Vì sao lịch sử mang màu sắc chính trị

Về lý mà nói, lịch sử sẽ là bản ghi chép khách quan về các sự kiện của loài người. Tuy nhiên, trên thực tế, nó thường là một câu chuyện được biên soạn cẩn thận, được “tô vẽ” bằng những nét cọ của chính trị.

Trong khi lịch sử nên đóng vai trò là ký ức chung chân thực nhất của nhân loại, cách mà nó được kể lại thường bị thay đổi đáng kể giữa các cộng đồng hay quốc gia bởi thường phản ánh quan điểm, ý muốn chủ quan của những người nắm quyền. Do vậy, việc ghi chép lịch sử thường mất đi tính khách quan cần có và bị bóp méo đáng kể, thậm chí là bị cắt xén hay che giấu. Hiện tượng này đối với thế hệ tương lai mang lại những hậu quả nguy hiểm ra sao, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết hôm nay.

“Lịch sử được viết bởi kẻ chiến thắng”

Đây là một câu nói nổi tiếng giải thích cho những sự thiên lệch trong lịch sử. Dù không rõ nguồn gốc chính xác, câu nói này đã tóm gọn bản chất của vấn đề.

Người chiến thắng trong các cuộc chiến, giành được quyền lực hoặc chiếm ưu thế về chính trị sẽ dễ dàng ghi chép lại sự kiện theo hướng có lợi hơn cho mình. Điều này không phải bàn cãi! Lấy ví dụ, những tác phẩm của sử gia La Mã Tacitus vốn nổi tiếng và được sử dụng như một nguồn trích dẫn đáng tin cậy của nhiều người lại bị đánh giá là thể hiện quá rõ quan điểm thiên lệch từ góc nhìn của tầng lớp thượng lưu. Các vị vua như Nero và Tiberius xuất hiện trong các tác phẩm của Tacitus trở nên xấu xí và kém thiện cảm hơn nhiều so với những ghi chép của các tác giả khác. Dễ dàng thấy được những nhà cầm quyền thất thế, những chế độ không còn tồn tại thường có xu hướng bị làm xấu đi nhằm gia tăng thiện cảm cho những nhà cầm quyền mới, những chế độ mới.

Ngày nay, sách giáo khoa Lịch sử thường được lấy làm căn cứ cho hiểu biết toàn dân về lịch sử nhưng chính nó cũng là nơi thể hiện rõ sự can thiệp của chính trị vào việc ghi chép và giảng dạy lịch sử.

Hãy xem xét trường hợp Nhật Bản và cách họ đề cập đến cuộc thảm sát Nam Kinh. Trong khi các nguồn ghi chép của nhiều nước ước tính có hơn 300 nghìn dân thường bị quân đội Nhật sát hại vào năm 1937, sách giáo khoa Lịch sử của Nhật bị tố cáo là hạ thấp mức độ nghiêm trọng của sự kiện, thậm chí thường bị giáo viên bỏ qua trong quá trình giảng dạy tại các trường học. Vụ việc trở thành một chủ đề nóng khi một nghiên cứu năm 2017 của Tạp chí Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chỉ ra rằng chỉ có một số ít sách báo của Nhật thừa nhận đầy đủ mức độ tàn khốc của vụ thảm sát và nguyên nhân được cho là đến từ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.

Một ví dụ khác là tại Mỹ, sách giáo khoa Lịch sử của nước này bị đánh giá là mô tả thiếu chính xác về chế độ nô lệ và cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Các ghi chép thuộc các bang khác nhau cũng không đồng nhất và giáo viên thường có xu hướng giảng dạy qua loa, cung cấp thông tin sơ sài cho học sinh tại trường. Một báo cáo năm 2015 cho thấy nhiều học sinh trung học tại Mỹ chỉ có hiểu biết vô cùng hạn chế về chế độ nô lệ, thậm chí ở một số bang miền Nam, cuộc Nội chiến thường được hiểu như một cuộc chiến giành quyền của các bang chứ không đả động gì tới vai trò quan trọng của việc chấm dứt chế độ nô lệ.

Việc viết lại lịch sử theo hướng có lợi cho mình phổ biến tới mức dù chúng ta đang đọc một cuốn sử ở phương Đông hay phương Tây, điều đầu tiên chúng ta cần lưu ý là độ chính xác và khách quan của nó là bao nhiêu.

