Tiếng Anh đã được phổ cập từ chương trình tiểu học cho đến hết THPT, tuy nhiên, số lượng học sinh, sinh viên và thậm chí người đi làm “bị mất gốc” tiếng Anh không hề ít. Xuất phát từ con số “0”, việc học tiếng Anh cần sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ, đồng thời chương trình tiếng Anh cho người mất gốc cũng có sự khác biệt so với các cấp độ khác. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số cách thức học tiếng Anh cho người mới bắt đầu hoặc tiếng Anh chỉ dừng lại ở mức cơ bản.
I. Tiếng Anh mất gốc – Nguyên nhân từ đâu?
Nguyên nhân chính dẫn đến việc bị mất gốc tiếng Anh là do sự chủ quan trong quá trình học. Chương trình phổ thông của Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo phân thành các ban học chính: A (Toán, Lý, Hóa), A1 (Toán, Lý, Anh), D (Toán, Văn, Anh), C (Văn, Sử, Địa), … Hầu hết học sinh đều có định hướng học tập của mình ngay từ sớm, do đó, việc phân ban đã được quyết định, thậm chí ngay từ giai đoạn tiểu học hay THCS. Với học sinh lựa chọn các phân ban như A hay C, tiếng Anh không phải là môn học được chú trọng với đa số. Do đó, mặc dù là một môn học chính trong suốt chương trình phổ thông, tuy nhiên, nhiều học sinh lại không ôn tập tiếng Anh một cách chỉn chu ngay từ đầu, dẫn đến hậu quả là nắm kiến thức không vững rồi dần dần mất gốc tiếng Anh.
Một lí do khác khiến số lượng học sinh mất gốc tiếng Anh ngày một nhiều là do chất lượng giảng dạy của các chương trình đào tạo. Việc giáo viên không có đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm để giảng dạy cũng khiến học sinh bị “hổng” kiến thức ở nhiều phần, không đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình học tập. Các kiến thức không chuẩn chỉnh cũng ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của nhiều kỳ thi, đặc biệt các kỳ thi quan trọng như kỳ thi THPT quốc gia.
Ngoài ra, việc mất gốc tiếng Anh cũng một phần do suy nghĩ sai lầm của nhiều người, cho rằng tiếng Anh chỉ đơn thuần là một công cụ giao tiếp chứ không mang giá trị chuyên môn như nhiều môn học khác. Quan điểm này dẫn đến việc lơ là, chểnh mảng học tập.
III. Tiếng Anh cho người mất gốc – Phương pháp học hiệu quả
1. Tiếng Anh cho người mất gốc nên bắt đầu với việc học phát âm
Phát âm là yếu tố nền tảng bạn cần luyện tập khi bắt đầu học tiếng Anh cũng như các ngoại ngữ khác. Với những đối tượng mất gốc tiếng Anh, hãy coi mình giống như những người bắt đầu, chưa bao giờ tiếp xúc hay làm quen với tiếng Anh từ trước. Học phát âm cũng cực kỳ quan trọng vì khi phát âm đúng, người nghe sẽ dễ dàng hiểu được nội dung bạn muốn truyền tải cũng như kỹ năng nghe của bạn cũng được song song cải thiện.
Ưu tiên đầu tiên khi học phát âm là việc nắm vững IPS (International Phonetic Symbols) – Hệ thống Phiên âm Quốc tế. Trước khi nói hay, bạn cần phải nói chuẩn trước đã. Ngoài ra, bạn cũng nên duy trì thói quen tra từ điển đơn ngữ mỗi khi gặp từ mới để kiểm tra cách phát âm của người bản ngữ.
Bên cạnh đó, việc học phát âm cũng hiệu quả hơn khi bạn tự ghi âm/ quay video bản thân mình nói chuyện bằng tiếng Anh và nghe lại. Sau nhiều lần thực hành, bạn sẽ phát hiện ra những lỗi sai mình thường mắc phải khi giao tiếp và sửa lại dễ dàng.
