Vì sao ngày càng nhiều sinh viên Anh lựa chọn du học?

Anh là một trong những cường quốc giáo dục của phương Tây với bề dày lịch sử và chất lượng giáo dục vượt trội. Rất nhiều sinh viên quốc tế ưu tiên lựa chọn Anh để làm điểm đến du học của mình. Tuy nhiên, đối với sinh viên Anh, việc theo học tại một trường đại học ngoài lãnh thổ đang trở nên hấp dẫn hơn, bất chấp việc phải chi trả nhiều chi phí khác hay đối mặt với những khó khăn về giao tiếp, văn hoá trong quá trình sinh sống, học tập ở nước ngoài. Theo thống kê được công bố năm 2021, có tới hơn 14 nghìn sinh viên Anh theo học tại các cơ sở giáo dục nước ngoài trên toàn cầu. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng tìm hiểu những lí do khiến sinh viên Anh lựa chọn du học thay vì học tập tại chính quốc gia mình.

Du học tại châu Âu không đắt đỏ

Trên thực tế, với nhiều sinh viên Anh, du học không phải là giấc mơ xa vời mà nó là một lựa chọn dễ dàng, hợp lý. Ở một số nước châu Âu, học phí có thể chỉ vào khoảng 189 euro/năm (tương đương 158 bảng Anh/năm hay 5,2 triệu đồng/năm). Như Pháp, sinh viên chỉ phải trả khoảng 181 euro/năm (tương đương 150 bảng Anh/năm hay 5 triệu đồng/năm) để theo học các chương trình đại học tại các trường công lập. Hay tại Đức, học phí đại học ở các trường công lập hoàn toàn miễn phí cho tất cả sinh viên, bất kể quốc tịch. Na Uy cũng áp dụng chính sách tương tự. Và nhiều quốc gia châu Âu như Đan Mạch và Phần Lan cũng miễn hoặc giảm học phí đáng kể cho sinh viên EU.

Ngoài mức học phí thấp, việc sở hữu kinh nghiệm sinh sống và làm việc ở các quốc gia khác nhau cũng giúp sinh viên gia tăng cơ hội nghề nghiệp cho bản thân mình. Thêm vào đó, các quốc gia như Hà Lan, Đức, Pháp, Thuỵ Điển có rất nhiều chương trình học bằng Anh ngữ khiến cho những nước này trở thành những cái tên “hot” trong danh sách điểm đến phổ biến nhất của sinh viên Anh quốc. Tuy nhiên, đáng tiếc là nếu sinh viên muốn học lên cao hơn, ví dụ như theo đuổi các chương trình cao học hay phát triển sự nghiệp học thuật lên thêm nữa, việc hoàn thành những chương trình giảng dạy ngôn ngữ bản địa là một điều cần thiết, do vậy có thể làm cho việc học ở nước ngoài trở nên mệt mỏi hơn so với việc học trong nước.

Ngoài ra, châu Âu cũng nổi tiếng với hệ thống trường đại học danh tiếng. Nếu như các trường “top đầu” như Oxford, Cambridge của Anh chưa từng rời khỏi các vị trí đầu bảng xếp hạng toàn cầu thì các nước châu Âu khác cũng sở hữu nhiều trường “xịn” có danh tiếng và uy tín chẳng mấy kém cạnh.

Một số trường đại học ngoài Anh nổi tiếng tại châu Âu:

  1. Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich – Thuỵ Sĩ), hạng 11 thế giới;
  2. Đại học Khoa học và Văn học Paris (Université PSL; Paris Sciences & Lettres – Pháp), hạng 24 thế giới;
  3. Đại học Công nghệ Munich (Technical University of Munich; TUM – Đức), hạng 26 thế giới;
  4. Đại học Copenhagen (University of Copenhagen) (Đan Mạch): Hạng 33 thế giới;
  5. Viện Caroline Hoàng gia (Karolinska Institute) (Thuỵ Điển): Hạng 41 thế giới;
  6. Đại học Công giáo Leuven (KU Leuven; Katholieke Universiteit Leuven) (Bỉ): Hạng 42 thế giới
  7. Đại học Heidelberg (University of Heidelberg) (Đức): Hạng 47 thế giới;
  8. Đại học Công nghệ Delft (Delft University of Technology) (Hà Lan): Hạng 50 thế giới;
  9. Đại học Ludwig Maximilian Munich (LMU Munich; Ludwig Maximilian University of Munich) (Đức): Hạng 59 thế giới;
  10. Đại học Sorbonne (Sorbonne University) (Pháp): Hạng 60 thế giới.

Du học ở các quốc gia nói tiếng Anh quá dễ dàng

Nếu muốn “đi xa hơn, nghĩ lớn hơn”, các sinh viên Anh có thể lựa chọn một số quốc gia cũng nói tiếng Anh khác như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand hay thậm chí là Singapore. Tuy nhiên, học phí tại các quốc gia này thường cao hơn so với việc du học trong nội bộ châu Âu. Tại Mỹ, học phí trung bình tại các trường công lập là khoảng 24.000 đô la Mỹ/năm (tương đương 18.500 bảng Anh/năm hay 608 triệu đồng/năm), còn tại các trường tư thục lên tới 32.000 đô la Mỹ/năm (tương đương 24.600 bảng Anh/năm hay 810 triệu đồng/năm, số liệu năm 2021). Gần đây, một số báo cáo về học phí năm của các trường tại Mỹ đã tăng thêm 2.000 đô la Mỹ/năm (tương đương 66 triệu đồng/năm) khiến cho chi phí học tập tại Mỹ là một vấn đề cần cân nhắc.

