Trong thế giới “siêu kết nối” ngày nay, công nghệ không chỉ là một nhu cầu thiết yếu mà còn là một con dao hai lưỡi, mang đến cả lợi ích lẫn rủi ro. Sự phát triển của Internet, mạng xã hội, trò chơi điện tử và các nền tảng giao tiếp tức thời đã tạo ra một môi trường kỹ thuật số bao trùm cuộc sống, đặc biệt đối với Thế hệ Z và Thế hệ Y – những người lớn lên cùng với sự bùng nổ của công nghệ.
Sự tiện lợi mà công nghệ mang lại là không thể phủ nhận: khả năng kết nối nhanh chóng, tiếp cận nguồn thông tin vô tận và mở ra nhiều cơ hội học tập, làm việc từ xa. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng dần lộ diện. Khi việc tiếp xúc với công nghệ trở nên quá mức, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, làm gia tăng mức độ căng thẳng, lo âu và thậm chí là trầm cảm.
Câu hỏi cấp bách được đặt ra là liệu sự hiện diện liên tục của công nghệ trong cuộc sống có đang làm cho giới trẻ dễ bị tổn thương hơn (về tinh thần). Việc tiếp xúc sớm và sâu với thế giới kỹ thuật số có khiến họ trở nên nhạy cảm hơn với áp lực xã hội, kỳ vọng không thực tế, cũng như cảm giác cô lập giữa một mạng lưới giao tiếp đông đảo nhưng đôi khi thiếu sự kết nối thực sự?
Hiểu rõ những tác động này là một bước quan trọng để tìm ra giải pháp cân bằng giữa việc tận dụng lợi ích của công nghệ và bảo vệ sức khỏe tâm thần, giúp thế hệ trẻ xây dựng một lối sống lành mạnh trong kỷ nguyên số.
“Thế hệ kỹ thuật số” đang gặp rắc rối?
Theo thống kê, một cá nhân thuộc Thế hệ Z trung bình dành hơn 7 giờ mỗi ngày trước màn hình – tương đương với một công việc toàn thời gian. Với sự thống trị của điện thoại thông minh, máy tính xách tay và mạng xã hội trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người lo ngại rằng việc tiếp xúc quá mức này đang làm suy yếu các kỹ năng giao tiếp trực tiếp và khiến thế hệ trẻ dễ bị lo âu và kiệt sức cảm xúc hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu lại cho thấy một bức tranh phức tạp hơn. Một nghiên cứu của Đại học Duke phát hiện rằng tuy việc sử dụng công nghệ quá mức có thể liên quan đến các vấn đề về sự tập trung và hành vi ở một số thanh thiếu niên nhưng mặt tích cực là nếu được sử dụng hợp lí thì nó cũng có thể giúp được nhiều người khác tìm thấy sự kết nối xã hội và giải tỏa căng thẳng. Điều này cho thấy tác động của công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào cách mỗi người sử dụng.
“Công nghệ không phải là vấn đề, mà là cách chúng ta dùng nó,” Tiến sĩ Rebecca Langley, chuyên gia tâm lý học hành vi kỹ thuật số, giải thích. “Một số người xây dựng được cộng đồng trực tuyến mạnh mẽ giúp họ cảm thấy bớt cô đơn trong khi những người khác lại bị cuốn vào vòng xoáy lướt web vô tận, dẫn đến cảm giác cô lập.”
Ngoài ra, sự hoài nghi của các thế hệ đối với công nghệ mới không phải là điều mới mẻ. Trước đây, truyền hình, trò chơi điện tử và thậm chí cả radio cũng từng bị chỉ trích là có thể gây hại cho người trẻ. Vậy liệu công nghệ ngày nay có thực sự đặc biệt nguy hiểm, hay chỉ đơn thuần là một đối tượng mới bị đem ra đổ lỗi?
Mạng xã hội rút cạn cảm xúc?
Trong số các khía cạnh của công nghệ, không có lĩnh vực nào gây tranh cãi nhiều như mạng xã hội. Với các nền tảng như Instagram, TikTok và Twitter (đã đổi tên thành X) định hình cách chúng ta giao tiếp và nhìn nhận bản thân, ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe tâm thần vẫn là một chủ đề nóng bỏng.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy mạng xã hội, trung bình, chỉ có tác động nhỏ đến sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, đối với những người đã có sẵn vấn đề về tâm lý, việc sử dụng mạng xã hội có thể làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn và lo lắng.
Một trong những nguyên nhân chính là cơ chế kích thích dopamine của mạng xã hội. Tiến sĩ Marcus Patel, nhà khoa học thần kinh, giải thích: “Lượt thích, bình luận và thông báo hoạt động như những phần thưởng nhỏ, kích hoạt hệ thống khoái cảm trong não theo cách tương tự như cờ bạc. Khi sự tương tác giảm xuống, người dùng có thể rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực, tạo ra vòng lặp nghiện ngập và tự nghi ngờ bản thân”.
Không chỉ dừng lại ở yếu tố sinh học, mạng xã hội còn thúc đẩy tiêu chuẩn sắc đẹp không thực tế thông qua các bộ lọc, chỉnh sửa ảnh. Một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí JAMA Pediatrics cho thấy việc tiếp xúc thường xuyên với những hình ảnh được chỉnh sửa kỹ thuật số làm tăng mức độ không hài lòng về cơ thể và lòng tự trọng thấp ở thanh thiếu niên.