Những tưởng những quốc gia có lịch sử tương đối yên bình như Vương quốc Anh sẽ có thể tránh được điều này, nhưng không! Lịch sử Anh cũng được chỉnh sửa nhiều lần, được viết lại để phục vụ cho các mục đích chính trị. Có thể kể đến ở đây là một số nội dung liên quan tới Đế quốc Anh. Trong suốt thế kỷ XX, học sinh Anh được dạy về đế quốc với sứ mệnh “mang văn minh tới các vùng đất hoang dã”, trong khi đây thực chất chỉ là vỏ bọc cho hành vi xâm lược, bóc lột, thúc đẩy bạo lực, bất công và tàn phá văn hóa các nước thuộc địa. Năm 2020, một dự án của Đại học College London đã tiết lộ rằng chính phủ Anh thậm chí đã lén lút chi tới 20 triệu bảng Anh trong năm 1833 (tương đương khoảng 17 tỉ bảng Anh theo giá trị hiện tại) để bồi thường cho các chủ nô khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ. Điều đáng kinh ngạc là khoản tiền này bị biến thành một khoản nợ và được chi trả thông qua tiền thuế mà người dân Anh đóng trong suốt 182 năm. Và hiển nhiên, những chi tiết này đã bị lược bỏ hoàn toàn khỏi chương trình học phổ thông.

Lịch sử do người thắng viết nên? | Diễn đàn Lịch sử Việt Nam

*Nguồn ảnh: Diễn đàn Lịch sử Việt Nam*

Chúng ta thấy được rằng giới cầm quyền sử dụng công tác ghi chép lịch sử như một công cụ chính trị nhằm “đóng đinh” vào đầu thế hệ tương lai một câu chuyện mà họ mong muốn. Việc làm lu mờ có chủ đích các tiếng nói thiểu số, tạo dựng những huyền thoại mang tính dân tộc hay nỗ lực thiết lập ý thức hệ cho toàn bộ dân chúng được xem như những kỹ thuật “viết lại” lịch sử phổ biến được hầu hết các chính phủ sử dụng nhằm đảm bảo quyền lực của mình. Những hành vi này hiển nhiên không chỉ tạo ra những sai lệch về mặt học thuật mà còn mang lại hậu quả được đánh giá là nghiêm trọng đối với thế hệ tương lai. Một trong số đó phải kể tới sự chia rẽ trong cộng đồng. Lấy ví dụ tại Rwanda, việc lịch sử nước này bị cố tình bóp méo nhằm phân chia dân tộc (Hutu và Tutsi) dưới thời thuộc địa Bỉ và các chính quyền sau đó đã tạo dựng nền móng cho cuộc diệt chủng năm 1994. Sự thù ghét giữa các cộng đồng trong cùng một quốc gia đã dẫn đến cái chết của khoảng 800 nghìn người chỉ trong vòng 100 ngày ở quốc gia Đông Phi này.

Thế kỷ XXI cùng với những tiến bộ của khoa học đã mở ra nhiều cách thức mới để “định hình lịch sử”. Thông qua mạng xã hội, việc phát tán các thông tin sai lệch có chủ đích hòng tạo ra “lịch sử giả” đã trở thành một công cụ hữu hiệu cho các chế độ độc tài và những người theo thuyết âm mưu. Sự tiện lợi và hiệu quả của AI cũng đem lại nhiều nội dung bị chỉnh sửa, giả mạo có chất lượng cao, dễ dàng được lan truyền mạnh mẽ và khó bị nhận diện ngay lập tức.

Đơn cử như trong những năm 2016–2017, quân đội Myanmar đã phát động chiến dịch quân sự tàn bạo nhắm vào người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine, khiến hơn 700 nghìn người phải chạy sang Bangladesh. Liên Hợp Quốc gọi đây là một “cuộc thanh lọc sắc tộc.” Để bảo vệ uy tín chính phủ, một lượng lớn tài khoản Facebook được sử dụng như công cụ phát tán tuyên truyền bao gồm phát tán tin giả, thuyết âm mưu, lời kêu gọi thù hận nhắm vào người Rohingya, mô tả họ là “khủng bố” hoặc “người nhập cư bất hợp pháp”. Một số nội dung được cho là tạo bằng ảnh giả hoặc video cắt ghép nhằm tăng tính thuyết phục. Facebook sau đó buộc phải thừa nhận đã không kiểm soát kịp thời và thực hiện gỡ hàng trăm tài khoản và trang liên quan tới vụ việc vào năm 2018.

