 79. Những chứng chỉ như IELTS, TOEFL, TOEIC hay PTE vốn chỉ là những giấy chứng nhận trình độ sử dụng tiếng Anh của một người không biết từ bao giờ trở thành yếu tố “hút” người học và được quảng bá như một tiêu chuẩn chứng minh cho năng lực giảng dạy tiếng Anh của giáo viên.

Hiển nhiên những người có điểm số ấn tượng đều có khả năng sử dụng tiếng Anh khá và tốt, tuy nhiên, rất ít người thật sự hiểu rằng những điểm số cao trong các kỳ thi chuẩn hóa đó không đồng nghĩa với khả năng giảng dạy. Việc dựa vào những điểm số này để đánh giá năng lực của một giáo viên hoàn toàn không hợp lí và mang lại rủi ro lớn, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục tiếng Anh ở Việt Nam.

Sự khác nhau giữa năng lực sử dụng ngoại ngữ và năng lực sư phạm

Đáng buồn là có rất nhiều phụ huynh và học sinh ở Việt Nam tin rằng điểm IELTS hoặc TOEFL cao phản ánh sự hiểu biết sâu rộng về tiếng Anh của một người và là minh chứng cho khả năng truyền đạt kiến thức cho người khác của họ. Quan niệm sai lầm này phổ biến hơn chúng ta tưởng tượng và thực sự là một vấn đề đáng lo ngại. Dù cho có sở hữu điểm cao trong các kỳ thi tiếng Anh chuẩn hoá, người đó chỉ có thể được công nhận có kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và giải đề khá và tốt. Điểm số này không thể được sử dụng để làm căn cứ đánh giá khả năng giảng dạy tiếng Anh hiệu quả.

Một chuyên gia giáo dục của Language Link Việt Nam giải thích: “Cũng như việc ngay cả những người bản ngữ cũng không phải ai cũng có thể dạy được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, người có điểm IELTS dù cao đến đâu cũng không có nghĩa họ biết cách dạy tiếng Anh. Dạy học đòi hỏi phải hiểu cả ngôn ngữ lẫn cách thức con người học hỏi, điều này hoàn toàn khác với kỹ năng làm bài thi”.

Một cựu giảng viên của Hội đồng Anh (British Council) cũng mô tả sự khác biệt cơ bản này: “Điểm số nói về khả năng sử dụng ngoại ngữ chứ không phải năng lực sư phạm. Dạy học hiệu quả cần có kiến thức chuyên sâu về ngữ âm, giảng dạy ngữ pháp và lập kế hoạch bài học. Tất cả những điều này không hề nằm trong các bài thi trình độ chuẩn hoá. Đáng buồn là nhiều đơn vị cố tình nhấn mạnh vào điểm số nhằm dễ dàng tiếp thị hơn để lại hệ luỵ là học viên thường không được học tiếng Anh một cách thực thụ”.

Tại sao xu hướng này lại trở nên phổ biến đến như vậy?

Câu trả lời là lợi nhuận. Chi phí tuyển dụng, đào tạo và duy trì lực lượng giáo viên có bằng cấp chính quy thường cao hơn rất nhiều so với việc tuyển dụng và sử dụng những giáo viên “không phải giáo viên thật sự”. Các giáo viên không có bằng cấp chính thức thường sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn nhiều, đồng thời chấp nhận những ca dạy ngoài khung giờ thuận lợi. Việc đẩy mạnh sử dụng những giáo viên không có bằng cấp giúp các đơn vị này tiết kiệm chi phí và giảm học phí, từ đó thu hút được nhiều học viên hơn.

Trong bối cảnh tại Việt Nam còn thiếu nhiều cơ sở giáo dục Anh ngữ chất lượng mà nhu cầu luôn ở mức cao, các đơn vị này sử dụng sức hấp dẫn tài chính để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường. Đại diện một tổ chức phi chính phủ về giáo dục tại Việt Nam cho biết rằng học phí luôn là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để một phụ huynh người Việt lựa chọn nơi học cho con mình. Người này khẳng định: “Tại các vùng nông thôn hoặc đô thị chưa phát triển, rất ít các giáo viên Anh ngữ có bằng cấp sư phạm chính quy, rất nhiều trung tâm tiếng Anh ở địa phương biết rằng mình là lựa chọn duy nhất cho nhiều gia đình và muốn tối đa lợi nhuận họ kiếm được bằng cách sử dụng các giáo viên “tay ngang” thay thế”.

Tác hại khôn lường

Hiển nhiên rằng những hệ lụy từ xu hướng này sẽ do người học gánh chịu. Vì không được đào tạo chính quy, các giáo viên không có bằng cấp sư phạm khó có thể cung cấp bài giảng chất lượng cao và mang tính hệ thống. Điều này khiến cho họ có xu hướng hướng học sinh của mình vào việc cải thiện kỹ năng làm bài thay vì học các kiến thức chuyên sâu – mảng mà họ không mạnh. Việc này dẫn tới tình trạng học mẹo, “học vẹt”, làm giảm hiệu quả học tập, dần dần khiến người học đánh mất động lực và hạn chế khả năng tiếp thu, thậm chí gây ra thái độ tiêu cực đối với việc học ngôn ngữ.