Đọc thêm:
120 câu bài tập ngữ âm giúp bạn thuộc làu làu quy tắc phát âm, trọng âm tiếng Anh
3 bước để phát âm tiếng Anh “chuẩn Tây”
2. Bổ sung từ vựng tiếng Anh
Muốn cải thiện và nâng cao khả năng tiếng Anh, đặc biệt với người mất gốc, từ vựng cũng là một trong các yếu tố cơ bản. Trong quá trình học từ vựng, điều đầu tiên cần lưu ý là không học từ vựng bằng cách học thuộc, học vẹt. Phương pháp này có thể giúp bạn ghi nhớ từ vựng trong thời gian nhanh nhất, nhưng từ vựng cũng dễ dàng “trôi đi” khỏi trí nhớ của bạn. Muốn biến từ vựng thành từ của riêng mình, bạn cần sử dụng từ vựng một cách thường xuyên, hằng ngày, ứng dụng từ trong càng nhiều ngữ cảnh càng tốt.
Ngoài ra, bạn cũng nên học từ vựng theo cụm thay vì học từng từ đơn lẻ. Việc học từ vựng theo cụm sẽ giúp bạn tiếp xúc gần hơn với phong cách viết và tư duy của người bản địa, sẽ hữu ích trong quá trình học và nâng cao kỹ năng Viết.
Trong quá trình học từ vựng tiếng Anh, một cuốn sổ tay là thứ vô cùng cần thiết trong việc ghi chép. Không nên học từ vựng một cách riêng lẻ mà hãy nhóm các từ ngữ thành một họ từ lớn. Sự liên kết giữa các từ trong họ từ sẽ giúp bạn ghi nhớ được lâu hơn và cải thiện phương pháp tư duy ngôn ngữ sau này.
3. Bí quyết luyện nghe tiếng Anh cho người mất gốc
Với đối tượng bị “hổng” kiến thức về tiếng Anh, việc luyện nghe cũng sẽ gặp tương đối khó khăn. Lựa chọn hiệu quả nhất cho người mất gốc tiếng Anh là phương pháp nghe – chép chính tả.
Điều đầu tiên, bạn cần lựa chọn một file nghe có độ dài ngắn (từ 2 – 4 phút là phù hợp), lưu ý là hãy chọn file nghe có sub hoặc phần transcript bên dưới. Quá trình nghe – chép chính tả sẽ diễn ra theo trình tự:
- Bước 1: Nghe file audio một cách tự nhiên nhất, với tốc độ chậm nhất để nắm bắt được nội dung.
- Bước 2: Take note lại từng chữ trong file audio mà bạn có thể nghe được.
- Bước 3: Tiếp tục take note những phần nội dung bạn chưa nghe được hoặc đang bỏ trống. Sau đó đọc lại phần nội dung ghi chép được, kiểm tra các lỗi về chính tả, dấu câu.
- Bước 4: So sánh nội dung ghi chép được với phần transcript của file nghe, đánh dấu những lỗi sai hoặc những phần nội dung còn thiếu.
- Bước 5: Nghe lại file audio một lần nữa, nghe kỹ và ghi lại những từ vựng mới.
Sau khi làm quen với việc nghe – chép chính tả, bạn có thể tăng tốc độ file nghe lên. Sau khoảng 3 – 5 tháng duy trì thói quen này, bạn sẽ thấy khả năng tiếng Anh của mình được cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số cuốn sách luyện nghe tiếng Anh cho người mới bắt đầu như: Basic IELTS Listening, Intensive Listening IELTS, …
Có thể thấy, việc học tiếng Anh cho người mất gốc không phải điều dễ dàng. Quá trình “quay trở về” với tiếng Anh đòi hỏi nhiều công sức, nỗ lực, tính kiên trì và nhẫn nại. Với người mất gốc tiếng Anh, hãy tập trung vào việc luyện tập phát âm, bổ sung vốn từ vựng và rèn luyện kỹ năng Nghe trước khi tiếp tục vào các giai đoạn chuyên sâu hơn.