Du học ngày nay đã không còn là khái niệm xa lạ, số lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài ngày một tăng, đặc biệt là tại các quốc gia nói tiếng Anh. Tuy nhiên, để có được cơ hội đi sang nước ngoài học tập, ngoài các yêu cầu về chuyên môn hay học thuật, bạn cũng cần cung cấp một số chứng chỉ tiếng Anh để chứng minh khả năng ngôn ngữ của mình. Tiếng Anh du học cũng có những điểm khác biệt so với tiếng Anh thông thường bạn được học hàng ngày. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một số chứng chỉ tiếng Anh thường được yêu cầu trong quá trình đăng ký du học tại các quốc gia sử dụng tiếng Anh.
1. Chứng chỉ tiếng Anh du học – IELTS
IELTS (The International English Language Testing System) là hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế – bài kiểm tra trình độ tiếng Anh phổ biến nhất thế giới về giáo dục đại học và di cư toàn cầu.
IELTS được xây dựng và phát triển bởi nhiều chuyên gia đánh giá ngôn ngữ hàng đầu thế giới. Chứng chỉ này sẽ kiểm tra toàn bộ các kỹ năng tiếng Anh cần thiết (4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết) trong quá trình bạn bắt đầu một công việc mới hoặc một vị trí học tập mới ở nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính.
Hiện tại, có hai dạng bài kiểm tra IELTS – General IELTS và Academic IELTS. Tùy theo mục đích mà bạn có thể đăng ký thi một trong hai dạng này.
-
Academic IELTS – đo lường mức độ thành thạo tiếng Anh của bạn, đánh giá xem bạn có khả năng tiếng Anh phù hợp với môi trường học thuật hay không. Bài thi này phản ánh các khía cạnh của ngôn ngữ học thuật và là kết quả thể hiện mức độ sẵn sàng của bạn trước khi bắt đầu một khóa học/ bậc học mới bằng tiếng Anh.
- General IELTS – đo lường mức độ thàn thạo tiếng Anh của bạn trong bối cảnh thực tế hàng ngày. Các câu hỏi và bài kiểm tra đều phản ánh các tình huống xảy ra hàng ngày tại gia đình, nơi làm việc hay trường học, …
Hiện IELTS là chứng chỉ ngoại ngữ được hơn 10.000 tổ chức trên toàn cầu tin tưởng. Do đó, đây cũng là một trong các chứng chỉ có số lượng người đăng ký dự thi nhiều nhất.
2. Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL
TOEFL (Test of English as Foreign Language) là một chứng chỉ ngoại ngữ được yêu cầu bởi hầu hết các trường đại học tại Hoa Kỳ và Canada để chứng minh trình độ tiếng Anh của sinh viên quốc tế (đặc biệt đối với sinh viên đến từ các quốc gia mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ). Chứng chỉ này chứng minh khả năng của thí sinh ở các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Thí sinh phải thể hiện khả năng ngoại ngữ của mình đủ điều kiện để hoàn thành các chương trình học bằng tiếng Anh.
Nhiều trường đại học ở châu Âu và các quốc gia khác cũng chấp nhận TOEFL (tuy nhiên IELTS vẫn là chứng chỉ thông dụng hơn). Sự phổ biến của TOEFL ngày càng tăng. Điểm số trong bài thi TOEFL cũng được chấp nhận trong trường hợp bạn muốn xin cư trú tại các quốc gia như New Zealand hay Úc.
Hơn 10.000 trường cao đẳng, đại học tại hơn 100 quốc gia trên thế giới chấp nhận chứng chỉ TOEFL như một trong các điều kiện đầu vào. Tương tự, cũng có ba loại bài kiểm tra TOEFL:
- TOEFL PBT: Đây là dạng bài thi TOEFL truyền thống nhất. Trong đó, thí sinh làm bài thi hoàn toàn trên giấy với một cây bút chì. Hiện nay, TOEFL PBT gần như đã không còn được ứng dụng (ngoại trừ các khu vực không có kết nối internet hoặc không đủ điều kiện để thi TOEFL iBT hoặc CBT).
- TOEFL CBT: Đây là dạng bài thi TOEFL trên máy tính. Nguyên tắc là máy tính sẽ được lập trình để các câu hỏi được cung cấp có độ khó phù hợp với khả năng của thí sinh (dựa vào kết quả từ những câu hỏi ban đầu) và mức điểm của sẽ tương ứng. 300 là thang điểm tối đa trong bài thi TOEFL CBT.
- TOEFL iBT: Đây là dạng bài thi TOEFL mới nhất, đề thi sẽ được chuyển từ EST tới các địa điểm tổ chức thi thông qua Internet. Ra đời vào năm 2005, TOEFL iBT hiện nay đang là dạng bài thi phổ biến nhất, có khả năng thay thế hoàn toàn các dạng TOEFL phía trên nhờ vào sự thuận tiện cũng như khả năng đánh giá chuẩn xác năng lực của thí sinh.
3. TOEIC – Chứng chỉ tiếng Anh giao tiếp
TOEIC (The Test of English for International Communication) – Bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế là một chứng chỉ kiểm tra trình độ tiếng Anh trắc nghiệm dành cho những người có ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là tiếng Anh. Bài thi này đo lường khả năng nghe, nói, viết và đọc tiếng Anh của thí sính trong môi trường quốc tế. Điểm số cho thấy khả năng mọi người có thể giao tiếp bằng tiếng Anh trong môi trường kinh doanh, thương mại và công nghiệp.
Một bài thi TOEIC thông thường sẽ bao gồm 4 phần, tập trung vào việc kiểm tra 2 kỹ năng chính là Nghe và Đọc. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, TOEIC bổ sung thêm bài thi 4 kỹ năng để kiểm tra tổng hợp khả năng nghe, nói, đọc và viết của thí sinh. Chứng chỉ này có thang điểm dao động từ 10 – 990 và có hiệu lực trong vòng 2 năm.
Tuy nhiên, so với hai chứng chỉ trên, TOEIC được đánh giá là “kém giá trị” nhất vì nó không được công nhận rộng rãi bởi các quốc gia hay các trường đại học trên thế giới. Hiện nay, một số trường đại học tại Ba Lan, Hy Lạp, Đài Loan, Hàn Quốc cũng có chấp nhận điểm TOEIC như một trong các điều kiện đầu vào tại các chương trình học.
Đọc thêm:
- TOEIC hay IELTS thì phù hợp hơn với sinh viên và người đi làm?
- Thang điểm TOEIC so với IELTS có gì khác nhau?
- Nên học IELTS hay TOEIC để chinh phục mục tiêu cá nhân của bạn?
Các chứng chỉ tiếng Anh du học được coi là một tấm vé giúp bạn thực hiện ước mơ du học của mình. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các yếu tố về mục đích, địa lý hay giá trị của mỗi chứng chỉ mà bạn nên cân nhắc lựa chọn ôn tập các chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp. Ngoài ra, các chứng chỉ cũng chỉ là cách gián tiếp chứng minh khả năng ngôn ngữ của bạn. Do vậy, việc tự trau dồi và tự tin sử dụng tiếng Anh thuần thục mới là điều quan trọng nhất khi bước vào một môi trường quốc tế mới.