Một giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Những học viên của các chương trình (được giảng dạy bởi những giáo viên không có bằng cấp chính quy) như vậy có thể có kỹ năng làm bài thi tốt, nhưng các em lại gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Anh cho các hoạt động giao tiếp, học tập, làm việc vì chúng vượt ra bên ngoài các câu trả lời mang tính học thuộc. Việc hiểu và hiểu sâu các bài giảng học thuật cũng như viết luận có thể không quá khó với những học sinh học tiếng Anh đúng phương pháp nhưng lại rất khó với những học sinh học tiếng Anh sai phương pháp như vậy. Sẽ luôn có một cảm giác thiếu chuẩn bị trong mọi tình huống thực tế khiến các em bất an mỗi khi sử dụng tiếng Anh và điều này rất nguy hiểm”.

Một du học sinh tại Úc chia sẻ với chúng tôi khi được hỏi như sau: “Lúc còn ở Việt Nam, em có tham gia một chương trình luyện thi IELTS của một giáo viên tự quảng cáo là có điểm IELTS cao giảng dạy. Em đã thấy rất yên tâm khi học và thấy rất vui khi mình cũng cũng đạt được điểm số khá cao khi thi thật. Nhưng mọi chuyện đã khác khi em sang Úc. Em nhận ra mình không thể theo kịp các cuộc hội thoại hằng ngày cũng như các bài giảng trên trường. Việc học tập của em trở nên ngày một khó khăn hơn khi em phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước giờ lên lớp và phải học lại tiếng Anh nếu không muốn bị tụt lại so với các bạn khác. Em nhận ra khi luyện thi IELTS trước đó, em đã chỉ tập trung vào kỹ năng thi cử chứ không phải kỹ năng ngôn ngữ.”

Dễ dàng nhận thấy việc chú trọng nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh người Việt là một chủ trương đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu quốc gia về tăng trưởng kinh tế và hội nhập toàn cầu của. Tuy nhiên, việc triển khai theo xu hướng trên hoàn toàn có khả năng khiến cho một môn học mang tính thực tiễn cao như Tiếng Anh trở thành một môn học thuộc, khiến cho các thế hệ học sinh mới của nước ta thiếu hụt các kỹ năng cần thiết cho giao tiếp thực tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo từng nhấn mạnh vai trò của công tác nâng cao chất lượng dạy và học. Giáo dục tiếng Anh cần phát triển nhằm trao quyền cho học sinh phát triển nhanh và mạnh trong một nền kinh tế toàn cầu hóa. Tầm nhìn này không chỉ tập trung vào việc cải thiện điểm số qua các kỳ thi mà phải giúp cho các em sử dụng được tiếng Anh một cách lưu loát, sẵn sàng và tự tin trong các môi trường thực tế. Điều này yêu cầu đẩy mạnh công tác nâng cao trình độ cho giáo viên Anh ngữ song song với việc cải thiện các chính sách liên quan nhằm tạo nhiều điều kiện phát triển hơn cho họ.

Người học và phụ huynh cần thay đổi quan niệm

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện của Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết họ tin rằng việc cấp chứng nhận cho các trung tâm là một bước đi cần thiết. Khi người học và phụ huynh có thể dễ dàng nhận diện được các trung tâm cung cấp các khoá học được giảng dạy bởi giáo viên đủ trình độ thì tất nhiên thị trường sẽ tự điều chỉnh để ưu tiên yếu tố này hơn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng học ngôn ngữ của nước ta cũng có thể được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác mang tính quốc tế, cho phép các tổ chức chuyên về đào tạo giáo viên Anh ngữ có thể dễ dàng hoạt động ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, người học tiếng Anh và phụ huynh cũng cần thay đổi quan niệm và tìm hiểu kỹ càng hơn về nơi học và chương trình học mà mình định lựa chọn. Các hình thức như hỏi về bằng cấp của giáo viên, tham gia các lớp học mẫu, học thử ngắn hạn trước khi ký hợp đồng dài hạn có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về chất lượng giảng dạy của một đơn vị giáo dục. Dù có thể phải chịu một mức phí cao hơn, việc theo học tại một cơ sở đảm bảo về chất lượng giáo viên vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn về lâu về dài cho người học.

Tải xuống MIỄN PHÍ ngay
Bộ tài liệu học tốt tiếng Anh độc quyền của Language Link Academic (cập nhật 2020)!

Kiểm tra tiếng Anh miễn phí ngay cùng chuyên gia khảo thí đến từ Anh Quốc
& nhận những phần quà hấp dẫn!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vì sao không nên quá tin tưởng các bảng xếp hạng đại học thế giới khi chọn trường để du học?

Tin tổng hợp 23.12.2024

Các bảng xếp hạng đại học, đặc biệt là các bảng xếp hạng QS World Univer ity Ranking , Time Higher Education (THE) và [...]

Những lối tắt trong phát triển: Cẩn thận “lợi bất cập hại”!

Tin tổng hợp 23.12.2024

Sự hấp dẫn của các con đường tắt luôn khó cưỡng lại Dù là trong ự phát triển cá nhân, tiến bộ xã hội hay tăng [...]

Giáo dục trên bàn nghị sự G20: Giải pháp cho những thách thức toàn cầu năm 2024

Tin tổng hợp 19.12.2024

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2024, dưới ự chủ trì của Brazil, giáo dục đã trở thành một trong [...]
Previous Next

Đăng ký tư vấn ngay!