Có thể thấy sự kết hợp giữa nội dung thao túng, công nghệ AI và truyền thông xã hội rộng khắp khiến việc kiểm chứng thông tin sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Vậy chúng ta có thể làm gì?

Trong khi học cách chấp nhận một sự thật là lịch sử dễ dàng bị thao túng bởi chính trị, việc chúng ta cần làm là tìm cách để có được một sự hiểu biết đúng đắn và cân bằng hơn về quá khứ thông qua thúc đẩy tư duy phản biện. Việc bảo vệ quyền tự do học thuật và khuyến khích việc học tập thông qua đối chiếu và so sánh nhiều nguồn thông tin cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Để làm được điều này, trước tiên, hệ thống giáo dục cần dạy học sinh những cách đặt câu hỏi và phân tích các nguồn dữ liệu một cách chủ động thay vì chỉ tiếp nhận kiến thức một cách thụ động. Việc hiểu rõ người viết tài liệu, hoàn cảnh viết, mục đích viết có thể tiết lộ nhiều về độ tin cậy của tài liệu đó.

Làm sao để học sinh yêu thích môn lịch sử ? - Đài Phát Thanh & Truyền hình  tỉnh Quảng Ngãi - Đài Phát Thanh & Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi

*Nguồn ảnh: Đài phát thanh truyền hình Quảng Ngãi*

Thêm nữa, việc tiếp cận các tư liệu lưu trữ và nguồn tài liệu không bị kiểm duyệt cũng là điều vô cùng cần thiết. Sự kiểm duyệt hoàn toàn có thể trở thành công cụ để các chính quyền thao túng xã hội. Các tổ chức lưu trữ xã hội mở có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và cung cấp các tài liệu nguyên bản bất chấp việc chúng có đi ngược lại quan điểm của các chính phủ hay không.

Và hơn hết, người đọc sử cần luôn cảnh giác. Dù sử gia là những người bảo vệ ký ức quá khứ, nhiều người trong số họ có khó lòng chống lại áp lực chính trị và đưa ra những nhận định sai sự thật. Các sử gia cũng nên nỗ lực bảo vệ sự minh bạch về phương pháp và nguồn tài liệu dù cho sự khách quan tuyệt đối có thể là điều không tưởng. Điều này cũng sẽ giúp xây dựng, củng cố niềm tin của người đọc sử.

Cuối cùng, chúng ta cần khẳng định với nhau một điều: lịch sử cần phải được bảo vệ, không để chính trị quyết định nó. Khi bị quyền lực chi phối, lịch sử không còn là lịch sử mà trở thành công cụ tuyên truyền. Chỉ khi được tiếp cận bằng tinh thần đề cao sự trung thực cộng với thái độ cẩn trọng và khiêm nhường, lịch sử mới trở thành công cụ để thấu hiểu, đồng cảm và phục vụ cho sự phát triển. Dù sẽ một giấc mơ khó thành sự thật để có được một tương lai nơi lịch sử được ghi chép hoàn toàn khách quan, chúng ta cần liên tục nhắc nhở và cần được nhắc nhở về việc theo đuổi sự thật trong lịch sử vì “kẻ kiểm soát hiện tại sẽ kiểm soát được quá khứ mà kiểm soát được quá khứ sẽ kiểm soát được tương lai”.

Tải xuống MIỄN PHÍ ngay
Bộ tài liệu học tốt tiếng Anh độc quyền của Language Link Academic (cập nhật 2020)!

Kiểm tra tiếng Anh miễn phí ngay cùng chuyên gia khảo thí đến từ Anh Quốc
& nhận những phần quà hấp dẫn!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Làm gì để hết tự nghi ngờ?

Tin tổng hợp 28.05.2025

“Suy nghĩ quá nhiều” (cả nghĩ) hay phổ biến trong giới trẻ với từ tiếng Anh “overthinking” trở thành thói quen xấu [...]

Ái kỷ tiêu cực trong học đường

Tin tổng hợp 27.05.2025

Nghe có vẻ xa lạ và khó hiểu nhưng thật ra ái kỷ tiêu cực luôn xuất hiện đâu đó xung quanh chúng ta Chúng ta đều [...]

Cách dạy học sinh kỹ năng lãnh đạo hiệu quả

Tin tổng hợp 26.05.2025

Kỹ năng lãnh đạo không phải là một khái niệm trừu tượng chỉ dành cho thủ tướng hay giám đốc điều hành Đó là [...]
Previous Next

Đăng ký tư vấn ngay!