Dù vậy, mạng xã hội cũng có những mặt tích cực. Nó mang lại cơ hội kết nối, hỗ trợ tâm lý và tạo không gian để thể hiện bản thân. Nhiều người trẻ tìm thấy sự đồng cảm trong các nhóm hỗ trợ trực tuyến, các tài khoản trị liệu và các chiến dịch nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần.
Chơi game giải trí hay rơi vào nghiện ngập?
Ngoài mạng xã hội, trò chơi điện tử cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của Thế hệ Z và Thế hệ Y. Chơi game có thể mang lại nhiều lợi ích, từ việc cải thiện khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm đến giảm căng thẳng. Tuy nhiên, khi không được kiểm soát, chơi game quá mức có thể góp phần làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của các hình thức gây nghiện như hộp chiến lợi phẩm.
Hộp chiến lợi phẩm – các gói phần thưởng ngẫu nhiên trong trò chơi – đã bị so sánh với cờ bạc do bản chất không thể đoán trước của chúng. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Human Behaviour cho thấy hộp chiến lợi phẩm có thể kích thích sự bốc đồng và dẫn đến căng thẳng tài chính, đặc biệt là ở người chơi trẻ tuổi.
“Bản thân trò chơi không có hại nhưng khi đi kèm với các chiến thuật kiếm tiền lợi dụng tâm lý người chơi, nó có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng,” Tiến sĩ Elaine Carter, chuyên gia nghiên cứu trò chơi, nhận định.
Dù vậy, chơi game điều độ có thể mang lại lợi ích về tư duy logic và tinh thần. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng chìa khóa là sự kiểm soát bản thân – chơi game ở mức vừa phải và nhận biết khi nào nó bắt đầu gây ảnh hưởng tiêu cực.
Làm thế nào để cân bằng công nghệ và sức khỏe tâm thần?
Trước những thách thức mà công nghệ đặt ra, làm thế nào để Thế hệ Z và Thế hệ Y có thể duy trì một mối quan hệ lành mạnh với thế giới số mà không để nó chi phối sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống? Các chuyên gia đề xuất một số chiến lược hiệu quả giúp cân bằng giữa việc tận dụng lợi ích của công nghệ và bảo vệ sức khỏe tâm lý.
- “Giải độc” kỹ thuật số
Việc dành quá nhiều thời gian trước màn hình có thể dẫn đến căng thẳng, mất ngủ và giảm khả năng tập trung. Do đó, thiết lập giới hạn cho thời gian sử dụng thiết bị là một bước quan trọng. Chẳng hạn, tránh sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, trong khi các khoảng thời gian “nghỉ công nghệ” trong ngày giúp giảm căng thẳng và tăng cường sự tập trung vào các hoạt động thực tế.
- Chọn lọc nội dung
Không phải tất cả nội dung trên mạng đều có giá trị tích cực. Theo dõi quá nhiều tài khoản tiêu cực hoặc so sánh bản thân với hình ảnh lý tưởng hóa trên mạng xã hội có thể gây áp lực và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị nên bỏ theo dõi những nguồn nội dung không lành mạnh, thay vào đó ưu tiên các kênh mang lại giá trị giáo dục, truyền cảm hứng và nâng cao tinh thần.
- Sử dụng công nghệ có chủ đích
Trước khi dành thời gian trên mạng, hãy tự đặt câu hỏi: “Điều này có thực sự mang lại lợi ích cho tôi không?”. Việc sử dụng công nghệ một cách có ý thức giúp tránh lãng phí thời gian vào những nội dung vô bổ, đồng thời hướng đến những hoạt động có ý nghĩa như học tập, phát triển kỹ năng hoặc kết nối với những người có cùng mối quan tâm.
- Duy trì các kết nối ngoài đời
Công nghệ giúp kết nối mọi người nhưng không thể thay thế hoàn toàn sự tương tác trực tiếp. Việc dành thời gian cho bạn bè, gia đình và tham gia các hoạt động ngoài trời không chỉ giúp giảm cảm giác cô lập mà còn cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Thay vì chỉ trò chuyện qua tin nhắn hãy sắp xếp các buổi gặp mặt, tham gia các hoạt động thể chất hoặc dành thời gian khám phá thiên nhiên.
Chuyên gia sức khỏe tâm thần Sarah Mitchell nhấn mạnh: “Sử dụng công nghệ một cách có ý thức là chìa khóa. Nếu chúng ta tiếp cận công nghệ một cách tỉnh táo và có chiến lược, chúng ta có thể tận dụng lợi ích của nó mà không để nó kiểm soát chúng ta”.
Bằng cách áp dụng những thói quen lành mạnh này, Thế hệ Z và Thế hệ Y có thể thiết lập một mối quan hệ bền vững với công nghệ, vừa tận dụng được những lợi ích mà nó mang lại, vừa bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình trong một thế giới số ngày càng phát triển.
Kết
Cuộc tranh luận về tác động của công nghệ đối với sức khỏe tâm thần vẫn chưa có hồi kết. Việc sử dụng công nghệ quá mức và thiếu kiểm soát chắc chắn gây ra rủi ro nhưng công nghệ không phải là kẻ thù mà chúng ta cần loại bỏ. Nếu biết cách điều chỉnh và sử dụng hợp lý, Thế hệ Z và Thế hệ Y có thể tận dụng công nghệ để phát triển, học hỏi và kết nối mà không bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng và kiệt sức.
Khi xã hội tiếp tục thích nghi với thời đại kỹ thuật số, điều quan trọng không phải là từ bỏ công nghệ mà là học cách sử dụng nó một cách thông minh và có trách nhiệm.