Tuy vậy, cánh cổng du học Mỹ, Canada, Úc, New Zealand hay bất cứ quốc gia nói tiếng Anh nào khác cũng đều rộng mở hơn khi sinh viên Anh được hưởng nhiều chương trình hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, hệ thống học bổng đa dạng cũng có thể giúp họ tiết kiệm được nhiều tiền. Tuy vậy, chi phí sinh hoạt, nhà ở và vé máy bay về thăm gia đình cũng là những khoản chi không hề nhỏ. Những sinh viên dự định đến các thành phố đắt đỏ như New York, Sydney, Melbourne cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng do mức sống ở các thành phố này đều rất cao.

Tuy vậy, dòng du học sinh đến từ Anh vẫn đang gia tăng đều đặn mỗi năm cho thấy với nhiều người, lợi ích của việc du học vượt xa các trở ngại tài chính và những vấn đề liên quan. Theo ông Mark Herbert – người đứng đầu chương trình giáo dục tại Hội đồng Anh (British Council) – kinh nghiệm quốc tế là yếu tố quan trọng cho thế hệ trẻ ngày nay khi không chỉ giúp họ tự tin hơn, sáng tạo hơn mà còn cho phép họ kết nối với cộng đồng nhân tài toàn cầu, đem lại cho họ những hiểu biết, những cơ hội rèn luyện kỹ năng thiết yếu để gia tăng sức cạnh tranh của bản thân trong thị trường lao động toàn cầu. Khi thế giới ngày càng gắn kết, các sinh viên với tư duy toàn cầu sẽ trở thành những đối tượng săn đón của các doanh nghiệp lớn. Đây được cho là quân bài bắt buộc để giúp cho những người trẻ đạt được thành công cả trong cuộc sống cá nhân lẫn nghề nghiệp.

Ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu

Dễ thấy số lượng sinh viên Anh đi du học ngày càng tăng đang có những tác động đáng kể đến thị trường du học toàn cầu, cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực.

Về mặt tích cực, sinh viên Anh mang đến những góc nhìn độc đáo và nền văn hóa đa dạng cho các quốc gia tiếp nhận, làm phong phú trải nghiệm giáo dục của tất cả sinh viên nói chung, đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết liên văn hóa trong giới trẻ toàn cầu. Các quốc gia tiếp nhận sinh viên Anh cũng được hưởng lợi về kinh tế thông qua học phí, chi phí sinh hoạt và du lịch. Tuy nhiên, cũng có một số mặt trái cần xem xét. Khi ngày càng nhiều sinh viên Anh tìm kiếm cơ hội giáo dục ở nước ngoài, họ sẽ góp phần gia tăng mức độ cạnh tranh trong cuộc chiến giành suất học tại các trường đại học danh tiếng trên khắp thế giới. Với những đãi ngộ ưu tiên mà sinh viên Anh có thể được hưởng, sinh viên từ các quốc gia khác sẽ buộc phải gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đảm bảo vị trí của mình.

Ngoài ra, việc sinh viên Anh không ưu tiên giáo dục trong nước cũng có thể khiến cho cuộc chiến của các trường đại học trở nên khốc liệt hơn. Các trường sẽ phải dành nhiều nguồn lực cũng như nỗ lực để thu hút sinh viên chất lượng. Hiện tượng “chảy máu chất xám” cũng có thể diễn ra nếu một số lượng lớn sinh viên Anh quyết định ở lại nước ngoài sau khi hoàn thành việc học. Đối với một quốc gia dân số già như Anh, điều này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt tài năng cho toàn vương quốc. Thêm vào đó, dù sinh viên quốc tế có tham gia đóng góp kinh tế cho nước sở tại, chính họ cũng có thể gây thêm áp lực lên các nguồn lực của quốc gia đó, bao gồm nhà ở và dịch vụ công.

Tải xuống MIỄN PHÍ ngay
Bộ tài liệu học tốt tiếng Anh độc quyền của Language Link Academic (cập nhật 2020)!

Kiểm tra tiếng Anh miễn phí ngay cùng chuyên gia khảo thí đến từ Anh Quốc
& nhận những phần quà hấp dẫn!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những điều cần biết về chứng chỉ PEIC

Tin tổng hợp 28.11.2024

Chứng chỉ quốc tế Pear on Engli h (Pear on Engli h International Certificate), viết tắt là PEIC, là một bài kiểm tra trình độ [...]

YouTube và Shopee hợp tác ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á

Tin tổng hợp 28.11.2024

Trong một động thái quan trọng nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của thương mại điện tử dựa trên video, [...]

Khởi nghiệp ở Trung Quốc: Sự suy thoái bất ngờ

Tin tổng hợp 27.11.2024

BioBAY từng là một trung tâm khởi nghiệp công nghệ nổi tiếng nằm ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) “Công viên [...]
Previous Next

Đăng ký tư vấn ngay!